Hướng dẫn tổ chức lấy ý kiến dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Khánh Hòa, Sở Tư pháp vừa có văn bản hướng dẫn, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức lấy ý kiến và xây dựng báo cáo góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 (viết tắt là dự thảo Nghị quyết). Theo kế hoạch của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013, việc lấy ý kiến sẽ hoàn thành vào ngày 5-6-2025.

Theo đó, đối tượng lấy ý kiến là các tầng lớp nhân dân; các cơ quan, tổ chức ở địa phương; MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên; các chuyên gia, nhà khoa học. Việc lấy ý kiến tập trung vào toàn bộ dự thảo Nghị quyết, bao gồm: bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày. Các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID; Cổng thông tin điện tử Quốc hội; Cổng thông tin điện tử Chính phủ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến UBND tỉnh, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh, Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương chủ động lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý bằng các hình thức phù hợp; không tổ chức lấy ý kiến trên Cổng Thông tin điện tử địa phương; trang thông tin điện tử các sở, ban, ngành (chỉ đăng tải tài liệu lấy ý kiến). Tài liệu phục vụ lấy ý kiến gồm: Kế hoạch số 05, ngày 5-5-2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết; dự thảo Nghị quyết; bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết; bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp.

Các cơ quan, đơn vị, địa phương quán triệt, chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động về mục đích, yêu cầu và ý nghĩa của việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân, các ngành, các cấp về toàn bộ dự thảo Nghị quyết; hình thức góp ý; công bố tài liệu lấy ý kiến; mở chuyên trang, chuyên mục để cập nhật, đưa tin về tình hình tổ chức lấy ý kiến; tổ chức các hội nghị phổ biến, quán triệt về nội dung và cách thức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết.

Đồng thời, thống kê cụ thể về số lượng ý kiến nhận được (phân loại ý kiến của cơ quan, tổ chức và của cá nhân); số lượng ý kiến của đơn vị, cá nhân đối với từng nội dung sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Nghị quyết; số tán thành; không tán thành; lý do. Số liệu sẽ được cộng dồn từ dưới lên (UBND cấp xã tổng hợp số liệu từ thôn, tổ dân phố, HĐND xã, tổ chức đảng ở xã... Nguồn tổng hợp ý kiến là thư hoặc văn bản góp ý của cá nhân, tổ chức được gửi trực tiếp đến cơ quan, sở, ngành, địa phương; văn bản góp ý của tổ chức; không đếm các ý kiến phát biểu tại hội nghị, hội thảo, tọa đàm và các ý kiến cụ thể của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Mỗi văn bản góp ý của tổ chức, đơn vị thuộc cơ quan, bộ, ngành, địa phương; thư hoặc văn bản góp ý của cá nhân; phiếu lấy ý kiến; được tính là 1 ý kiến. Thư hoặc văn bản có nhiều người cùng đứng tên và ký tên thì đếm tổng số người góp ý để tính số ý kiến.

Báo cáo góp ý dự thảo Nghị quyết kèm báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến gửi về Sở Tư pháp trước ngày 25-5. Riêng Công an tỉnh tổng hợp các ý kiến trên ứng dụng VNelD, xây dựng báo cáo và phụ lục theo mẫu kèm theo Công văn số 2441, ngày 6-5-2025 của Bộ Tư pháp gửi Bộ Công an và đồng gửi UBND tỉnh, Sở Tư pháp để theo dõi.

N.V

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/chinh-tri/202505/huong-dan-to-chuc-lay-y-kien-du-thao-nghi-quyet-sua-doi-bo-sung-hien-phap-nam-2013-9261a33/