Hưng Yên tự hào đi lên, xây dựng quê hương phát triển nhanh và bền vững

Trong lịch sử, vùng đất Hưng Yên đã có nhiều tên gọi khác nhau, nhiều lần điều chỉnh về địa giới hành chính. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVIII, có Phố Hiến, thương cảng hàng đầu của đất nước, thông thương với các quốc gia trên thế giới, phồn hoa đô hội, buôn bán nhộn nhịp được ca tụng “Thứ nhất Kinh Kỳ, thứ nhì Phố Hiến”. Năm Minh Mệnh thứ 12 (năm 1831), từ cuộc cải cách hành chính của triều đình nhà Nguyễn, Hưng Yên - danh xưng gửi gắm ước vọng về vùng đất mãi bình yên, hưng thịnh chính thức được khai sinh. Đây là sự kiện có ý nghĩa vô cùng to lớn, bước ngoặt trong tiến trình lịch sử của tỉnh nhà, chứng tỏ vùng đất này đã phát triển tới mức trở thành một đơn vị hành chính độc lập thuộc chính quyền Trung ương. Trải qua 190 năm thành lập, đến nay, Hưng Yên có 10 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 xã, phường, thị trấn, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc và tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Quảng trường Nguyễn Văn Linh (thành phố Hưng Yên)

Tuy diện tích không lớn, nhưng có thời là một trong Tứ trấn bảo vệ kinh thành Thăng Long, Hưng Yên là nơi bồi lắng, hội tụ và lan tỏa sự phong phú, độc đáo của vùng văn hóa châu thổ sông Hồng. Hưng Yên còn lưu giữ nhiều di sản văn hóa truyền thống, phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lễ hội và hệ thống di tích lịch sử văn hóa phong phú, đặc sắc, những yếu tố góp phần tạo nên nét bản sắc văn hóa riêng của vùng đất xứ nhãn lồng. Hiện nay, tỉnh Hưng Yên có trên 1.800 di tích, trong đó có 3 di tích, khu di tích Quốc gia đặc biệt; 172 di tích, khu di tích được xếp hạng cấp Quốc gia, đứng thứ 3 toàn quốc về số di tích xếp hạng cấp Quốc gia.

Nơi đây cũng là một vùng đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống hiếu học, ý chí vượt khó thành tài, vun đắp nên nền văn hiến rực rỡ với nhiều người hiền tài, anh hùng, danh nhân văn hóa lưu danh muôn thuở. Gần 10 thế kỷ khoa bảng dưới thời phong kiến Việt Nam, Hưng Yên có 8 trạng nguyên trong tổng số 53 trạng nguyên của cả nước; 205 tiến sỹ được ghi danh trên bia Văn miếu Quốc Tử Giám, 228 người đỗ đại khoa được ghi danh ở Văn miếu Xích Đằng. Lĩnh vực chính trị - quân sự có Triệu Việt Vương đánh đuổi giặc Lương; Linh nhân Hoàng Thái hậu Ỷ Lan 2 lần nhiếp chính giúp 2 đời vua triều Lý chấn hưng đất nước và giữ vững nền độc lập dân tộc trước sự xâm lăng của giặc Tống; danh tướng Phạm Ngũ Lão giúp Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn và nhà Trần đánh tan quân xâm lược Nguyên - Mông; Nguyễn Thiện Thuật - thủ lĩnh của cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy quật khởi chống thực dân Pháp xâm lược. Lĩnh vực văn hóa và khoa học có Tiến sỹ Chu Mạnh Trinh, Hồng Hà nữ sĩ Đoàn Thị Điểm, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, soạn giả Dương Quảng Hàm; danh họa Tô Ngọc Vân; các nhà văn Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng... Thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến (Khoái Châu) là quê hương bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhân dân Hưng Yên giàu lòng yêu nước, anh dũng, kiên cường trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, giàu truyền thống cách mạng, sớm tiếp thu ánh sáng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về con đường giải phóng dân tộc và truyền bá, xây dựng phong trào cách mạng trên mảnh đất quê hương. Năm 1929, Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Sài Thị (Khoái Châu) được thành lập - Chi bộ cộng sản đầu tiên ở Hưng Yên. Từ đây phong trào đấu tranh cách mạng ở Hưng Yên đã có tổ chức chính đảng lãnh đạo, là nền tảng, cơ sở để xây dựng tổ chức, phát triển phong trào đấu tranh ở khắp các địa phương trong tỉnh.

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng và Xứ ủy Bắc kỳ, tháng 7.1941, Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Hưng Yên được thành lập, ghi dấu sự ra đời Đảng bộ tỉnh Hưng Yên và sự lớn mạnh của phong trào cách mạng ở Hưng Yên, đồng thời khẳng định, tổ chức Đảng ở Hưng Yên đã đứng dưới lá cờ vinh quang của Đảng ta, quyện hòa, cùng chảy trong dòng thác cách mạng của Đảng, của dân tộc, góp phần làm nên kỳ tích với những mốc son chói lọi trong lịch sử Đảng, lịch sử dân tộc. Thời kỳ này, Hưng Yên xuất hiện những chiến sỹ cộng sản kiên trung, nhà cách mạng kiệt xuất như: Các đồng chí Tô Hiệu, Nguyễn Bình, Lê Văn Lương, nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Thị Cúc, Trần Thị Khang (Vũ Thị Kính)… Đặc biệt, Hưng Yên tự hào là quê hương đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh - người chiến sỹ cộng sản kiên cường, người mở đường và có công lớn trong công cuộc đổi mới đất nước.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ và lực lượng vũ trang tỉnh, phong trào cách mạng ở Hưng Yên phát triển với một khí thế mới, không ngừng lớn mạnh. Các tầng lớp Nhân dân được tôi luyện trong gian khó, hy sinh, vững chí, một lòng sắt son với Đảng để sớm tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945 giành chính quyền về tay Nhân dân.

