Hướng dẫn giải đề thi tham khảo môn Ngữ văn
Thầy Phan Thế Hoài, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh, hướng dẫn giải đề thi tham khảo môn Ngữ văn kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố đề thi tham khảo kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023, trong đó có môn Ngữ văn. Theo đó, đề thi tham khảo có cấu trúc như sau:
I. Đọc hiểu (3 điểm)
Đọc đoạn trích:
Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
Từ túp lều lợp lá tranh
Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
Bàn chân thô quanh năm bùn lấm
Chưa một lần ướm qua sử sách
Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
Dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn
Thương từ cái kiến con ong
Tím ruột bầm gan thù bọn ác
Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Là đứng theo dáng mẹ
"Đòn gánh tre chín rạn hai vai"
Mùa hạ gió Lào quăng quật
Mùa đông sắt se gió bấc
Dân tộc tôi khi đứng dậy làm người
Mồ hôi vã một trời sao trên đất
Trời sao lặn hóa thành muôn mạch nước
Chảy âm thầm chảy dọc thời gian.
(Trích Những người đi tới biển, Thanh Thảo, Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân, 2004, trang 53-54)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1. Xác định thể thơ của đoạn trích.
Câu 2. Chỉ ra những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khó, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ:
Chính mẹ đẻ anh hùng và truyền thuyết
Từ túp lều lợp lá tranh
Cắt cuống nhau bằng lưỡi liềm
Bàn chân thô quanh năm bùn lấm
Chưa một lần ướm qua sử sách
Câu 3. Nêu nội dung của hai dòng thơ: Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ
Dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn
Câu 4. Nhận xét về hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích.
II. Làm văn (7 điểm)
Câu 1 (2 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tinh thần vượt khó trong cuộc sống.
Câu 2 (5 điểm)
Trong Việt Bắc, nhà thơ Tố Hữu viết:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Anh/chị hãy phân tích đoạn trích trên; từ đó, nhận xét về lẽ sống ân nghĩa được thể hiện trong đoạn trích.
Hướng dẫn giải đề thi tham khảo môn Ngữ văn
I. Đọc hiểu
Câu 1. Thể thơ tự do
Câu 2. Những từ ngữ diễn tả đời sống nghèo khổ, vất vả của người mẹ trong đoạn thơ: túp lều, lợp lá tranh, lưỡi liềm, bàn chân thô, bùn lấm.
Câu 3. Nội dung của hai dòng thơ "Tập con bước vịn vào ca dao tục ngữ/ Dù uống nước đau lòng vẫn nhớ nguồn": Người mẹ nhắc nhở con phải biết giữ gìn truyền thống văn hóa của dân tộc. Phải biết ơn công lao của tiên tổ, cha ông đã để lại cho chúng ta.
Câu 4. Hình ảnh dân tộc Việt Nam được thể hiện trong đoạn trích: Con người Việt Nam phải sống trong muôn vàn khó khăn, vất vả. Người Việt luôn sáng ngời những phẩm chất tốt đẹp: yêu nước, căm thù giặc, kiên cường, lòng biết ơn…
II. Làm văn
Sức mạnh của tinh thần vượt khó
Tinh thần vượt khó: sẵn sàng đối mặt với khó khăn, thử thách trong cuộc sống với một tinh thần, năng lượng tích cực. Là một con người và đặc biệt là giới trẻ, chúng ta cần có tinh thần vượt khó để hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn.
Tinh thần vượt khó mang đến cho con người những thành quả ngọt ngào sau bao nỗ lực, cố gắng và giúp cho chúng ta được người khác yêu thương, tin tưởng, cuộc sống cũng từ đó trở nên tốt đẹp hơn.
Người có tinh thần vượt khó là người biết phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống của mình, nỗ lực hết sức để mong muốn đạt được những thành tựu cho riêng mình, đó là những con người có lẽ sống và sẽ cống hiến được những điều tốt đẹp cho xã hội.
Cuộc sống luôn tồn tại những khó khăn, thử thách mà ta không thể biết trước được, chỉ có tinh thần vượt khó mới giúp ta vượt qua được và giúp cho bản thân ta hoàn thiện hơn (dẫn chứng).
