Hướng dẫn bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy sử dụng điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh

Để chủ động ngăn ngừa các sự cố cháy, nổ, tai nạn do điện gây ra, góp phần bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản cho mọi người, Công ty Điện lực Bắc Kạn hướng dẫn các nội dung, biện pháp bảo đảm an toàn cháy, nổ trong sử dụng điện sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh như sau:

1. Một số nguyên nhân và biện pháp phòng cháy điện

Điện được sử dụng ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và khu dân cư, hộ gia đình là điện xoay chiều, có hiệu điện thế 380V, 220V hoặc 110V; cháy, nổ trong sử dụng điện có thể xảy ra do một số trường hợp sau:

1.1. Dây dẫn điện bị ngắn mạch

- Khi dây dẫn điện bị ngắn mạch (giữa các dây pha với nhau hoặc giữa 1 dây pha với dây trung tính), dòng điện tăng lên nhiều lần, sinh ra nhiệt, có thể tự bốc cháy và làm cháy các vật liệu ở xung quanh, gây ra hỏa hoạn.

- Biện pháp phòng ngừa: Các mạch điện phải được bảo vệ chống ngắn mạch bằng máy cắt hạ áp hoặc bằng cầu chì.

1.2. Dây dẫn điện bị quá tải

- Khi dây dẫn điện bị quá tải trong thời gian kéo dài, dòng điện tăng lên, nhiệt độ tăng cao trong thời gian dài làm cho vỏ cách điện của dây dẫn bị hư hỏng, dẫn đến sự cố ngắn mạch.

- Biện pháp phòng ngừa: Các mạch điện phải được bảo vệ chống quá tải.

1.3. Các mối nối không chặt

- Các mối nối không chặt làm tăng điện trở tiếp xúc của mối nối và dòng điện đi qua mối nối sinh ra nhiệt lượng, làm tăng nhiệt độ của mối nối, làm hư hỏng cách điện hoặc phát sinh tia lửa điện, dẫn đến ngắn mạch.

- Biện pháp phòng ngừa: Các mối nối phải xiết chặt đúng quy định ngay từ khi lắp đặt và định kỳ kiểm tra.

1.4. Hình thành đường rò điện

- Các thiết bị điện và các đường dây điện đặt ở những nơi ẩm ướt, bụi bẩn, khuất nẻo, không được chăm sóc định kỳ sẽ phát sinh hiện tượng hình thành đường rò điện. Hiện tượng này âm ỉ tiến triển, có khi vài năm, cuối cùng sẽ dẫn đến hồ quang điện và hỏa hoạn.

- Biện pháp phòng ngừa: Để bảo vệ chống hỏa hoạn do hiện tượng hình thành đường rò điện, phải dùng thiết bị bảo vệ theo dòng điện dư độ nhậy trung bình < 500 mA.

2. Một số giải pháp phòng cháy về điện trong sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh

2.1. Thiết kế hệ thống điện đảm bảo các yêu cầu phòng cháy, chữa cháy.

- Thiết kế lắp đặt hệ thống điện tuân thủ nghiêm ngặt các tiêu chuẩn an toàn điện và PCCC đặc biệt với môi trường nhiệt độ cao, có chất ăn mòn, hóa chất, môi trường nguy hiểm cháy, nổ phải chọn dây dẫn, thiết bị bảo vệ phù hợp với môi trường ở khu vực đó.

- Khi thiết kế hệ thống điện phải tính toán xác định công suất yêu cầu để đảm bảo tính kinh tế và vận hành ổn định, an toàn.

- Khi thiết kế phải có nguồn cấp điện sự cố nếu khi bị mất nguồn cấp điện chính để cung cấp điện cho các công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy và thoát hiểm khi xảy ra sự cố theo quy định hiện hành.

2.2. Phòng cháy trong lắp đặt và sử dụng điện trong thi công

- Trên công trường phải có sơ đồ mạng điện, có cầu dao chung và các cầu dao phân đoạn để có thể cắt điện toàn bộ hay từng khu vực công trình khi gặp sự cố. Phải có hai hệ thống riêng cho điện động lực và điện chiếu sáng.

