Hương biển

Sớm mai khi sương còn thơ thẩn vờn lượn trên đầu, bà già quê đạp xe ra biển, tự tay lựa những mẻ cá cơm tươi dong trong ghe đánh bắt vừa về từ bình minh. Số cá này, người ta gánh vào nhà cho bà, đợi rửa sạch sẽ đem muối ủ trong kiệu để làm đợt mắm mới.

Chợ cá biển ngang ồn ã kẻ bán người mua, kẻ kéo lưới người dọn ghe. Đằng sau nụ cười tươi rói của lão ngư trúng cá, có giọt mồ hôi mặn chát và hốc mắt trũng sâu. Chưa đầy canh giờ, chợ tan, ai đều về nhà nấy tiếp tục công việc của ngày.

Bà già thu trọn mọi nhịp thở yên bình của vùng quê đã nuôi nấng mình hơn sáu chục năm trời vào trong trí nhớ. Thở hắt một hơi, biết đâu mai này chẳng giữ lại được chút gì.

Mấy năm qua, họ hàng làng xóm bốn bên chung tay khôi phục và phát triển nghề làm nước mắm truyền thống cá cơm. Vài hộ dân được đầu tư vốn, quảng bá thương hiệu, cả làng rộn rã người tới lui, tham quan, chụp ảnh, phỏng vấn, đưa tin.

Ngọn lửa được thổi lên ấm sáng, nhưng dường như cơn gió ngoài khơi xa kia thổi vào mạnh quá. Bên phải căn nhà của bà là khu vườn rộng một ngàn hai mét vuông, vừa sang tên đổi chủ tuần trước.

Người đến từ tận đẩu tận đâu, dùng mấy tỷ đồng để đổi tài sản bao đời của nhà hàng xóm. Đối diện nơi bà ở vừa mọc lên một nhà nghỉ ba tầng, chắn hết khoảng trời đón nắng sớm. Phía xa xa cách dăm mét, ba, bốn mảnh vườn cũng đã được bán đi. Xóm trên có hộ làm mắm nổi tiếng đang làm thủ tục chuyển nhượng.

Đối với người dân làng ven biển này, số tiền đó quá lớn, có khi tích góp mấy đời cũng chẳng được, cứ như trong một giấc mơ mà họ luôn mong cầu. Họ gật đầu nhanh lẹ, sợ chủ đầu tư rút lời, lại tuột mất cơ hội đổi đời.

Có tiền rồi, dọn cả gia đình ra phố sang trang. Chỉ bà già ở lại ngồi ngẫm rồi buồn. Ai cũng có nỗi khổ khó giãi bày bởi vài lời ngắn ngủi. Có thể vì quá nghèo, không thể trụ nổi với cái nghề của cha ông trong thời kỳ thị trường cạnh tranh khốc liệt.

Qua cơn dịch giã, nhiều nơi đang trượt dài thua lỗ. Hoặc bởi con cháu lớn lên khát khao tung cánh vùng trời mới, làm gì có kẻ nào quay lại trói đời mình trong mắm muối mặn mùi. Hương biển dễ mê say dẫu là khách lạ, chứ hương mắm phải dùng cả niềm thương thao thiết mới có thể giữ gìn.

Cứ đà này, chừng dăm bảy năm nữa, ngôi làng bình lặng này sẽ nhộn nhịp khách Tây ta ghé đến nghỉ dưỡng, tắm biển. Người quê còn lại mấy ai, khi bây chừ đã bao kẻ đổi dời nơi sống. Bà già đâu ngăn được cuộc biến thiên tất yếu của thời đại. Mà vẫn tiếc mãi sân thuốc nam bên phải, hộ nước mắm cá cơm xóm trên và bao mảnh vườn cỏ dại chẳng còn chỗ chen chân.

Mỗi buổi hoàng hôn rơi trên biển, sau khi kiểm tra mấy thùng cá cơm muối, bà già lại đi bộ ra bờ cát trắng lặng nhìn xa khơi. Liệu vùng biển này sẽ yên ắng được đến bao giờ? Và còn không những gánh cá, làng mắm cùng chất giọng quê mùa mấy thuở?

Theo NY AN (Báo Quảng Nam)

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/van-hoa-xa-hoi/huong-bien/202153.htm