Hướng dẫn cách nấu lẩu hải sản chua cay ngon không kém các nhà hàng sang trọng
Lẩu là món ngon mỗi ngày dễ ăn lại rất dễ làm, phù hợp để họp mặt bạn bè tại nhà hoặc đổi bữa nhân một ngày cuối tuần cho bữa ăn thêm ngon miệng.
Trong ẩm thực Việt Nam có rất nhiều loại lẩu khác nhau, mỗi một loại có hương vị đặc trưng riêng nhưng món nào cũng hấp dẫn người dùng. Tuy nhiên trong số đó, lẩu hải sản chua cay vẫn xứng danh là “hoa hậu” bởi hương vị phù hợp với đa số người thưởng thức, chống ngán và có thể kết hợp được với nhiều loại nguyên liệu khác nhau để thưởng thức cùng.
Chính vì vậy, ăn loại lẩu này vừa bổ sung được chất đạm từ nguồn hải sản, vừa không lo nóng trong người vì đã có các loại nấm, rau xanh “đền bù”.
Chi tiết cách nấu lẩu hải sản ngon đơn giản tại nhà
Nguyên liệu:100g thịt bò, 200g tôm, 500g nghêu, 300g mực, 1kg xương gà (có thể thay thế bằng xương lợn), 3 cây sả, 100g nấm, 2quả ớt thóc(ớt hiểm), 1 củ tỏi, 2 trái cà chua,1/2quả dứa (trái thơm), 30g me, 1 quả chanh
Gia vị:tương cà, tương ớt, nước mắm, bột ngọt, hạt nêm, rượu ngũ vị hương, đường phèn, đường cát
Rau ăn kèm:rau muống, rau nhút, lục bình tây, bông chuối… (bạn có thể dùng thêm các loại rau khác mà mình yêu thích)
Các bước thực hiện
Sơ chế nguyên liệu
Tỏi bóc vỏ, băm nhuyễn.
2 cây sả cắt lát mỏng. 1 cây đập dập, cắt khúc.
Cà chua, thơm băm nhuyễn sau đó cho vào miếng vải mỏng vắt lấy nước. Nếu không thích băm, bạn có thể cho cà chua và thơm vào máy xay nhuyễn sau đó vắt lấy nước, bỏ phần xác.
Ớt cắt lát.
Chanh vắt lấy nước cốt để làm nước chấm.
Nấm rơm rửa sạch, bỏ phần gốc.
Mực làm sạch, bạn có thể khứa các đường nhỏ để tạo bông mực. Tôm cắt bỏ râu, rửa sạch. Thịt bò rửa sạch, cắt lát mỏng. Nghêu ngâm cho ra sạch cát, rửa sạch. Bày tất cả ra dĩa để nhúng cùng lẩu.
Ngâm me với 1/3 chén nước ấm, đánh cho me tan ra rồi lọc lấy nước.
Các loại rau ăn kèm nhặt kỹ, rửa sạch, cắt khúc vừa ăn, để ráo.
Ninh xương
Xương gà rửa sạch, chần qua nước sôi trong 3 phút, sau đó lấy ra rửa sạch, cho vào nồi khoảng 2 lít nước hầm trong 45 phút để lấy nước dùng.
Bạn có thể cho vào nồi khoảng 3 củ hành tím đập dập để nước dùng thơm hơn.
Trong quá trình đun, bạn nên vớt bọt để nước dùng trong thơm.
Nấu xốt chua cay nêm lẩu
Bắc chảo lên bếp, cho vào 3 muỗng canh dầu ăn, phi thơm, vàng tỏi, sả. Tiếp theo, bạn cho vào chảo 1 muỗng canh tương cà, 1 muỗng canh tương ớt, 2 muỗng canh sa tế đảo đều lên. Đây là cách giúp cho nồi LẨU HẢI SẢN có màu sắc đẹp hơn.
Nêm vào chảo xốt 5 muỗng canh nước mắm, ½ muỗng canh muối, ½ muỗng cà phê bột ngọt, ½ muỗng cà phê hạt nêm, 1 muỗng cà phê rượu ngũ vị hương (bạn có thể thay thế rượu ngũ vị hương bằng rượu nếp, rượu gạo), nước me (nếu bạn không thích vị chua của me có thể thay thế bằng ¼ chén nước cốt chanh), 40g đường phèn, nước thơm, cà chua đã vắt ở trên, sả cây đập dập, nấm. Bạn đun sôi hỗn hợp trong khoảng 2 phút thì tắt bếp.
Nấu nước lẩu
Lọc lấy nước hầm xương gà. Sau đó, bạn đổ tất cả phần xốt chua cay nêm lẩu vào nồi nước dùng, đun sôi lên. Lúc này, bạn có thể nêm nếm lại theo khẩu vị của mình.