Tuy nhiên, trong xã hội vẫn còn có nhiều người không có ý chí, tinh thần vượt khó, mới gặp chút khó khăn đã bỏ cuộc. Lại có những người sống lười biếng, dựa dẫm vào người khác, không có ước mơ, mục tiêu, lí tưởng,… Những người này đáng bị chê trách và cần thay đổi bản thân nếu muốn có cuộc sống tốt đẹp hơn.
Chúng ta cố gắng vươn lên, rèn luyện cho mình một ý chí, bản lĩnh kiên cường để có thể đối mặt với những sóng gió ở cuộc sống.
Vẻ đẹp bức tranh tứ bình
"Việt Bắc" là một trong những bài thơ hay nhất của Tố Hữu. Lời thơ như khúc hát ân tình tha thiết về Việt Bắc, quê hương của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ở đó, bên cạnh cách những bức tranh hùng tráng, đậm chất sử thi về cuộc sống đời thường gần gũi, thân thiết được bao bọc bởi thiên nhiên vô cùng tươi đẹp:
Ta về, mình có nhớ ta....
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Cảm hứng chủ đạo của đoạn thơ là nỗi nhớ về Việt Bắc:
Ta về mình có nhớ ta
Ta về ta nhớ những hoa cùng người.
Tác giả sử dụng điệp ngữ hai lần "ta về". Cùng một thời điểm chia tay nhưng ở trên là hỏi người, ở dưới là giãi bày lòng mình. Cặp từ "ta", "mình" được xưng hô như cách đối đáp giao duyên của trai gái trong ca dao, dân ca khiến cho cuộc chia tay của người cán bộ và Việt Bắc thành cuộc "giã bạn" của lứa đôi. "Ta" là người cán bộ kháng chiến, "mình" là nhân dân Việt Bắc đang lưu luyến chia tay. Câu hỏi tu từ "mình có nhớ ta" thể hiện sự lưu luyến của người đi, kẻ ở.
"Nhớ hoa" là nhớ thiên nhiên Việt Bắc thơ mộng làm đắm say lòng người. "Nhớ người" là nhớ người dân Việt Bắc từng cưu mang, gắn bó, đồng cam cộng khổ với cán bộ cách mạng.
Bức tranh mùa đông:
Rừng xanh hoa chuối đỏ tươi
Đèo cao nắng ánh dao gài thắt lưng
Hoa chuối rừng đỏ như son nổi bật trên nền xanh bạt ngàn của lá. Sự tương phản của hai màu xanh, đỏ làm cho núi rừng bớt hoang vu, lạnh lẽo mà trở nên ấm áp hơn. Hoa chuối là bông hoa có thật chứ không mông mênh chóng tàn như những loài hoa khác.
Vượt qua mùa đông lạnh giá, con người lên nương, lên rừng. Nghệ thuật đảo ngữ "nắng ánh" (động từ) là các luồng sáng của nắng chói lên bởi sự phản quang của lưỡi dao rừng thắt trên lưng người dân khi họ đi khai thác lâm, thổ sản. Đó là cái đẹp rất đời thường, rất giản dị của người lao động.
Bức tranh mùa xuân:
Ngày xuân mơ nở trắng rừng
Nhớ người đan nón chuốt từng sợi giang.
Hoa mơ tinh khôi, thanh khiết phủ trắng cả cánh rừng, gợi cảm giác choáng ngợp trước cảnh thơ mộng. Âm điệu mạnh mẽ của hai chữ "trắng rừng" bộc lộ cảm giác ngỡ ngàng, hạnh phúc của con người.
Hình ảnh người lao động "chuốt từng sợi giang" rất nhịp nhàng, khoan thai. Động từ "chuốt" là làm cho thật nhẵn sợi giang để đan nón. Hai từ "chuốt" và "từng" gợi tả đức tính cẩn thận, tỉ mỉ, chịu thương chịu khó của người đan nón. Họ làm ra sản phẩm để phục vụ cho lao động và còn để tặng cán bộ kháng chiến.
