Hungary sẽ rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng

Sau Hy Lạp và Bồ Đào Nha, Hungary (Trung Âu) có nguy cơ trở thành nước thứ ba rơi vào khủng hoảng tài chính trầm trọng.

Báo Wall Street Journal (Mỹ) đã nêu lên nỗi lo ngại khi nhắc đến nợ nước ngoài của Hungary đã lên đến 110 tỉ euro, tương đương 80% GDP. Trong khi đó, năm nay Hungary đến hạn phải trả 4,6 tỉ euro nợ nước ngoài.

Theo các nhà phân tích tài chính quốc tế, Hungary chỉ có thể cầm cự đến quý III năm nay, sau đó phải cần khoản vay mới 20 tỉ euro mới có thể trang trải nợ nần. Trong tình huống ngược lại, giá trị đồng forint của Hungary sẽ rơi tự do trong khi trước đó đã giảm giá mạnh vì khu vực đồng euro vốn là thị trường xuất khẩu chính của Hungary đang lâm nạn.

Cuối năm ngoái, chính phủ Hungary đã ban hành luật mới nhằm kiềm giữ hoạt động độc lập của Ngân hàng Trung ương Hungary. Ngay sau đó đã bùng nổ làn sóng bán tháo đồng forint. Hiện nay tỉ giá đồng forint giảm trung bình gần 1% mỗi ngày.

Chỉ trong hai tháng qua, hạng tín nhiệm tín dụng của Hungary đã bị ba công ty thẩm định tài chính Mỹ (Standard & Poor’s, Moody’s và Fitch) hạ bậc xuống dưới ngưỡng đầu tư. Theo dự báo của chính phủ Hungary, tỉ lệ tăng trưởng của Hungary năm 2012 chỉ ở mức 0,5%.

Hungary không phải nước thành viên khu vực đồng euro nhưng phụ thuộc rất nhiều vào các ngân hàng trong khu vực này. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán quốc tế (Thụy Sĩ), các ngân hàng châu Âu đã cho Hungary vay 94 tỉ euro. Đứng đầu là các ngân hàng Áo (cho Hungary vay 32,5 tỉ euro), Ý (18,3 tỉ euro) và Đức (16,7 tỉ euro). Do đó, nếu Hungary rơi vào khủng hoảng như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, các ngân hàng châu Âu sẽ lãnh đủ.

Ngày 11-1 tại Mỹ, ông Tamas Fellegi, trưởng đoàn đàm phán vay nợ của Hungary, đã gặp Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde để thảo luận về các điều kiện khôi phục đàm phán với IMF nhằm giải cứu kinh tế Hungary. Sau đó, ông Tamas Fellegi tiếp tục gặp Ủy ban châu Âu để thuyết phục.

Các cuộc đàm phán hồi cuối năm 2011 giữa Hungary với IMF và Liên minh châu Âu (EU) đã đổ vỡ. Theo báo Irish Times (Ireland), IMF và EU không tán thành chính phủ Hungary tác động đến tính chất hoạt động độc lập của Ngân hàng Trung ương Hungary và không hài lòng các chính sách kinh tế Hungary đang thực hiện.

Tổng Giám đốc Christine Lagarde đã nêu điều kiện tiên quyết: Chính phủ Hungary phải khôi phục tính chất độc lập của Ngân hàng Trung ương Hungary, sau đó mới tính tới đàm phán. Trong tình thế khó khăn, ắt hẳn chính phủ Hungary phải nhượng bộ như trong thư gửi bộ trưởng Ngoại giao các nước châu Âu hôm 10-1, Bộ trưởng Ngoại giao Hungary János Martonyi cho biết Hungary sẽ làm điều này nếu cần thiết.

Ngày 12-1, Viện thăm dò Ipsos công bố kết quả cho thấy đảng trung hữu cầm quyền Liên minh công dân Hungary (FIDESZ) của Thủ tướng Viktor Orban chỉ chiếm 16% số người ủng hộ, kém 2% so với tháng 12-2011. 57% không nghiêng theo đảng nào và 84% khẳng định các chính sách kinh tế của Hungary sẽ thất bại.

ĐĂNG KHOA

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20120116105530872p1017c1078/hungary-se-roi-vao-khung-hoang-tai-chinh-tram-trong.htm