Hưng Yên: Phát huy hiệu quả thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở luôn đồng hành với đời sống của Nhân dân, có vai trò quan trọng đối với đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của mỗi địa phương. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở được quan tâm đầu tư đồng bộ, hoàn thiện, từng bước phát huy hiệu quả hoạt động.

Nhà văn hóa thôn Trúc Đình, xã Xuân Trúc (Ân Thi) được xây dựng mới khang trang

Thực hiện Kết luận số 07-KL/TU, ngày 18.11.2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án xây dựng thiết chế văn hóa tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2016 – 2020, định hướng đến năm 2025, các cấp ủy đảng, chính quyền và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực nhằm hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Hiện nay, ở cấp tỉnh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao hiện có: Bảo tàng tỉnh, Nhà hát chèo, Thư viện, Trung tâm Văn hóa và Điện ảnh tỉnh, Sân vận động, Nhà luyện tập thể dục thể thao, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao. Toàn tỉnh có 8 huyện, thị xã có trung tâm văn hóa; 120 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa độc lập; 85% trung tâm văn hóa cấp xã, 75,2% số nhà văn hóa thôn, tổ dân phố bảo đảm tiêu chí về diện tích, quy mô, trang thiết bị theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; 10/10 huyện, thị xã, thành phố có quy hoạch xây dựng cơ sở vật chất phục vụ hoạt động thể dục thể thao; 100% xã, phường, thị trấn có nhà, sân hoặc phòng tập luyện thể thao; 100% huyện, thị xã, thành phố có thư viện; 100% xã, phường, thị trấn có tủ sách pháp luật. Các thiết chế văn hóa, thể thao được đưa vào khai thác, đều phát huy tốt công năng sử dụng, thu hút đông đảo quần chúng Nhân dân đến sinh hoạt văn hóa, văn nghệ và rèn luyện thể dục thể thao. Qua đó, góp phần củng cố sự đoàn kết của cộng đồng dân cư, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, giảm thiểu các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức của Nhân dân trong việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy dân chủ, tinh thần đoàn kết, rút ngắn khoảng cách văn hóa giữa các vùng, khu vực trong tỉnh.

Có mặt trong một buổi sinh hoạt của người dân tại nhà văn hóa thôn Trúc Đình, xã Xuân Trúc (Ân Thi), chúng tôi cảm nhận rõ sự phấn khởi của người dân nơi đây khi được ngồi họp trong nhà văn hóa khang trang, sạch đẹp. Ông Nguyễn Văn Công, thôn Trúc Đình cho biết: Từ ngày xây dựng nông thôn mới, cùng với sự hỗ trợ của các cấp, ngành, Nhân dân trong thôn đã tích cực xây dựng, sửa sang lại hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, hiện nay chúng tôi đã có chỗ sinh hoạt văn hóa cộng đồng mới rộng hơn, lại vừa có cả sân bóng chuyền, cầu lông… cho người cao tuổi, thanh niên, thiếu nhi vui chơi, giải trí. Tham gia vào những hoạt động này đã giúp cho người dân chúng tôi thêm gần gũi, đoàn kết hơn.

Cũng là những người nông dân quanh năm bận rộn với công việc đồng áng, nhưng dù bận đến mấy, cứ đúng 5 giờ chiều hằng ngày, khắp các sân thể thao của xã Phan Sào Nam (Phù Cừ) lại rộn ràng không khí tập luyện của người dân với nhiều lứa tuổi khác nhau. Vừa lau mồ hôi sau trận bóng, chị Dương Thị Hiền, thôn Ba Đông phấn khởi kể: Ở xã Phan Sào Nam, phong trào chơi bóng chuyền hơi phát triển mạnh mấy năm nay, nhất là từ ngày hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư nâng cấp đã trở thành điểm gặp gỡ, giao lưu của người dân sau những giờ vất vả với việc đồng áng.

Có thể thấy, từ khi các thiết chế văn hóa, thể thao được đầu tư, đã giúp cho các câu lạc bộ (CLB) văn nghệ, thể thao ra đời, qua đó phát huy tác dụng của các thiết chế văn hóa, thể thao, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, vui chơi giải trí của người dân. Trong 5 năm qua, số lượng các CLB văn nghệ, thể thao đã tăng lên đáng kể, hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có hơn 800 CLB, đội văn hóa – văn nghệ quần chúng và 2.015 CLB, điểm nhóm TDTT duy trì hoạt động thường xuyên.

Phong trào tập luyện thể dục thể thao trên địa bàn xã Phan Sào Nam (Phù Cừ)

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn có tồn tại như: Một số thiết chế hiện đã xuống cấp, không bảo đảm theo quy định; còn nhiều thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay thiếu trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động; kinh phí đầu tư cho các hoạt động chuyên môn cũng như sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao còn hạn hẹp. Việc xây dựng một số thiết chế văn hóa, thể thao về quy mô, kiến trúc, vị trí còn chưa phù hợp trong việc khai thác, sử dụng trong giai đoạn hiện nay.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, đồng chí Đào Mạnh Huân, Phó Giám đốc điều hành Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện các đề án, chiến lược phát triển văn hóa, thể dục, thể thao, trong đó trọng tâm là Đề án số 18 – NQ/TU ngày 8.12.2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án phát triển hệ thống văn hóa, thể thao trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030; thường xuyên bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác văn hóa, thể thao ở cơ sở; phát huy chủ thể người dân trong tham gia đóng góp xây dựng, quản lý, tổ chức các mô hình sinh hoạt văn hóa, thể thao mang tính cộng đồng để người dân có ý thức hơn trong việc bảo vệ, giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa của địa phương; quan tâm đầu tư, mua sắm các trang thiết bị, hỗ trợ kinh phí, tạo điều kiện cho các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở hoạt động ngày càng hiệu quả…

Lê Hiếu

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202206/hung-yen-phat-huy-hieu-qua-thiet-che-van-hoa-the-thao-co-so-ae536e2/