Hướng dẫn tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ
Bộ Ngoại giao đang lấy ý kiến góp ý của nhân dân đối với dự thảo Thông tư hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở Ngoại vụ thuộc UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Ngoại vụ. Trong đó, dự thảo hướng dẫn cụ thể về tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ.
Dự thảo nêu rõ, Sở Ngoại vụ là cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, có chức năng tham mưu, giúp UBND cấp tỉnh quản lý nhà nước về công tác ngoại vụ và công tác biên giới lãnh thổ quốc gia (gọi chung là công tác đối ngoại) của địa phương; các dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật. Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh không thuộc đối tượng điều chỉnh của Thông tư này.
Sở Ngoại vụ có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng; chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND cấp tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của Bộ Ngoại giao.
Tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ
Dự thảo hướng dẫn các tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ theo quy định tại khoản 10 Điều 1 Nghị định 107/2020/NĐ-CP như sau:
Theo quy định tại Khoản 10 Điều 1 Nghị định 107/2020/NĐ-CP của Chính phủ, Sở Ngoại vụ được thành lập khi đáp ứng một trong các tiêu chí sau:
a) Có cửa khẩu quốc tế đường bộ;
b) Có cửa khẩu quốc tế đường hàng không;
c) Có cảng biển quốc tế;
d) Có từ 500 dự án đầu tư nước ngoài trở lên (hoặc có tổng vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 100.000 tỷ Việt Nam đồng) đang hoạt động tại địa phương, có trên 4.000 người nước ngoài hiện đang sinh sống và làm việc tại địa phương, có kim ngạch xuất nhập khẩu hàng năm đạt từ 100.000 tỷ Việt Nam đồng trở lên, đã ký kết thỏa thuận về hợp tác quốc tế với 5 địa phương trở lên.
a) Cửa khẩu quốc tế đường hàng không là cảng hàng không có khả năng phục vụ cho vận quyển quốc tế và vận chuyển nội địa.
b) Cảng biển quốc tế là cảng biển đặc biệt hoặc cảng biển loại I theo quy định của Bộ luật Hàng hải.
Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã có Sở Ngoại vụ nhưng chưa đáp ứng các tiêu chí cần xây dựng lộ trình, kế hoạch để đáp ứng các tiêu chí thành lập Sở Ngoại vụ theo quy định.
Những tỉnh chưa thành lập Sở Ngoại vụ thì thành lập Phòng Ngoại vụ thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Phòng Ngoại vụ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp tỉnh; Văn phòng UBND cấp tỉnh đảm bảo cơ sở vật chất và hành chính quản trị cho hoạt động của Phòng Ngoại vụ; Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối ngoại ở địa phương theo sự ủy quyền của Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Phòng Ngoại vụ tham mưu, giúp Chánh Văn phòng UBND cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác đối ngoại ở địa phương.
Dự thảo cũng quy định 23 nội dung về nhiệm vụ và quyền hạn của Sở Ngoại vụ gồm: Trình UBND cấp tỉnh dự thảo Quyết định liên quan đến công tác đối ngoại của địa phương, dự thảo quy hoạch, kế hoạch dài hạn, 5 năm, hàng năm, chương trình, đề án, biện pháp tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác đối ngoại tại địa phương thuộc thẩm quyền quyết định của UBND tỉnh; tham mưu cho Tỉnh ủy về công tác đối ngoại; định hướng mở rộng quan hệ đối ngoại, chủ trương và lộ trình hội nhập quốc tế của địa phương; về công tác hợp tác quốc tế: về công tác ngoại giao kinh tế; về công tác người Việt Nam ở nước ngoài; về công tác lãnh sự và bảo hộ công dân…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.