Hungary hưởng lợi lớn từ tình bạn với Trung Quốc
Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài số 1 của Hungary và Budapest đang dẫn đầu châu Âu về sản xuất ô tô điện.
Trong một bức thư ngỏ gửi Thủ tướng Hungary, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhắc đến một tình bạn “êm dịu và đậm đà như rượu Tokaji”.
Rượu vang của Hungary cũng ngọt ngào như vậy. Theo tờ Politico, mối quan hệ hợp tác với Trung Quốc đang mang lại nhiều lợi ích, cả về mặt chính trị và kinh tế cho Budapest, và nó đang đưa Hungary trở thành quốc gia thống trị trong quá trình chuyển đổi sang ô tô điện ở châu Âu.
Mặc dù lãnh đạo một quốc gia đã là thành viên của Liên minh Châu Âu trong 20 năm, Thủ tướng Hungary Viktor Orbán có quan điểm gần gũi với Trung Quốc hơn so với các đồng cấp của ông trong khối, những người thường chỉ trích bộ máy quan liêu của Hungary, bác bỏ các chính sách xã hội và nhập cư của nước này.
“Chúng ta coi nhau là đối tác hợp tác ưu tiên”, ông Tập Cận Bình viết trong thư,“Chúng ta đã cùng nhau trải qua những khó khăn và thách thức chính trị trong bối cảnh quốc tế đầy biến động”.
Sự liên kết chính trị đang mang lại lợi ích kinh tế khi Trung Quốc đầu tư vào Hungary, đặc biệt là vào xe điện và pin.
Đôi bên cùng thắng
Mối quan hệ thân thiết giữa hai nhà lãnh đạo đã được thể hiện đầy đủ trong tuần này khi Chủ tịch Trung Quốc kết thúc chuyến công du châu Âu đầu tiên sau 5 năm bằng chuyến thăm Hungary. Chuyến công du lần này cũng trùng với dịp kỉ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đặc biệt nhân dịp này, theo Tân Hoa xã đưa tin ngày 9/5, Trung Quốc và Hungary đã quyết định nâng cấp quan hệ lên "đối tác chiến lược toàn diện ở mọi hoàn cảnh trong kỷ nguyên mới".
"Chúng tôi sẵn sàng coi đây là điểm khởi đầu mới để thúc đẩy quan hệ song phương, hợp tác thực chất và hướng tới một cấp độ cao hơn", Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu.
Hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Hungary đã công bố một nhà máy xe điện mới của Trung Quốc do Great Wall Motor (GWM) xây dựng tại Pécs. "Người khổng lồ" ô tô điện Trung Quốc BYD cũng đã động thổ nhà máy đầu tiên ở châu Âu tại Szeged, một thành phố ở phía nam Hungary, gần biên giới với một đồng minh khác của Trung Quốc là Serbia, nơi sẽ sản xuất khoảng 200.000 ô tô mỗi năm.
Ngoại trưởng Hungary, Péter Szijjártó cho biết các công ty Trung Quốc đã đầu tư 16 tỷ euro vào Hungary, đưa Trung Quốc trở thành nhà đầu tư số 1 của đất nước này. Ông nói: “Chúng tôi coi sự hợp tác của mình với Trung Quốc là một cơ hội lớn, một cơ hội khổng lồ”.
Theo ông Szijjártó, Trung Quốc và Hungary dự kiến sẽ ký 16 thỏa thuận hợp tác mới bao gồm mọi thứ từ ô tô đến năng lượng hạt nhân.
Trung Quốc coi Hungary là một trung tâm sản xuất cho phép các nhà sản xuất ô tô của họ tránh được các mức thuế có thể có của EU. Ủy ban Châu Âu dự kiến sẽ công bố kết quả điều tra chống trợ cấp đối với ô tô điện của Trung Quốc và áp dụng các mức thuế mới đối với phương tiện này ngay trong mùa hè năm nay.
Tuy nhiên, mức thuế dự kiến từ 15% đến 30% có thể không đủ cao để ngăn cản các nhà sản xuất Trung Quốc, đặc biệt là những ông lớn như BYD, có thể sản xuất ô tô với chi phí thấp nhờ chuỗi cung ứng mạnh mẽ của họ.
Camille Boullenois, Phó giám đốc thị trường Trung Quốc của công ty nghiên cứu Rhodium Group, cho biết: “Họ hiện có tỷ suất lợi nhuận rất cao ở châu Âu, vì vậy… mức thuế rất cao 30% sẽ làm giảm lợi nhuận, nhưng vẫn chưa đủ để loại bỏ hoàn toàn lợi nhuận”.
Các nhà máy của BYD và GMW có thể hoạt động trong vòng một hoặc hai năm, nghĩa là bất kỳ mức thuế nào của EU sẽ có hiệu lực trong một khoảng thời gian nhất định trước khi các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tăng cường sản xuất ngay tại EU.
Về phần mình, kết thân với Trung Quốc đang mang lại lợi ích cho Hungary, quốc gia vốn đã là một trong những nước dẫn đầu về sản xuất ô tô của EU.
Ágnes Szunomár, nhà nghiên cứu tại công ty phân tích China Observers phu trách khu vực Trung và Đông Âu, cho biết: “Chiến lược của Hungary là trở thành trung tâm sản xuất pin điện toàn cầu". Nước này đang chứng kiến làn sóng đầu tư lớn vào chuỗi sản xuất xe điện.
CATL, nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới, đã đầu tư hơn 7 tỷ euro vào nhà máy pin 100 gigawatt ở Debrecen.
Nhà sáng lập công ty Robin Zeng cho biết: “Dự án cánh đồng xanh ở Hungary sẽ là một bước nhảy vọt lớn trong quá trình mở rộng toàn cầu của CATL”.
Các nhà máy mới là một chiến thắng chính trị và kinh tế cho Thủ tướng Orbán, nhưng ông vẫn phải đối mặt với một số phản ứng trong nước liên quan đến mối lo ngại các nhà máy có thể gây ô nhiễm nguồn cung cấp nước và gây ra các vấn đề môi trường khác.
Nhà nghiên cứu Szunomár nói: “Người dân sống ở Debrecen rất không hài lòng với điều này và họ đang phản đối. Thỏa thuận này giao đất cho CATL, vốn trước đây được sử dụng cho nông nghiệp và họ tin rằng nó sẽ có hại cho môi trường. Bản thân quá trình sản xuất đang gây ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí”.