Bạn có thể học hỏi thêm bí quyết nấu nước dùng lẩu, tại đây
Làm nước chấm
Cho 1 muỗng canh tương ớt, 1 muỗng cà phê đường,1/2 muỗng cà phê nước cốt chanh vào chén nhỏ và trộn đều lên. Sau đó, bạn cho vào1/4 muỗng cà phê muối, tiếp tục đánh đều cho các loại gia vị quyện vào nhau và trở nên sánh sệt là đã hoàn thành.
Trình bày và thưởng thức
Múc nước lẩu ra nồi lẩu mini, dọn kèm với các loại hải sản, thịt bò, rau ăn kèm. Nhúng hải sản, thịt và rau vào nước lẩu, bạn có thể ăn cùng với bún, mì và nước chấm.
Một số lưu ý và bí quyết
Trên đây là khẩu phần cho 4 – 6 người ăn và tỷ lệ gia vị cho 2 lít nước lẩu. Nếu số người ăn nhiều hoặc ít hơn, bạn có thể gia giảm định lượng.
Với mực, bạn nên khứa những đường nhỏ để tạo bông vừa đẹp mắt vừa không bị dai.
Với tôm, nếu gia đình có em bé, bạn có thể bỏ đầu, bóc vỏ và lấy chỉ đen trước khi nhúng lẩu.
Ngoài các loại hải sản trên, bạn cũng có thể thêm cá tươi (cá diêu hồng, cá bông lau, cá basa…), chả cá.
Bạn nên sắp xếp hải sản, thịt và rau một cách đẹp mắt, gọn gàng trên dĩa để món lẩu thêm hấp dẫn.
Nếu muốn thêm độ cay và chua, bạn có thể thêm sa tế và chanh ở bước nấu xốt chua cay.
Hỗn hợp xốt chua cay phải được xào qua trước khi cho vào nồi, không nên cho từng gia vị vào nồi nước lẩu vì sẽ không tạo được mùi và màu hấp dẫn.
Kinh nghiệm chọn hải sản tươi ngon cho món lẩu
Trước tiên khi nấu lẩu, bạn cần chọn được hải sản thật tươi thì khi ăn mới có cảm giác ngon miệng, an toàn.
Đối với tôm thẻ, bạn quan sát thấy mình tôm vẫn còn tươi xanh, căng mẩy, dùng tay ấn và lướt nhẹ dọc thân tôm thấy trơn tru và có độ đàn hồi, không bị lõm, không thấy nhớt là tôm vẫn còn tươi. Nếu bạn cảm thấy có gì lợn cợn dưới lớp vỏ tôm thì không nên chọn.
Đối với mực để nấu lẩu, bạn nên chọn mực lát, dày miếng, chắc thịt và căng bóng, khi ấn nhẹ thấy không bị lún hay nhớt.
Nghêu bạn tuyệt đối không lấy nghêu đã há miệng vì đó là nghêu đã chết, khi nấu phải nghêu chết sẽ làm cả nồi lẩu có mùi rất khó ăn.
Cách làm nước lẩu hải sản không cần xương
Ngoài cách nấu nước lẩu trên, bạn cũng có thể không dùng xương để nấu nước dùng thay vào đó là sử dụng các gói gia vị nấu lẩu có sẵn trên thị trường hiện nay.
Cách nấu tương tự như trên, tuy nhiên bạn có thể dùng nước lạnh đun sôi lên, cho hỗn hợp xốt chua ngọt và gói gia vị nấu lẩu vào là đã có ngay nồi nước lẩu thơm ngon.
Những chú ý khi ăn hải sản
Nên chọn hải sản tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng, hải sản kém tươi sẽ là nguồn gốc gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm.
Nên ăn khi đã nấu chín và chế biến hợp vệ sinh.
Không nên ăn loại đã chế biến để qua đêm, dù đã cho vào tủ lạnh nhưng những vi khuẩn cũng thể xâm nhập và gây hỏng thức ăn.
Không nên ăn chung với các loại thực phẩm giàu vitamin C đặc biệt là các loại có vỏ giáp xác như tôm, nghêu, ốc, sò… vì có thể sẽ gây ra phản ứng tạo thành chất độc giống như thạch tín…
Lẩu hải sản ăn với rau gì?
Thông thường, Lẩu Hải Sản ăn kèm với các loại rau như: hoa chuối, cải ngọt, cải cúc (tần ô), rau muống, rau rút (rau nhút), cải thảo, tai tượng (kèo nèo)...các loại nấm đặc biệt là nấm kim châm, bào ngư, nấm rơm, nấm hương…