- Các phần dẫn điện trần của các thiết bị điện (dây dẫn, thanh dẫn, tiếp điểm của cầu dao, cầu chảy, các cực của máy điện và dụng cụ điện...) phải được bọc kín bằng vật liệu cách điện hoặc đặt ở độ cao đảm bảo an toàn và thuận tiện cho việc thao tác. Đối với những bộ phận dẫn điện để hở theo yêu cầu trong thiết kế hoặc do yêu cầu của kết cấu, phải treo cao, phải có rào chắn và treo biển báo hiệu.

- Các dây dẫn phục vụ thi công ở từng khu vực công trình, phải là dây có bọc cách điện; phải mắc trên cột hoặc giá đỡ chắc chắn; phải ở độ cao ít nhất là 2,5 m đối với mặt bằng thi công và 5,0 m đối với nơi có xe cộ qua lại. Các dây điện có độ cao dưới 2,5 m kể từ mặt nền hoặc mặt sàn thao tác, phải dùng dây cáp bọc cao su cách điện.

- Các đèn chiếu sáng có điện áp lớn hơn 36 V, phải treo cách mặt sàn thao tác ít nhất là 2,5 m.

- Không được để dây dẫn điện thi công và các dây điện hàn tiếp xúc với các bộ phận dẫn điện của các kết cấu của công trình.

- Các thiết bị đóng ngắt điện, cầu dao... phải đặt trong hộp kín, đặt nơi khô ráo, an toàn và thuận tiện cho thao tác và xử lý sự cố. Trường hợp mất điện phải cắt cầu dao để đề phòng các động cơ điện khởi động bất ngờ khi có điện trở lại.

- Tất cả các thiết bị điện đều phải được bảo vệ ngắn mạch và quá tải. Các thiết bị bảo vệ (cầu chảy, rơle, áptômát...) phải phù hợp với điện áp và dòng điện của thiết bị hoặc nhóm thiết bị điện mà chúng bảo vệ.

- Khi di chuyển các vật có kích thước lớn dưới các đường dây điện, phải có biện pháp đảm bảo an toàn. Phải ngắt điện nếu vật di chuyển có khả năng chạm vào đường dây hoặc điện từ đường dây phóng qua vật di chuyển xuống đất.

- Chỉ người lao động điện được phân công mới được sửa chữa, đấu hoặc ngắt các thiết bị điện ra khỏi lưới điện. Chỉ được tháo mở các bộ phận bao che, tháo nối các dây dẫn vào thiết bị điện, sửa chữa các bộ phận dẫn điện sau khi đã cắt điện. Không được sửa chữa, tháo, nối các dây dẫn và làm các công việc có liên quan tới đường dây tải điện trên không khi đang có điện.

- Chỉ được thay dây chảy trong cầu chảy khi đã cắt điện. Trường hợp không thể cắt điện thì chỉ được làm việc đó với loại cầu chảy ống hoặc loại nắp, nhưng nhất thiết phải lắp phụ tải. Khi thay cầu chảy loại ống đang có điện, phải có kính phòng hộ, găng tay cao su, các dụng cụ cách điện và phải đứng trên tấm thảm, hoặc đi giầy cách điện. Không được thay thế cầu chảy loại bản khi có điện. Khi dùng thang để thay các cầu chảy ở trên cao trong lúc đang có điện phải có người trực ở dưới.

- Không được sử dụng đèn chiếu sáng cố định để làm đèn cầm tay. Những chỗ nguy hiểm về điện phải dùng đèn có điện áp không quá 36 V. Đèn chiếu sáng cầm tay phải có lưới kim loại bảo vệ bóng đèn, dây dẫn phải là dây bọc cao su, lấy điện qua ổ cắm. Ổ cắm và phích cắm dùng điện áp không lớn hơn 36 V, phải có cấu tạo và mầu sơn phân biệt với ổ và phích cắm dùng điện áp cao hơn. Các đèn chiếu sáng chỗ làm việc phải đặt ở độ cao và góc nghiêng phù hợp, để không làm chói mắt do tia sáng trực tiếp từ đèn phát ra.

