Hưng Yên tạo sức bật cải thiện môi trường đầu tư

Quý I/2023, Hưng Yên tiếp tục giữ vị trí là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng.

Lao động sản xuất tại công ty TNHH bao bì Thuận Đức (huyện Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Lao động sản xuất tại công ty TNHH bao bì Thuận Đức (huyện Kim Động, Hưng Yên). Ảnh: Phạm Kiên - TTXVN

Trong bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) công bố mới đây, Hưng Yên bứt phá ngoạn mục tăng 25 bậc, vươn lên thứ 14 cả nước, đạt thứ hạng cao nhất từ trước đến nay.

Đây là sự ghi nhận của cộng đồng doanh nghiệp cho những nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế của tỉnh.

Nỗ lực mang lại môi trường đầu tư thông thoáng

Ông Trần Quốc Văn, Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên khẳng định, thành quả này là sự phấn đấu không ngừng của cả hệ thống chính trị, luôn song hành, tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh tình hình kinh tế quốc tế và trong nước gặp nhiều khó khăn.

Các doanh nghiệp đã phát huy trí tuệ, nỗ lực vượt qua đại dịch COVID-19 và khó khăn chung của nền kinh tế 2 năm vừa qua để cống hiến, đóng góp to lớn vào sự phát triển chung của kinh tế - xã hội.

Trong những năm qua, tỉnh cũng chỉ đạo các ngành, địa phương quyết liệt cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, giảm chi phí nhằm tăng sức hút đầu tư, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Tỉnh tăng cường xúc tiến đầu tư thông qua cơ quan ngoại giao và doanh nghiệp nước ngoài đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ đã và đang đầu tư ổn định tại tỉnh. Chuẩn bị hạ tầng đồng bộ về giao thông, điện, nước, thông tin liên lạc và mặt bằng, nhất là tại các khu công nghiệp, để sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư nước ngoài.

Đến nay, toàn tỉnh có 513 dự án có vốn đầu tư nước ngoài đăng ký hoạt động, với tổng số vốn đăng ký 6,2 tỷ USD. Kết quả thu hút đầu tư nước ngoài đã đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, quy mô nền kinh tế được mở rộng, giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập ổn định cho người lao động, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Những nỗ lực đó đã được thể hiện bằng những con số cụ thể. Quý I/2023, Hưng Yên tiếp tục giữ vị trí là một trong những tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao của cả nước và vùng Đồng bằng sông Hồng. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 8,14% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này giúp tỉnh Hưng Yên xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xếp thứ 5/11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Đặc biệt, trong quý I/2023 hoạt động phát triển hạ tầng các khu công nghiệp được đẩy nhanh. Hưng Yên đã khởi công xây dựng kết cấu hạ tầng 2 khu công nghiệp gồm: khu công nghiệp số 5 quy mô 192,64 ha và khu công nghiệp Thăng Long II mở rộng (giai đoạn 3) quy mô 180,5ha. Đã khởi công được cụm công nghiệp Phạm Ngũ Lão - Nghĩa Dân với diện tích 75ha trên địa bàn huyện Ân Thi và Kim Động.

Năm 2022 tốc độ tăng trưởng GRDP của Hưng Yên đạt 12,8%, cao hơn nhiều mức bình quân của cả nước; đứng thứ nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 5 cả nước. Tăng trưởng của từng ngành đều vượt kế hoạch đề ra; trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 10,4%, giá trị sản xuất xây dựng tăng 37,15% , giá trị sản xuất thương mại, dịch vụ tăng 19,45%, vượt xa so với kế hoạch đề ra. Thu ngân sách nhà nước đạt mức cao nhất từ trước đến nay với 51.400 tỷ đồng, gấp 2,63 lần dự toán, đứng trong Top 10 tỉnh, thành phố có số thu cao nhất cả nước.

Tạo sức bật thu hút doanh nghiệp

Trung tâm huyện Văn Giang - huyện có hạ tầng đô thị tăng trưởng nhanh của tỉnh. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Trung tâm huyện Văn Giang - huyện có hạ tầng đô thị tăng trưởng nhanh của tỉnh. Ảnh: Danh Lam – TTXVN

Trong 10 chỉ số thành phần của bảng xếp hạng PCI, có 3 chỉ số của Hưng Yên xếp vào Top 10 cả nước; trong đó, chỉ số tiếp cận đất đai xếp thứ 5, tăng 36 bậc. Chỉ số này cùng con số giải phóng mặt bằng gần 1.000ha đất cho các khu công nghiệp năm 2022 cho thấy Hưng Yên đang tạo sức bật cải thiện môi trường đầu tư, thu hút các doanh nghiệp.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên cho biết, để tạo điều kiện hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp trong khâu giải phóng mặt bằng, năm 2021 - 2022 tỉnh đã ra nhiều chủ trương chính sách để tháo gỡ khó khăn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Chỉ thị, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, chính quyền địa phương tạo điều kiện tối đa giải phóng mặt bằng cho các doanh nghiệp. Chính vì vậy năm 2022, toàn tỉnh đã giải phóng mặt bằng cho các khu công nghiệp vượt xa kế hoạch. Dự kiến, năm 2023 tiếp tục giải phóng thêm gần 1.000 ha nữa.

