Hướng dẫn lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020
Căn cứ quy định tại Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 05/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về lập Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016 – 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn các bộ, ngành trung ương và địa phương về việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ các bộ, ngành trung ương và địa phương lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 đảm bảo phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và thu hút các nguồn vốn đầu tư của các thành phần kinh tế khác của cả nước, cũng như của từng ngành, lĩnh vực và địa phương; bảo đảm các cân đối vĩ mô, ưu tiên an toàn nợ công.
Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công.
Dành dự phòng khoảng 15% kế hoạch vốn
Về dự kiến phương án phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn trên cơ sở dự kiến khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành trung ương và địa phương dành lại dự phòng khoảng 15% kế hoạch vốn mỗi loại để xử lý các vấn đề phát sinh, cấp bách trong quá trình triển khai kế hoạch trung hạn, dự kiến phương án phân bổ 85% tổng số vốn theo quy định: Bố trí đủ vốn chuẩn bị đầu tư để tổ chức lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư cho các dự án đầu tư công khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020 và các dự án dự kiến khởi công mới trong giai đoạn 2021-2025 (nếu có).
Bên cạnh đó, bố trí vốn thực hiện dự án (đầu tư theo ngành, lĩnh vực), vốn 2 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu cho từng dự án để giải phóng mặt bằng, lập thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, lập dự toán của dự án hoặc hạng mục của dự án và tổ chức thi công cho các dự án theo thứ tự ưu tiên: i- Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2014 nhưng chưa bố trí đủ vốn; ii- Dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2015; iii- Dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2011-2015 chuyển sang giai đoạn 2016-2020 thực hiện theo tiến độ được phê duyệt, trong đó: làm rõ số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020; iv- Dự án khởi công mới trong giai đoạn 2016-2020, trong đó: làm rõ số dự án dự kiến hoàn thành trong giai đoạn 2016-2020.
Lập kế hoạch đầu tư phát triển nguồn NSNN
Về dự kiến kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN 5 năm 2016-2020, các bộ, ngành trung ương dự kiến tổng vốn đầu tư nguồn NSNN theo ngành, lĩnh vực và vốn bổ sung có mục tiêu tăng bình quân 10%/năm so với kế hoạch năm trước do Thủ tướng Chính phủ giao.
Về lập kế hoạch vốn đầu tư từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước 5 năm 2016-2020, các bộ, ngành trung ương và địa phương căn cứ vào tình hình và triển vọng phát triển kinh tế và nguồn thu, phấn đấu tốc độ tăng vốn từ nguồn thu để lại cho đầu tư nhưng chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước khoảng 12-15%/năm so với kế hoạch năm trước...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên xây dựng tổng thể kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm của tất cả các nguồn vốn, nên không tránh khỏi các khó khăn, bỡ ngỡ, trong khi thời gian triển khai lập kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lại không nhiều, khối lượng công việc rất lớn và mới mẻ. Do đó, đề nghị các bộ, ngành trung ương và địa phương tập trung chỉ đạo khẩn trương triển khai xây dựng và hoàn thành báo cáo kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020 theo đúng quy định.