Trong kháng chiến chống Pháp, quân và dân Hưng Yên chung sức, chung lòng, nhất tề đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm và trở thành tỉnh có phong trào chiến tranh Nhân dân phát triển cao ở vùng đồng bằng Bắc Bộ, được Bác Hồ khen và tặng Cờ “Đoàn kết Nhân dân đánh thắng giặc Pháp”.

Thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào” ở miền Nam, Đảng bộ tỉnh lãnh đạo Nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu, giành được nhiều kết quả to lớn, được Bác Hồ 4 lần tặng Cờ luân lưu làm thủy lợi khá nhất miền Bắc; là tỉnh đi đầu trong phong trào bổ túc văn hóa, được Trung ương Đảng tặng Cờ dẫn đầu về bổ túc văn hóa, Huân chương Lao động hạng Ba và sau đó là Huân chương Lao động hạng Nhì về bổ túc văn hóa. Giai đoạn 1968 - 1996, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương hợp nhất, Đảng bộ và Nhân dân Hải Hưng đã đoàn kết, đồng lòng tham gia đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, xây dựng hậu phương vững chắc cho tiền tuyến miền Nam, cùng cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội và được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến Hạng Nhất, Cờ luân lưu quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Trải qua 80 năm thành lập và phát triển, Đảng bộ tỉnh Hưng Yên đã lãnh đạo Nhân dân viết lên những trang sử hào hùng, góp phần không nhỏ vào thắng lợi chung của cả nước.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Nghĩa tặng quà công nhân lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt sau 25 năm kể từ khi tái lập tỉnh (1.1.1997), trong điều kiện còn nhiều khó khăn của một tỉnh thuần nông, xuất phát điểm thấp, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Hưng Yên đã tiếp tục nêu cao chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, phát huy mọi nguồn lực, vượt qua thách thức, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và đã đạt được những thành tựu khá toàn diện. Đến năm 2020, thu ngân sách của Hưng Yên đã tăng gấp gần 200 lần; từ một tỉnh nằm trong nhóm 3 tỉnh có thu thấp nhất cả nước, đến nay đã nằm trong số 16 tỉnh, thành phố tự cân đối thu chi và có điều tiết về Trung ương. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,38%/năm; tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt gần 79 triệu đồng/năm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch nhanh theo hướng công nghiệp. Hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ. Hưng Yên đã và đang là sự lựa chọn của nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, hiện có hơn 13 nghìn doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2020. Các lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh đều đạt được những thành tựu quan trọng. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt, diện mạo đô thị và nông thôn của tỉnh có nhiều thay đổi theo hướng sáng, xanh, sạch, đẹp. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh được quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp có sự chuyển biến tích cực; chú trọng xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ. Khối đại đoàn kết toàn dân tiếp tục được củng cố, tăng cường; niềm tin của Nhân dân đối với Đảng được nâng lên. Quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự, kỷ cương xã hội được tăng cường; quan hệ đối ngoại không ngừng được mở rộng...

Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, xây dựng Hưng Yên giàu, đẹp, văn minh, có công nghiệp thuộc nhóm phát triển mạnh của cả nước; GRDP bình quân đầu người trong nhóm dẫn đầu cả nước, đạt trên 8.500 USD/người; nền kinh tế số chiếm trên 30% GRDP; có các khu đô thị lớn, nông thôn mới kiểu mẫu; nông nghiệp hàng hóa hiệu quả cao, an toàn và bền vững; cơ bản trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trước năm 2037 - 40 năm tái lập tỉnh, Hưng Yên trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; năm 2045, Hưng Yên là thành phố thông minh; phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Phố Hiến xưa; là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại, giàu bản sắc văn hóa của trung tâm vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đại hội Đảng bộ tỉnh Hưng Yên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định đẩy mạnh thực hiện ba khâu đột phá chiến lược: Xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch tỉnh. Tập trung thu hút đầu tư phù hợp quy hoạch; ưu tiên dự án quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp công nghệ số, đóng góp tích cực cho tăng trưởng và ngân sách Nhà nước. Tập trung tháo gỡ khó khăn, huy động các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại - dịch vụ và đô thị, phát triển hạ tầng số, ưu tiên hạ tầng giao thông và các địa bàn trọng điểm để tạo động lực phát triển. Trên cơ sở quy hoạch cán bộ, tăng cường công tác đào tạo, đánh giá, sử dụng thông qua việc đẩy mạnh luân chuyển giữa các cấp, các ngành; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có uy tín, năng lực nổi trội.

Phát huy những thành tựu trong chặng đường 190 năm thành lập tỉnh, 80 năm thành lập Đảng bộ tỉnh và 25 năm tái lập tỉnh, với niềm tự hào và niềm tin sâu sắc vào Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, Bác Hồ vĩ đại và các bậc tiền nhân, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hưng Yên nguyện tiếp tục phát huy truyền thống quê hương văn hiến, cách mạng và anh hùng, đoàn kết, đồng tâm hiệp lực, vượt qua thử thách, khó khăn, phát huy bản lĩnh, trí tuệ; đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, chủ động, sáng tạo để khơi dậy mọi tiềm năng, lợi thế và nguồn lực để đạt được những mục tiêu đã đề ra.

NGUYỄN HỮU NGHĨA
Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/chinh-tri/202112/hung-yen-tu-hao-di-len-xay-dung-que-huong-phat-trien-nhanh-va-ben-vung-e42279c/