- Các dụng cụ điện cầm tay (dụng cụ điện, đèn di động, máy giảm thế an toàn, máy biến tần số...) phải được kiểm tra ít nhất 3 tháng một lần về hiện tượng chạm mát trên vỏ máy, về tình trạng của dây nối đất bảo vệ; phải được kiểm tra ít nhất mỗi tháng một lần về cách điện của dây dẫn, nguồn điện và chỗ hở điện. Riêng các biến áp lưu động ngoài các điểm trên, còn phải kiểm tra sự chập mạch của cuộn điện áp cao và cuộn điện áp thấp.

- Chỉ được nối các động cơ điện, dụng cụ điện, đèn chiếu sáng và các thiết bị khác vào lưới điện bằng các phụ kiện quy định. Không được đấu ngoặc, xoắn các đầu dây điện.

2.3. Phòng cháy trong lắp đặt đường dẫn

2.3.1. Đường dây dẫn điện đặt hở trong nhà

- Khi đặt hở dây dẫn và cáp điện có (hoặc không) có vỏ bảo vệ bằng vật liệu cháy, khoảng cách từ vỏ dây dẫn, cáp điện đến các bề mặt đặt các kết cấu, các chi tiết bằng vật liệu cháy ít nhất 10 mm. Khi không đảm bảo được khoảng cách trên, phải ngăn bằng lớp vật liệu không cháy (vữa ximăng, fibro ximăng…) dày ít nhất 3 mm.

- Ở những chỗ buộc dây dẫn, phải dùng vải nhựa (băng dính…) quấn dây dẫn để tránh dây buộc làm hỏng lớp cách điện của dây dẫn.

- Cáp điện có vỏ chì, vỏ nhôm, vỏ cao su, vỏ chất dẻo,… được phép đặt hở với các điều kiện ở nơi không có động vật gặm nhấm phá hoại, không có các tác động cơ lí, không có các chất ăn mòn.

- Dây dẫn bọc cách điện không có vỏ bảo vệ khi xuyên tường, vách ngăn, sàn, trần nhà,… phải đặt trong ống cách điện. Ở phòng khô ráo thì ở đầu cuối ống phải có đầu bọc cách điện. Ở phòng ẩm, rất ẩm hoặc ở đầu xa bên ngoài nhà phải dùng ống cách điện có đầu cong xuống để tránh đọng nước, nước mưa chảy vào ống. Khi tường, vách ngăn, sàn, trần nhà,… bằng vật liệu dễ cháy, cháy, ống phải bằng vật liệu không cháy (sành, sứ,…).

- Khi xuyên tường, sàn, trần nhà, vào hoặc ra ngoài nhà…, dây dẫn và cáp điện phải luồn trong ống, hộp… để dễ dàng thay thế. Để tránh nước thấm hoặc lọt vào ống (hộp), đọng nước hoặc chảy lan ra. Ở những chỗ ống (hộp) đó phải điền đầy các khe hở giữa dây dẫn, cáp điện với ống (hộp) đó, kể cả với các ống, hộp dự trữ.

- Trong phòng khô không bụi, ở đó không có hơi và khí tác động bất lợi đối với cách điện và vỏ bọc của dây dẫn hoặc cáp điện, cho phép chỗ nối ống, hộp và ống mềm bằng kim loại không cần bịt kín.

Việc nối ống, hộp và ống mềm bằng kim loại với nhau, cũng như khi nối vào các hộp nối dây, các thiết bị điện phải thực hiện như sau:

+ Trong các phòng có hơi hoặc khí gây tác động bất lợi đối với cách điện và vỏ bọc của dây dẫn hoặc cáp điện, những chỗ có khả năng dầu mỡ, nước hoặc chất nhũ tương lọt vào ống, hộp và ống mềm, việc nối thực hiện bằng cách gắn kín; trong trường hợp này, hộp phải có vách kín, nắp phải kín;

+ Trong các phòng có bụi, chỗ nối ống, hoặc chỗ nối ống với hộp và hộp phải kín khít, tránh bụi.

2.3.2. Đường dây dẫn điện đặt kín trong nhà:

- Dây dẫn và cáp điện có vỏ bằng vật liệu cháy khi đặt trong các rãnh kín, trong các kết cấu xây dựng bằng vật liệu cháy hoặc dưới các lớp gỗ ốp tường… phải được ngăn cách về mọi phía bằng 1 lớp vật liệu không cháy.

