Hưng Yên phát triển khu công nghiệp, thu hút đầu tư

Năm 2024, tỉnh Hưng Yên thu hút dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước gần 4 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, góp phần quan trọng để tỉnh đẩy mạnh phát triển công nghiệp, phấn đấu mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt từ 8% trở lên trong năm 2025 và những năm tiếp theo.

Khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên.

Khu công nghiệp Phố Nối A, tỉnh Hưng Yên.

Hưng Yên có vị trí giáp Thủ đô Hà Nội, hạ tầng giao thông thuận lợi, kết nối cảng biển, sân bay và các đô thị lớn. Ðể phát huy tiềm năng, lợi thế, tỉnh tập trung nguồn lực cho công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút đầu tư.

Xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp

Trên công trường xây dựng Khu công nghiệp số 3, các công nhân đang hối hả thi công những hạng mục hạ tầng kỹ thuật. Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland Nguyễn Công Hồng cho biết: Ðể tháo gỡ khó khăn, tỉnh Hưng Yên đã thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng các dự án, công trình trọng điểm, giúp công tác này được thuận lợi. Trong thời gian ngắn, toàn bộ khoảng 160 ha đất Khu công nghiệp số 3 đã được bàn giao cho nhà đầu tư.

Ngay sau khi mặt bằng "sạch", TDH Ecoland và các đối tác đã tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật và chưa đầy 1 năm, Khu công nghiệp số 3 đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đi vào hoạt động. Với vị trí thuận lợi, tiếp giáp tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng; nhất là Khu công nghiệp số 3 được thuê đất trả tiền một lần với chính sách rất hấp dẫn, đã thu hút nhiều dự án đầu tư vốn FDI.

Tỉnh Hưng Yên có vị trí chiến lược nằm ở trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, giáp Thủ đô Hà Nội; hạ tầng giao thông thuận lợi với các tuyến đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, Quốc lộ 5, Quốc lộ 38, Quốc lộ 39, đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội,... kết nối với cảng biển, sân bay và các đô thị lớn ở miền bắc. Ðể phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo sự phát triển đột phá về kinh tế, trong những năm qua, tỉnh luôn chú trọng đến công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng hạ tầng khu công nghiệp, thu hút đầu tư.

Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Vũ Quốc Nghị cho biết: Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, từ năm 2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 15-CT/TU chỉ đạo giải phóng mặt bằng triển khai các công trình, dự án trên địa bàn và Quyết định số 409-QÐ/TU (năm 2022) về thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm giai đoạn 2021-2025 do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để vận động, tuyên truyền, thuyết phục nhân dân đồng tình bàn giao đất cho các dự án phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Hằng tháng, Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm tỉnh Hưng Yên họp kiểm điểm tiến độ giải phóng mặt bằng và ban hành thông báo chỉ đạo, giải quyết khó khăn, vướng mắc kịp thời. Do vậy, trong giai đoạn 2021-2024, tỉnh đã giải phóng mặt bằng được gần 1.300 ha đất bàn giao cho các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, gấp gần 3 lần so với giai đoạn 2015-2020.

Các chủ dự án khu công nghiệp đã đẩy nhanh tiến độ, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, năm 2024 có khoảng 620 ha đất được xây dựng, gấp gần 2 lần so với năm 2023, đưa tổng diện tích đất khu công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật đạt khoảng 2.500 ha, chiếm 89% tổng diện tích; trong đó diện tích đất sẵn sàng cho thuê lại hiện nay còn khoảng 540 ha. Nhiều khu công nghiệp đi vào hoạt động, thu hút đầu tư, điển hình như Khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng, Khu công nghiệp số 3, Khu công nghiệp số 5, Khu công nghiệp Sạch,...

Hạ tầng khu công nghiệp đồng bộ đã tạo điều kiện thu hút đầu tư hiệu quả. Năm 2024, tỉnh Hưng Yên đã tiếp nhận 86 dự án, tăng 33% so với năm 2023, với tổng vốn đăng ký 772 triệu USD và 11.630 tỷ đồng.