Bức tranh mùa hạ:
Ve kêu rừng phách đổ vàng
Nhớ cô em gái hái măng một mình.
Câu thơ sáu chữ xôn xao cả màu sắc lẫn âm thanh. Khi tiếng ve râm ran, cả một rừng phách như hối hả, nhanh chóng thay màu, cùng đồng loạt "đổ vàng". Hai động từ "kêu" và "đổ" thể hiện không khí rạo rực rất đặc trưng của mùa hạ. Đổ vàng là ngả vàng hàng loạt hoặc là cây trút lá vàng.
Hình ảnh người lao động: Cô gái đi hái măng, khơi dậy trong ta những rung động ngọt ngào, sâu lắng. Đọc câu thơ, ta nghe như có tiếng nhạc ngân nga bởi nghệ thuật gieo vần lưng (gái, hái) và điệp phụ âm đầu m (măng, một, mình). Cô gái say sưa lao động trong một không gian vui tươi, trong trẻo. Sự hiện diện của cô gái càng tăng thêm nét duyên dáng, trẻ trung cho bức tranh mùa hạ.
Bức tranh mùa thu:
Rừng thu trăng rọi hòa bình
Nhớ ai tiếng hát ân tình thủy chung.
Ánh trăng vàng êm dịu trải dài lên cảnh vật, gợi không khí thanh bình, yên ả. Từ "hòa bình" vừa khẳng định cuộc sống êm đềm, vừa nói đến sự thanh tĩnh của rừng khuya. Đêm trăng thu huyền ảo nơi núi rừng Việt Bắc thấp thoáng ước mơ thầm kín về cuộc sống thanh bình êm ả.
Trên cái nền gợi cảm ấy văng vẳng "tiếng hát ân tình thủy chung" của ai đó nghe thật bâng khuâng, xao xuyến. Tiếng hát ấy chính là tấm lòng của người Việt Bắc, dù nghèo khó nhưng suốt đời thủy chung với cách mạng.
Mỗi câu lục bát làm thành một bức tranh trong bộ tứ bình. Mỗi bức tranh có vẻ đẹp riêng hòa kết bên nhau tạo vẻ đẹp chung. Đó là sự hài hòa giữa âm thanh, màu sắc... Tiếng ve của mùa hè, tiếng hát của đêm thu, màu xanh của rừng già, sắc đỏ của hoa chuối, trắng tinh khôi của rừng mơ, vàng ửng của hoa phách... Trên cái nền thiên nhiên ấy, hình ảnh con người hiện lên thật bình dị, thơ mộng trong công việc lao động hàng ngày.
Lẽ sống ân nghĩa qua đoạn trích
Lẽ sống ân nghĩa được thể hiện qua nỗi nhớ, sự lưu luyến, bịn rịn trong giây phút chia tay giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ về xuôi.
Đó cũng là sự biết ơn của người cán bộ cách mạng đối với đồng bào Việt Bắc đã cưu mang, giúp đỡ họ trong suốt 15 năm "biết bao nhiêu tình".
Lẽ sống ân nghĩa giữa đồng bào Việt Bắc và người cán bộ kháng chiến đã tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ "chấn động địa cầu" 1954.
Với những nét chấm phá đơn sơ giản dị, vừa cổ điển vừa hiện đại, đoạn thơ trên của Tố Hữu đã làm nổi bật được bức tranh cảnh và người qua bốn mùa của chiến khu Việt Bắc. Cảnh và người hòa hợp với nhau tô điểm cho nhau, làm cho bức tranh trở nên gần gũi thân quen, sống động và có hồn hơn. Tất cả đã tan chảy thành nỗi nhớ nhung quyến luyến thiết tha trong tâm hồn người cán bộ về xuôi.
Có thể nói, đây là một trong những đoạn thơ đặc sắc nhất, tài hoa nhất trong bài "Việt Bắc". Nó góp phần làm cho bài thơ xứng đáng là viên ngọc sáng long lanh trong kho tàng văn học hiện đại Việt Nam.