Ông Satoru Wachi, Giám đốc Công ty Khu công nghiệp Thăng Long II cho biết, với sự hỗ trợ của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Hưng Yên, năm 2022 công ty đã nhận được quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho dự án mở rộng Khu công nghiệp Thăng Long II (giai đoạn 3), đưa tổng diện tích khu công nghiệp Thăng Long II lên 525 ha, trở thành khu công nghiệp có diện tích lớn nhất. Tuy nhiên, với diện tích lớn như vậy liên quan đến hơn 1.500 hộ dân, rất nhiều vấn đề vướng mắc liên quan đến giải phóng mặt bằng nhưng lãnh đạo tỉnh Hưng Yên đã kịp thời tháo gỡ. Nhờ đó, dự án đã nhanh chóng được khởi công đầu năm 2023 vừa qua.

Năm 2023, Hưng Yên đặt mục tiêu hoàn thành giải phóng mặt bằng các dự án khu công nghiệp đầu tư mới, dự án khu công nghiệp mở rộng đã được quyết định chủ trương đầu tư trước ngày 31/12/2022; giải phóng mặt bằng khoảng 500 ha đất của các dự án cụm công nghiệp đã được thành lập. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho doanh nghiệp để sớm triển khai các dự án đầu tư.

Tỉnh Hưng Yên cũng chỉ đạo các sở, ban ngành, liên quan, theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động phối hợp với các huyện, thị xã, thành phố, các chủ đầu tư dự án tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng; rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục liên quan đến việc triển khai đầu tư dự án.

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch, chủ động có biện pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các công trình, dự án trên địa bàn quản lý, sớm bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư và nhà thầu thi công để triển khai đầu tư dự án.

Tiếp tục là điểm đến lý tưởng

Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch VCCI nhận định, Hưng Yên đã có bước tiến vượt bậc, từ đơn vị đang nằm ở đoạn nửa cuối bảng xếp hạng PCI đã vượt lên Top 15. Điều đó cho thấy cộng đồng doanh nghiệp đang ngày càng tin tưởng, tín nhiệm hơn về môi trường kinh doanh tại Hưng Yên. Đây cũng chính là sự nỗ lực của các cấp ủy Đảng, tổ chức, chính quyền tỉnh Hưng Yên.

"Mong rằng trên tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm Hưng Yên tiếp tục tạo môi trường thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp lấy Hưng Yên là điểm đến", Chủ tịch VCCI khẳng định.

Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn cho hay, năm 2023 Hưng Yên tiếp tục duy trì và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để khi doanh nghiệp về với Hưng Yên được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất. Tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện vững chắc môi trường đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư vào địa bàn theo hướng ưu tiên thu hút nhà đầu tư lớn, các tập đoàn đa quốc gia, triển khai các dự án có giá trị gia tăng cao, tác động mạnh đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh và tạo bước đột phá trong phát triển các khu công nghiệp, cụm công nghiệp hiện đại.

Tỉnh phấn đấu năm 2023 có ít nhất 1 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư; thu hút 450 triệu USD vốn đầu tư vào các khu công nghiệp. Ngoài ra, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp đã được thành lập, phê duyệt, phấn đấu có ít nhất 10 cụm công nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng.

Với tầm nhìn chiến lược và nhất quán đối với mô hình tăng trưởng kinh tế xanh, bền vững, tỉnh Hưng Yên phấn đấu đến năm 2025 sẽ vươn lên thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại với hệ thống hạ tầng khu, cụm công nghiệp được xây dựng đồng bộ, hiện đại, đúng tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư đến đầu tư tại tỉnh.

Tỉnh cũng nỗ lực tận dụng thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư để ưu tiên thu hút một số ngành sản xuất đang là xu thế như: điện tử - viễn thông, trí tuệ nhân tạo AI, phần mềm, sản phẩm số, công nghiệp dược phẩm, chế phẩm sinh học, công nghiệp vật liệu mới và các ngành công nghiệp hỗ trợ./.

Đỗ Huyền/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hung-yen-tao-suc-bat-cai-thien-moi-truong-dau-tu/288846.html