- Khi đặt kín các ống, hộp bằng vật liệu khó cháy trong các hốc kín, các lỗ hổng của các kết cấu xây dựng, các ống, hộp phải được ngăn cách về mọi phía với các bề mặt của các cấu kiện, chi tiết bằng vật liệu cháy bởi 1 lớp vật liệu không cháy dày ít nhất 10 mm.

- Ở những phòng dễ cháy, cũng như ở những phòng có vật liệu dễ cháy, cháy, trên mặt tường, vách ngăn, trần và mái nhà cùng các kết cấu xây dựng dễ cháy, các ống cách điện cháy được và dây dẫn phải được đặt trong lớp vật liệu không cháy (amiăng, fibro ximăng,…) dầy ít nhất 3 mm hoặc trong lớp vữa trát dầy ít nhất 5 mm và vượt ra mỗi bên ống hoặc dây dẫn ít nhất 5 mm.

- Cấm đặt dây dẫn, cáp điện trong ống thông hơi. Ở chỗ dây dẫn, cáp điện giao chéo với ống thông hơi phải đặt dây dẫn, cáp điện trong ống thép hoặc ống fibro ximăng, ống sành, sứ…

- Khi đặt ống luồn dây dẫn, cáp điện trong các kết cấu xây dựng đúc sẵn hoặc các kết cấu bê tông liền khối, phải nối ống bằng mối nối ren hoặc hàn thật chắc chắn.

- Cấm đặt ngầm trực tiếp dây dẫn, cáp điện không có vỏ bảo vệ trong hoặc dưới các lớp vữa trát tường, trần nhà ở những chỗ có thể bị đóng đinh hoặc đục lỗ.

- Cấm đặt ngầm trực tiếp trong hoặc dưới lớp vữa trát, các loại dây dẫn cáp điện mà vỏ cách điện cũng như vỏ bảo vệ bị tác hại do lớp vữa này.

- Cấm đặt đường dẫn điện ngầm trong tường chịu lực (nằm ngang) khi bề sâu của rãnh chôn lớn quá 1/3 bề dày tường.

2.4. Phòng cháy trong lắp đặt các thiết bị điện

2.4.1. Lắp đặt thiết bị đầu vào, bảng (hộp, tủ) điện, thiết bị bảo vệ

- Vị trí thiết bị đầu vào:

+ Các thiết bị đầu vào, thiết bị phân phối đầu vào, bảng (hộp, tủ) phân phối chính phải đặt ở phòng đặt bảng (tủ) điện hoặc đặt trong các tủ (hộp) điện hoặc hộc tường có khóa. Ở những nơi dễ bị ngập nước, các thiết bị đầu vào, thiết bị phân phối đầu vào và bảng (hộp, tủ) phân phối chính phải được đặt cao hơn mức nước ngập cao nhất thường xảy ra.

+ Với nhà không có gian cầu thang, cho phép đặt thiết bị đầu vào trên tường phía ngoài nhà nhưng phải có biện pháp bảo vệ phù hợp và không ảnh hưởng tới kết cấu và mỹ quan của nhà.

+ Khi đặt thiết bị đầu vào, thiết bị phân phối đầu vào và bảng (hộp, tủ) phân phối chính các bảng (hộp, tủ) phân phối điện và các bảng (hộp) điện nhóm, ngoài phòng đặt bảng điện cần thực hiện các yêu cầu sau: Phải đặt thiết bị ở chỗ thuận tiện và dễ tới để thao tác, sửa chữa, ví dụ: khu cầu thang, tầng hầm khô ráo…; Phải đặt các khí cụ điện trong tủ (hộp) bằng kim loại hoặc trong các hộc tường, cửa có khóa. Tay điều khiển các khí cụ này không được thò ra ngoài hoặc nếu có thò ra ngoài thì phải tháo ra được sau khi vận hành.

- Cấm đặt bảng (hộp, tủ) điện ở dưới hoặc trong phòng tắm, chỗ rửa chân tay, chỗ rửa thực phẩm trong bếp, phòng giặt, phòng có hóa chất..

Không được bố trí các nắp đậy, van, mặt bích, vòi của các đường ống dẫn nước, ống thông gió, ống hơi nóng và các loại hộp kỹ thuật khác ở vị trí đi qua phòng đặt bảng (tủ, hộp) điện trừ trường hợp chính phòng đó cần tới. Cấm đặt các ống khí đốt, ống dẫn chất cháy, đi qua phòng đặt bảng (tủ, hộp) điện.

