Hướng dẫn một số nội dung trong xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm

Ngày 23/12/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 7583/BNV-TCBC hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm (VTVL).

Giải đáp chính sách

Ảnh minh họa: EBH

Ảnh minh họa: EBH

Hỏi: Tôi được biết, Bộ Nội vụ vừa ban hành công văn hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm. Xin quý báo cho biết một số nội dung khi xây dựng đề án vị trí việc làm?

(Nguyễn Hồng Anh, trú tại huyện Gia Lâm, Hà Nội)

Trả lời:

Về câu hỏi của quý bạn đọc, xin trả lời như sau:

Ngày 23/12/2023, Bộ Nội vụ ban hành Công văn 7583/BNV-TCBC hướng dẫn một số nội dung vướng mắc trong việc xây dựng Đề án và phê duyệt vị trí việc làm (VTVL). Theo đó, một số nội dung khi xây dựng đề án vị trí việc làm, phê duyệt vị trí việc làm và cơ cấu công chức, cơ cấu viên chức theo vị trí việc làm như sau:

Về xác định vị trí việc làm:

1.1. Nhóm vị trí việc làm lãnh đạo, quản lý

a) Về các vị trí lãnh đạo, quản lý đối với chức danh là cán bộ

Đối với 12 vị trí lãnh đạo, quản lý (cán bộ), gồm: (1) Chủ tịch UBND cấp tỉnh; (2) Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh; (3) Chủ tịch UBND cấp huyện; (4) Phó Chủ tịch UBND cấp huyện; (5) Chủ tịch HĐND cấp tỉnh; (6) Phó Chủ tịch HĐND cấp tỉnh; (7) Trưởng ban thuộc HĐND cấp tỉnh; (8) Phó Trưởng ban thuộc HĐND cấp tỉnh; (9) Chủ tịch HĐND cấp huyện; (10) Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện; (11) Trưởng ban thuộc HĐND cấp huyện; (12) Phó Trưởng ban thuộc HĐND cấp huyện (đã được quy định tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị), đề nghị các địa phương căn cứ nhiệm vụ, quyền hạn của từng chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Quy định số 214-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp để phê duyệt VTVL đối với các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý này theo phân cấp quản lý cán bộ tại địa phương, bảo đảm sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của địa phương.

b) Về bổ sung vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở

Thống nhất với các địa phương về việc xác định vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở tại các Sở và cơ quan tương đương Sở, bảo đảm xác định tương đương với vị trí Trưởng phòng và Phó Trưởng phòng thuộc Sở (quy định tại Phụ lục I Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Nội dung bản mô tả và khung năng lực cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của vị trí Chánh Thanh tra Sở, Phó Chánh thanh tra Sở, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

c) Về vị trí Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước

Trước mắt vận dụng VTVL Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch thuộc lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước trong danh mục VTVL lãnh đạo, quản lý trong cơ quan, tổ chức hành chính (quy định tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV ngày 30/12/2022 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ). Nội dung bản mô tả và khung năng lực cần mô tả cụ thể phù hợp với công việc cụ thể của vị trí Giám đốc Sở giao dịch, Phó Giám đốc Sở giao dịch Kho bạc Nhà nước. Theo đó, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Thông tư số 12/2022/TT-BNV cho phù hợp.

d) Về ban hành phụ lục khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực khi xây dựng bản mô tả VTVL lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt

Trước mắt, đề nghị các Bộ, ngành, địa phương căn cứ yêu cầu về năng lực của các VTVL được ban hành kèm theo Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo để thực hiện. Theo đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 và Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT ngày 30/10/2023 (trong đó bổ sung phụ lục khung cấp độ xác định yêu cầu về năng lực khi xây dựng bản mô tả VTVL lãnh đạo, quản lý với đối tượng nêu trên).

đ) Về yêu cầu khung năng lực của các VTVL lãnh đạo, quản lý ở cấp tỉnh, cấp huyện

Đề nghị Bộ, ngành, địa phương thực hiện thống nhất theo hướng dẫn tại Thông tư số 12/2022/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bảo đảm phù hợp với các tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý tại dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính Nhà nước (đã tính đến yếu tố liên thông với các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị).

e) Về hướng dẫn xác định VTVL Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội cấp tỉnh; Ủy viên chuyên trách Hội đồng nhân dân thành phố

- Đối với VTVL Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội cấp tỉnh: VTVL này đã được xác định trong danh mục các chức danh lãnh đạo, quản lý tại Kết luận số 35-KL/TW ngày 05/5/2022 của Bộ Chính trị và quy định tại Điều 22, khoản 3 Điều 43 Luật Tổ chức Quốc hội. Vì vậy, đề nghị các địa phương chủ động xây dựng Bản mô tả, khung năng lực của VTVL này và phê duyệt theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của chức danh này theo quy định của Luật Tổ chức Quốc hội.

- Đối với VTVL Ủy viên chuyên trách tại các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố: Đây là VTVL đặc thù của mô hình chính quyền đô thị được xác định theo các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ. Vì vậy, đề nghị các thành phố được tổ chức chính quyền đô thị chủ động xây dựng Bản mô tả, khung năng lực của VTVL này và phê duyệt theo phân cấp thẩm quyền quản lý cán bộ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, tiêu chuẩn của chức danh này theo quy định tại các Nghị quyết của Quốc hội và Nghị định của Chính phủ, sát với yêu cầu, chức năng, nhiệm vụ của địa phương…

B.A

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/huong-dan-mot-so-noi-dung-trong-xay-dung-de-an-va-phe-duyet-vi-tri-viec-lam-365090.html