Hướng dẫn kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự

Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã có văn bản hướng dẫn kỹ năng phát hiện vi phạm trong giải quyết vụ án hình sự để kháng nghị, kiến nghị.

Chủ động phát hiện vi phạm qua phối hợp công tác với Tòa án trong giai đoạn xét xử

Chủ động phát hiện vi phạm qua phối hợp công tác với Tòa án trong giai đoạn xét xử

Trong quá trình theo dõi công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát các cấp nhận thấy một số dạng vi phạm, chủ yếu như sau: 1. Vi phạm về luật nội dung; 2. Vi phạm về luật tố tụng.

Trong đó, về vi phạm về luật nội dung, bao gồm tất cả những vi phạm của cơ quan tố tụng trong việc áp dụng pháp luật về nội dung để giải quyết vụ án; chủ yếu là Bộ luật hình sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật khác. Trong thực tế thường gặp 10 dạng vi phạm về luật nội dung như sau: 1. Bỏ lọt tội phạm; 2. Vi phạm về việc định tội danh; 3. Vi phạm về áp dụng khung hình phạt; 4. Vi phạm về áp dụng mức hình phạt; 5. Vi phạm về phạt tù cho hưởng án treo; 6. Vi phạm về áp dụng loại hình phạt; 7. Vi phạm về tổng hợp hình phạt; 8. Vi phạm về xác định trách nhiệm dân sự; 9. Vi phạm về áp dụng các quy định của pháp luật thuộc lĩnh vực chuyên ngành; 10. Vi phạm về quyết định biện pháp tư pháp.

Về vi phạm về luật tố tụng, bao gồm vi phạm về hành vi tố tụng và các quyết định tố tụng của cơ quan, người tiến hành tố tụng trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử. Qua theo dõi, nhận thấy có 12 dạng vi phạm thường phát sinh như sau: 1. Vi phạm về thẩm quyền giải quyết vụ án; 2. Thu thập chứng cứ không hợp pháp, không đầy đủ, không khách quan; 3. Sử dụng, đánh giá chứng cứ không chính xác; 4. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các thủ tục tố tụng cần thiết theo luật định; 5. Không chỉ định, không tạo điều kiện cho người bào chữa tham gia các hoạt động tố tụng; 6. Mớm cung, bức cung, nhục hình vẫn còn xảy ra; 7. Xác định không đúng tư cách người tham gia tố tụng; 8. Vi phạm trong việc lập biên bản điều tra; 9. Vi phạm trong việc tách vụ án; 10. Vi phạm trong xử lý vật chứng; 11. Vi phạm trong việc tống đạt, giao nhận văn bản tố tụng; 12. Vi phạm trong việc xây dựng bản án, quyết định của Tòa án.

04 cấp độ vi phạm

Thực tiễn cho thấy, quá trình thụ lý giải quyết vụ án của các cơ quan tố tụng không hiếm các trường hợp vi phạm, cụ thể là không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các quy định của pháp luật đối với pháp luật tố tụng hình sự, luật hình sự và các lĩnh vực pháp luật khác. Các vi phạm này xảy ra trên nhiều cấp độ, có thể phân định ở 04 cấp độ như sau:

(1) Những vi phạm nhỏ, còn gọi là các thiếu sót hay sai sót, không làm thay đổi bản chất và tính chất vụ việc, không ảnh hưởng trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng, Viện kiểm sát cần trực tiếp trao đổi, nhắc nhở Cơ quan điều tra hoặc Tòa án sửa chữa.

(2) Vi phạm cần kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm là những vi phạm một hay một số quy định nào đó của pháp luật, làm thay đổi tính chất, một phần hay toàn bộ sự thật, tức bản chất của sự việc, ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể trở lên đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng.

(3) Vi phạm cần xem xét kháng nghị giám đốc thẩm là những vi phạm nghiêm trọng, trái các nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng hình sự, luật hình sự, luật dân sự và các lĩnh vực pháp luật khác, làm cho việc xác định, đánh giá không đúng tính chất, sự thật hay bản chất của vụ án, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trách nhiệm hình sự, dân sự, quyền, nghĩa vụ của bị cáo hoặc của những người tham gia tố tụng khác.