- Phòng đặt thiết bị đầu vào, thiết bị phân phối đầu vào và bảng (hộp, tủ) phân phối chính, bảng (tủ, hộp) phân phối điện phải được thông gió tự nhiên và chiếu sáng bằng điện.

2.4.2. Lắp đặt lưới điện trong nhà

- Đường dây nhóm chiếu sáng trong nhà phải được bảo vệ bằng cầu chảy hoặc máy cắt điện hạ áp với dòng điện danh định không được lớn hơn 25 A.

- Đối với đường dây nhóm cấp điện cho các đèn phóng điện có công suất mỗi bóng 125W trở lên, các bóng đèn sợi đốt có công suất mỗi bóng từ 500 W trở lên cho phép bảo vệ bằng cầu chảy hoặc máy cắt điện hạ áp với dòng điện danh định đến 63 A.

- Trong căn hộ nhà ở nên đặt hai đường dây nhóm một pha độc lập với nhau: một đường dây cho đèn chiếu sáng chung; một đường cho các dụng cụ điện dùng cho sinh hoạt qua các ổ cắm điện. Được phép cấp điện cho đèn và các ổ cắm điện bằng một đường dây nhóm chung.

- Trong các cửa hàng, trung tâm thương mại, nhà hàng… các động cơ điện của các thiết bị công nghệ cũng như các thiết bị vệ sinh có công suất không lớn (đến 3 kW) cho phép được cấp điện bằng một đường dây nhóm chung nhưng số động cơ điện không được lớn quá 4.

- Trong nhà trẻ, phòng chế biến và gia công thức ăn, cũng như các phòng có yêu cầu về vệ sinh hoặc vô trùng như khối phòng mổ, phòng điều chế huyến thanh…, đường dây phải đặt kín.

- Khi lưới điện đặt trong trần treo không đi lại được coi như lưới điện kín và phải thực hiện như sau:

+ Với trần nhà bằng vật liệu cháy, luồn trong ống (hộp) bằng kim loại;

+ Với trần nhà bằng vật liệu không cháy hoặc khó cháy, luồn trong ống (hộp) bằng chất dẻo hoặc dùng cáp điện và dây dẫn có bảo vệ với vỏ bằng vật liệu khó cháy. Khi đó cần phải đảm bảo khả năng thay thế sửa chữa dây dẫn và cáp điện.

2.4.3. Lắp đặt đèn điện

- Điện áp cung cấp cho các đèn điện chiếu sáng chung không vượt quá 380/220 V với lưới điện xoay chiều có trung tính nối đất trực tiếp và không vượt quá 220 V với lưới điện xoay chiều trung tính cách li và điện một chiều.

- Trong các phòng nguy hiểm và rất nguy hiểm, khi dùng đèn điện để chiếu sáng chung với bóng đèn nung sáng, bóng đèn thủy ngân cao áp, bóng đèn ha lô gien, kim loại, và bóng đèn natri nếu độ cao đèn so với mặt sàn hoặc mặt bằng làm việc nhỏ hơn 2,5 m, phải có các cấu tạo tránh chạm phải bóng đèn khi không dùng các dụng cụ đồ nghề để tháo mở đèn.

Dây điện đưa vào đèn phải luồn trong ống bằng kim loại và phải dùng cáp có vỏ bảo vệ; hoặc cáp điện cho bóng nung sáng có điện áp không quá 42 V. Các yêu cầu trên không áp dụng đối với đèn đặt trong các phòng đặt bảng điện cũng như với đèn đặt ở những nơi chỉ có nhân viên chuyên môn về điện sử dụng. Cho phép đặt đèn huỳnh quang với điện áp 127 V-220 V ở độ cao so với mặt sàn nhỏ hơn 2,5 m khi ngẫu nhiên không thể chạm phải các phần mang điện của đèn.

- Trong các phòng nguy hiểm và rất nguy hiểm, những đèn dùng với những điện áp khác nhau phải có các kí hiệu hoặc hình thức khác nhau để dễ phân biệt.

