Hướng dẫn 10 bước phòng cháy tại các cơ sở văn hóa tâm linh
Công an thành phố Hà Nội thông tin, đa số cơ sở văn hóa tâm linh như đền thờ, chùa được xây dựng bằng gỗ, bên trong có nhiều đồ đạc, vật dụng, lễ thờ dễ cháy. Người dân đến dâng lễ đều thắp hương, đốt vàng mã, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.
Nhằm đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở văn hóa tâm linh, Công an thành phố Hà Nội khuyến cáo người đứng đầu các cơ sở văn hóa tâm linh và người dân thực hiện 10 nội dung sau:
1. Chính quyền địa phương, người đứng đầu cơ sở, ban quản lý lễ hội… ban hành nội quy, quy định về PCCC và CNCH (cứu nạn, cứu hộ) phù hợp với từng khu vực có tính chất nguy hiểm cháy, nổ khác nhau.
Tổ chức niêm yết và thường xuyên tuyên truyền nội quy, quy định, biện pháp an toàn PCCC, thoát nạn trên hệ thống mã QR, hệ thống loa truyền thanh tại cơ sở. Nghiên cứu, có phương án bố trí nguồn nước, máy bơm chữa cháy di động (kèm theo lăng, vòi chữa cháy) phù hợp với đặc điểm của từng địa điểm lễ hội.
2. Kiện toàn lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, tổ chức huấn luyện nghiệp vụ PCCC, CNCH và trang bị phương tiện chữa cháy, CNCH; phân công lực lượng, phương tiện thường trực để kiểm tra, kịp thời phát hiện, tổ chức chữa cháy, CNCH ngay từ khi mới phát sinh. Xây dựng phương án chữa cháy và thoát nạn của cơ sở đối với những tình huống phức tạp; tại địa điểm lễ hội nằm trong hoặc giáp ranh với rừng, cần có sự phối hợp tình huống chữa cháy rừng và thoát nạn cho người khi có cháy xảy ra.
3. Tổ chức tập huấn cho các lực lượng tham gia bảo vệ, tăng, ni về kiến thức PCCC, thao tác, cách thức sử dụng các phương tiện chữa cháy, CNCH, sơ, cấp cứu ban đầu; tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra, canh gác trong thời điểm khách đến lễ và sau khi kết thúc công việc trong ngày, nhất là tại các khu vực tập trung đông người, đốt vàng mã.
4. Đối với các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Phải tuân thủ nghiêm các quy định an toàn PCCC và CNCH; bố trí khu vực tồn chứa, sử dụng chất dễ cháy, nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt (bếp sử dụng khí LPG, bếp điện…) phải được ngăn cách với khu vực kinh doanh, lưu trú; không bày bán hàng hóa, để vật tư chiếm lối đi, cửa thoát nạn, gây cản trở việc di chuyển và thoát nạn; lắp đặt và sử dụng hệ thống, thiết bị điện bảo đảm an toàn; trang bị đầy đủ các phương tiện chữa cháy ban đầu như bình chữa cháy xách tay, chăn chiên, nước… và chuẩn bị phương án thoát nạn phù hợp.
5. Đối với bãi giữ xe: Phải bảo đảm khoảng cách đến các nhà, công trình xung quanh theo QCVN 13:2018/BXD Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về gara. Ô tô phân chia khu vực, vị trí đỗ ô tô, xe máy, đường, lối đi trong bãi để xe; sắp xếp, lưu giữ xe không vượt quá số lượng quy định…
6. Đối với khu vực thờ cúng, trưng bày trong nhà phải duy trì các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, đặc biệt là các yêu cầu ngăn cháy lan, thoát nạn đối với nhà vừa bố trí nơi thờ tự, trưng bày và phục vụ nghỉ ngơi, ăn uống cho người dân…; phân định rõ hướng, đường di chuyển an toàn cho người tham gia lễ hội, tránh xung đột, nhất là việc thoát nạn, CNCH khi xảy ra sự cố...
7. Đối với các phương tiện chuyên chở như cáp treo, phương tiện vận chuyển hành khách đường thủy phải được bảo dưỡng, kiểm tra vận hành trước khi đưa vào hoạt động.
8. Đối với hệ thống điện: Phải lựa chọn dây dẫn, thiết bị và lắp đặt hệ thống điện phải bảo đảm yêu cầu chất lượng và kỹ thuật theo quy định…
9. Đối với việc sử dụng khí LPG để đun nấu: Khu vực đặt bình khí LPG, bếp đun phải bảo đảm yêu cầu thông thoáng, tránh để tích tụ khí LPG khi bị thất thoát ra ngoài và có giải pháp chống cháy lan theo quy định. Trường hợp lắp đặt, sử dụng hệ thống cấp khí LPG trung tâm, phải bảo đảm theo quy định của tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; khi không sử dụng, phải đóng van của bình khí LPG; thường xuyên kiểm tra bảo đảm độ kín của hệ thống, thiết bị trong quá trình sử dụng.
10. Khi có cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra, kịp thời gọi ngay số điện thoại 114 hoặc báo cho chính quyền, công an nơi gần nhất.