(4) Vi phạm cần xem xét kháng nghị theo thủ tục tái thẩm là trường hợp vụ án có tình tiết mới được phát hiện có thể làm thay đổi cơ bản nội dung của bản án, quyết định mà Tòa án không biết được khi ra bản án, quyết định đó.

Kỹ năng phát hiện vi phạm

Viện kiểm sát tối cao cũng hướng dẫn kỹ năng phát hiện vi phạm như sau: Chủ động phát hiện vi phạm qua phối hợp công tác với Tòa án trong giai đoạn xét xử; Kiểm sát biên bản phiên tòa; Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án; Nghiên cứu nội dung đề nghị của Viện kiểm sát cấp dưới, đơn của cá nhân, cơ quan, tổ chức, dư luận báo chí liên quan; Nghiên cứu hồ sơ vụ án, tiến hành xác minh; Phát hiện vi phạm để kháng nghị; Xây dựng bản kháng nghị, phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm; Bảo vệ kháng nghị tại phiên tòa; Kỹ năng phát hiện vi phạm để kiến nghị.

Phát hiện vi phạm của Cơ quan điều tra và Tòa án để xử lý là nhiệm vụ thường xuyên, thể hiện chức năng, vai trò của Viện kiểm sát trong công tác giải quyết các vụ án hình sự. Không có sự phân định về mục đích giữa việc phát hiện vi phạm để kháng nghị và phát hiện vi phạm để kiến nghị mà thực chất là yêu cầu phải phát hiện được vi phạm đã phát sinh, còn kháng nghị hay kiến nghị là tùy vào tính chất, mức độ nghiêm trọng của vi phạm.

Như trên đã tạm phân định 04 cấp độ vi phạm, trong đó các vi phạm cần xem xét kiến nghị đối với Cơ quan điều tra hoặc Tòa án là những vi phạm không phải ở mức chỉ trao đổi, nhắc nhở yêu cầu sửa chữa và không ở mức phải kháng nghị phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Những vi phạm này chưa đến mức nghiêm trọng, làm thay đổi căn bản tính chất, bản chất vụ án, không thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của Hội đồng xét xử, chưa ảnh hưởng trực tiếp và đáng kể đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng. Đó là những vi phạm trực tiếp một hay một số quy định nào đó của pháp luật, chỉ làm thay đổi tính chất và khía cạnh nào đó trong bản chất sự việc, có ảnh hưởng trực tiếp, song không đáng kể hoặc chưa rõ đến quyền, nghĩa vụ của các bên tố tụng.

Kiểm sát viên ngoài việc nhận diện, phân tích, xác định được vi phạm, cần có đánh giá chính xác tính chất mức độ vi phạm và các khía cạnh liên quan đến vụ án cụ thể. Đối với các vi phạm nghiêm trọng, xét thấy quan điểm của Viện kiểm sát thực sự có cơ sở và xét việc kháng nghị thực sự cần thiết thì quyết định kháng nghị và kiên quyết bảo vệ quan điểm kháng nghị. Đối với các vi phạm dù nghiêm trọng, nhưng cân nhắc quan điểm của Viện kiểm sát chưa thật sự có cơ sở vững chắc, chưa thật sự thuyết phục so với Tòa án hoặc xét chưa thật cần thiết phải kháng nghị thì không nên kháng nghị. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng nhưng không cần thiết kháng nghị thì chuyển sang kiến nghị đối với cơ quan có vi phạm.

Nội dung bản kiến nghị cũng phải phân tích, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục cao như đối với văn bản kháng nghị. Trong đó cần ghi rõ yêu cầu cơ quan được kiến nghị thực hiện việc kiến nghị và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát trong thời hạn nhất định.

Tuyết Lạc

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/huong-dan-ky-nang-phat-hien-vi-pham-trong-giai-quyet-vu-an-hinh-su-102221222142734532.htm