- Ở các phòng tắm, phòng tắm có vòi hoa sen, phòng vệ sinh của nhà ở, phải dùng các loại đèn mà phần vỏ ngoài bằng các vật liệu cách điện. Khi đèn nung sáng đặt trong các phòng này ở độ cao từ 2,5 m trở xuống phải dùng loại có đui đặt sâu trong đèn và phải có cấu tạo riêng để tăng cường an toàn cho người sử dụng.

- Các đèn điện và phụ tùng của chúng phải đặt sao cho có thể bảo dưỡng dễ dàng và an toàn bằng các phương tiện và biện pháp kỹ thuật thông thường. Khi yêu cầu này không thực hiện được, phải dự kiến những thiết bị riêng như thang gấp, chòi di động… Chỉ cho phép dùng những thang thông thường khi đèn đặt cách sàn không quá 5 m.

2.4.4. Lắp đặt thiết bị điện trong nhà

- Các thiết bị điện đặt trong nhà phải được chọn phù hợp với điện áp của mạng lưới điện cung cấp, tính chất môi trường và yêu cầu sử dụng.

- Ổ cắm điện trong nhà ở công trình công cộng nên dùng loại ổ cắm có cực tiếp đất an toàn (ổ cắm 3 chấu)

- Cắm đặt ổ cắm điện trong các phòng vệ sinh, nhà tắm công cộng. Riêng trong các phòng tắm của nhà ở căn hộ, nhà có sân vườn, nhà ở kiểu khách sạn, nhà nghỉ… cho phép đặt ổ cắm điện nhưng ổ cắm điện này phải là loại ổ cắm chịu nước và đặt ở vùng ít nguy hiểm nhất.

- Trong các trường học phổ thông cơ sở, trường mẫu giáo, nhà trẻ, và các nơi dành cho thiếu nhi sử dụng, ổ cắm điện phải đặt cao cách sàn 1,5 m.

- Trong các phòng của nhà ở các loại, ổ cắm điện nên đặt cao cách sàn 1,5. Trong các phòng của các công trình công cộng, ổ cắm điện đặt cao cách sàn từ 0,4 m đến 0,5 m tùy thuộc các yêu cầu kỹ thuật, yêu cầu sử dụng và bố trí nội thất.

- Trong các cửa hàng, nhà hàng, xí nghiệp dịch vụ thương nghiệp và công cộng, các công tắc đèn chiếu sáng làm việc, chiếu sáng sự cố và sơ tán người trong các gian hàng, phòng ăn… và ở các phòng đông người phải đặt ở các nơi chỉ có người quản lí tới được để điều khiển.

- Công tác đèn phải đặt ở tường, gần cửa ra vào (phía tay nắm của cánh cửa) ở độ cao cách sàn nhà 1,25 m. Trong các trường học phổ thông cơ sở, trường mẫu giáo, nhà trẻ, vườn trẻ và các nơi dành cho thiếu nhi sử dụng, công tắc đèn phải đặt cách sàn 1,5 m.

2.5. Phòng cháy trong sử dụng các thiết bị điện

2.5.1. Một số giải pháp phòng cháy về sử dụng điện trong gia đình:

- Không dùng dây dẫn có tiết diện nhỏ cho các thiết bị điện có công suất lớn. Không phơi, treo quần áo, khăn, mũ, tranh ảnh,...trên các dây điện và bảng điện... Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây điện vì chỗ tiếp xúc sẽ bị ăn mòn. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện, để hở các mối nối dây điện.

- Những thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà...quá cũ cần phải được kiểm tra thường xuyên để sửa chữa hoặc thay thế. Khi không còn nhu cầu sử dụng các thiết bị tiêu thụ điện nữa hoặc trường hợp đang sử dụng mà bị mất điện thì phải ngắt ngay các thiết bị điện ra khỏi nguồn điện. Bàn là, Bếp điện... phải đặt trên vật liệu không cháy và đúng nơi quy định. Phải thường xuyên bảo dưỡng, vệ sinh cho các thiết bị, dụng cụ điện.

- Để hạn chế nguy cơ gây cháy khi sử dụng các thiết bị như bàn ủi, bếp điện, các thiết bị gia nhiệt bằng điện trở phải có người trông coi hoặc các thiết bị phải được lắp hệ thống báo. Không để trẻ nhỏ, người già mắt kém, ... sử dụng các thiết bị điện, đồ dùng điện trong nhà.