Các khu công nghiệp đã tiếp nhận nhiều dự án có quy mô vốn lớn trong lĩnh vực công nghệ, kỹ thuật cao, nhà xưởng tiêu chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia, thương hiệu lớn trên thế giới, như dự án sản xuất phim phân cực LCD sử dụng cho điện thoại thông minh và ô-tô của Công ty TNHH Nitto Việt Nam (vốn đầu tư 132 triệu USD); dự án sản xuất cáp quang, cáp kết nối tốc độ cao của Công ty Molex Việt Nam (128 triệu USD); dự án sản xuất nhãn RFID các loại của Công ty Công nghệ Arizon Việt Nam (67,5 triệu USD),…

Tạo đà tăng trưởng bứt phá

Theo Quyết định số 489/2024/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch phát triển khu công nghiệp đến năm 2030 và tầm nhìn năm 2050, tỉnh Hưng Yên có 35 khu công nghiệp, tổng diện tích hơn 12.000 ha. Hiện nay, tỉnh đã có 12 khu công nghiệp, quy mô diện tích hơn 3.123 ha; trong đó, 10 khu công nghiệp (khoảng 2.773 ha) đã đi vào hoạt động, tiếp nhận dự án đầu tư thứ cấp.

Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đánh giá, năm 2024 là năm tỉnh thu hút vốn đầu tư đạt kỷ lục, cao nhất từ trước đến nay, với 180 dự án, tổng vốn hơn 61.000 tỷ đồng và hơn 1,5 tỷ USD. Lũy kế đến nay, tổng số dự án trên địa bàn tỉnh còn hiệu lực đạt 2.371 dự án (1.755 dự án trong nước và 616 dự án nước ngoài) tổng vốn đăng ký hơn 370.000 tỷ đồng và hơn 8,5 tỷ USD. Ðạt được kết quả này, có sự đóng góp quan trọng của các khu công nghiệp trên địa bàn trong việc thu hút đầu tư, góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh tăng trưởng cao và ổn định. Năm 2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng 7,7%, quy mô nền kinh tế đạt 159.844 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người đạt 121,27 triệu đồng/năm, tăng 8,81 triệu đồng so với năm 2023.

Ðể đạt mục tiêu chiến lược phát triển bứt phá, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết: Tỉnh quyết tâm theo đuổi mô thức tăng trưởng mới dựa trên các trụ cột: Vai trò kiến tạo của chính quyền, trọng tâm là thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ, liên tục cải thiện thể chế, môi trường đầu tư, kinh doanh và năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò dẫn dắt của đầu tư công. Ðồng thời, tạo lập hệ sinh thái phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao với chính sách thu hút đầu tư mới có chọn lọc, coi trọng quy mô, trình độ công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường. Tỉnh cũng đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa, hình thành các đô thị lớn, thông minh, sinh thái gắn với phát triển thương mại, dịch vụ hiện đại; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận bình đẳng thông tin, cơ hội kinh doanh, đầu tư, đất đai,...

Tỉnh Hưng Yên thường xuyên tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp để kịp thời nắm bắt, xử lý khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ doanh nghiệp; tăng cường hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, quảng bá tiềm năng, cơ hội kinh doanh, xây dựng thương hiệu, hình ảnh của tỉnh ở trong nước và quốc tế.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung rà soát, cập nhật bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khu công nghiệp cho các khu công nghiệp đã được xác định phát triển theo quy hoạch; bổ sung đưa vào danh mục các dự án trọng điểm của tỉnh đối với các khu công nghiệp mới được thành lập.

Các cơ quan chức năng trong tỉnh được chỉ đạo đẩy nhanh bồi thường, giải phóng mặt bằng và bàn giao đất cho chủ đầu tư khu công nghiệp, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tiếp nhận dự án đầu tư; tăng tiến độ triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp đã được thành lập, phê duyệt,... phấn đấu đến hết năm 2025 có khoảng 2.000 ha đất sạch sẵn sàng cho thuê; năm 2030 có 30 khu công nghiệp (diện tích 9.588 ha), năm 2050 có 35 khu công nghiệp (hơn 12.000 ha), đưa Hưng Yên trở thành một trong những tỉnh công nghiệp phát triển mạnh của cả nước.

PHẠM HÀ

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/hung-yen-phat-trien-khu-cong-nghiep-thu-hut-dau-tu-post859589.html