Hướng dẫn, thống nhất phương án xử lý tài sản công dôi dư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình
Ngày 21/1, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công (TSC), thống nhất phương án xử lý TSC trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tham dự có lãnh đạo, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; đại diện UBND các huyện, thành phố; các đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý TSC; đại diện các địa bàn có cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp.
Ngày 21/1, Sở Tài chính tổ chức Hội nghị triển khai Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý tài sản công (TSC), thống nhất phương án xử lý TSC trên địa bàn tỉnh sau khi thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Tham dự có lãnh đạo, chuyên viên Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng; đại diện UBND các huyện, thành phố; các đơn vị liên quan đến lĩnh vực quản lý TSC; đại diện các địa bàn có cơ sở nhà, đất dôi dư sau khi sắp xếp.
Lãnh đạo Sở Tài chính đã triển khai nội dung Công văn số 424/BTC-QLCS, ngày 14/1/2025 của Bộ Tài chính về việc thực hiện Công điện số 125/CĐ-TTg, ngày 01/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến lĩnh vực quản lý TSC. Nội dung công văn đề cập đến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng, khai thác, sắp xếp lại, xử lý TSC; hướng dẫn các căn cứ pháp lý, quy trình, quy định liên quan đến việc xử lý, khai thác TSC, trụ sở làm việc dôi dư, không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả hoặc không đúng mục đích; bao gồm: Tài sản là đất, tài sản gắn liền với đất thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật về đất đai; tài sản chưa có quyết định xử lý; tài sản đã có quyết định xử lý... Việc sắp xếp lại và khai thác hiệu quả các TSC dôi dư góp phần chống lãng phí, thất thoát, tăng cường khai thác nguồn lực từ TSC theo đúng quy định của pháp luật.
Tại hội nghị, các đại biểu thảo luận làm rõ nhiều nội dung quan trọng liên quan đến quản lý TSC dôi dư sau khi tỉnh thực hiện sắp xếp, tinh gọn bộ máy. Qua thảo luận đã thống nhất cách làm và một số phương án xử lý TSC trên địa bàn tỉnh. Theo Sở Tài chính, quá trình xử lý TSC dôi dư đã xuất hiện những khó khăn, vướng mắc. Vì thế, Sở Tài chính tiếp tục tham mưu UBND tỉnh và hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan nhằm tháo gỡ khó khăn, nâng cao hiệu quả quản lý TSC trong thời gian tới.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 259 cơ sở nhà, đất thuộc trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả (trong đó, 165 cơ sở đã có quyết định xử lý; 94 cơ sở chưa có quyết định xử lý); 126 TSC khác (không phải là nhà, đất) thuộc trường hợp không sử dụng, sử dụng kém hiệu quả, không đúng mục đích. Căn cứ quy định của pháp luật và các hướng dẫn liên quan, UBND tỉnh đã có chỉ đạo đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc phạm vi quản lý; yêu cầu khẩn trương, quyết liệt trong việc giải quyết TSC, đảm bảo thực hiện đúng quy định, công khai, minh bạch.