- Thường xuyên kiểm tra các đầu nối của hệ thống điện (công tắc, ổ cắm, hộp đấu dây, mối nối trên đường dây) nếu có hiện tượng đánh lửa phải tách chúng ra khỏi nguồn điện và sửa chữa chúng lại hoặc báo cho thợ điện đến sửa chữa. Đối với các loại thiết bị có sử dụng nguồn điện như ô tô, xe máy... Khi đưa vào gara, nhà ở để bảo quản qua đêm nên ngắt hết các thiết bị tiêu thụ điện và rút chìa khóa ra khỏi ổ cắm đề phòng chạm chập gây cháy.

- Trước khi ra khỏi nhà phải tắt tất cả các thiết bị tiêu thụ, đồ dùng điện và trước khi đi ngủ phải kiểm tra lại các thiết bị, đồ dùng như đèn, quạt...cắt điện đối với các thiết bị điện không cần thiết.

2.5.2. Một số giải pháp phòng cháy về sử dụng điện trong sản xuất, kinh doanh:

- Duy trì nối đất an toàn cho máy móc, thiết bị sử dụng điện trong các nhà máy, xưởng sản xuất để hạn chế hiện tượng rò điện ra vỏ thiết bị gây nguy hiểm cho người làm việc khi tiếp xúc...;

- Không bố trí hàng hóa, vật tư, vật liệu dễ cháy và dễ bắt cháy gần với vị trí đặt ổ cắm điện, các thiết bị đóng cắt điện như cầu dao, aptomat, các thiết bị tiêu thụ điện, đặc biệt là thiết bị có khả năng sinh nhiệt, tia lửa dẫn đến khả năng xảy cháy lan do tiếp xúc hoặc khi có sự cố chập điện.

- Bố trí lực lượng thường trực phù hợp, phân công thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra hệ thống thiết bị điện, dây chuyền công nghệ sản xuất có sử dụng điện luôn đảm bảo hoạt động an toàn. Cắt điện các khu vực không sử dụng, đặc biệt là các khu vực kho lưu trữ hàng hóa cháy được hoặc đựng trong bao bì cháy được mà không có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng điện (VD: kho lạnh, văn phòng làm việc v.v...).

- Đối với các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh tạp hóa, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh: Cần lưu ý kiểm tra, kiểm soát các thiết bị sử dụng điện (tủ đông, tủ mát, quạt thông gió, điều hòa ...) luôn trong tình trạng hoạt động tốt. Bố trí các vật tư, hàng hóa cách xa bảng điện, thiết bị sử dụng điện ít nhất 50cm để phòng phát sinh cháy, nổ. Khi hết giờ kinh doanh, hết giờ làm việc cần phải tắt các thiết bị điện không cần thiết nhằm tiết kiệm điện và đề phòng cháy, nổ.

3. Một số biện pháp xử lý khi xảy ra cháy điện

- Khi xảy ra cháy hệ thống điện hoặc trong khu vực có điện phải bằng mọi cách cắt ngay nguồn cấp điện để tránh chập cháy sang các khu vực xung quanh.

+ Đối với hệ thống điện: Ngắt cầu dao, aptomat.

+ Đối với thiết bị: Cắt công tắc, rút phích cắm.

- Các trường hợp không thực hiện được thì dùng kìm cách điện, câu liêm có cán bằng vật liệu cách điện để cắt đứt dây dẫn điện từ nguồn cung cấp điện cho nơi bị cháy.

- Sau khi đã cắt điện, tiến hành các biện pháp chữa cháy phù hợp với từng loại đám cháy, sử dụng các phương tiện chữa cháy ban đầu như: bình bột, bình khí CO2, cát, nước để dập tắt đám cháy. Đồng thời báo cháy ngay cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy theo số máy 114 hoặc Công an, Chính quyền địa phương nơi gần nhất khu vực vực xảy ra cháy./.

Công ty Điện lực Bắc Kạn

Nguồn Bắc Kạn: http://baobackan.com.vn/xa-hoi/202110/cong-ty-dien-luc-bac-kan-huong-dan-bao-dam-an-toan-phong-chay-chua-chaysu-dung-dien-trong-sinh-hoat-va-san-xuat-kinh-doanh-aa47981/