Hướng dẫn việc lập danh sách cử tri khi đi bỏ phiếu nơi khác, xác định số phiếu phát ra và số cử tri đã bỏ phiếu

Hội đồng Bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) vừa có văn bản hướng dẫn một số vấn đề liên quan đến nghiệp vụ công tác bầu cử.

1 .Việc lập danh sách cử tri khi đi bỏ phiếu nơi khác

Theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu HĐND thì việc lập danh sách cử tri không căn cứ vào nơi cử tri công tác, làm việc mà căn cứ vào nơi cử tri cư trú hoặc tạm trú. Theo đó, mỗi công dân chỉ được ghi tên vào một danh sách cử tri nơi mình đang thường trú hoặc tạm trú. Cử tri thực hiện việc bỏ phiếu bầu ĐBQH, đại biểu HĐND tại khu vực bỏ phiếu mà mình có tên trong danh sách cử tri. Do đó, trường hợp cử tri là Công an xã hoặc cán bộ, viên chức, công chức (CB, CC, VC) công tác làm việc tại đơn vị hành chính khác với nơi mình đăng ký thường trú thì việc lập danh sách cử tri được thực hiện như sau:

Trường hợp cử tri đang cứ trú tại nơi đăng ký thường trú thì được ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi đăng ký thường trú để tham gia bầu ĐBQH và đại biểu HĐND ở tất cả các cấp.

Trường hợp cử tri đã đăng ký tạm trú tại nơi đang công tác, làm việc khác với nơi đăng ký hộ khẩu thường trú thì có thể đăng ký ghi tên vào danh sách cử tri tại nơi tạm trú để thuận tiện cho việc tham gia bỏ phiếu. Nếu thời gian đăng ký tham gia chưa đủ 12 tháng thì được tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh và đại biểu HĐND cấp huyện nơi mình đang tạm trú. Nếu thời gian đăng ký tạm trú từ đủ 12 tháng trở lên thì được tham gia bầu ĐBQH và đại biểu HĐND ở tất cả các cấp như đối với nơi thường trú.

Trường hợp cử tri là CB, CC, VC trong ngày bầu cử được cử đi công tác tại nơi khác thì để đảm bảo quyền bầu cử của công dân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cử người đi công tác cần tạo điều kiện, bố trí công việc hợp lý để cử tri có thể bỏ phiếu tại nơi đã có tên trong danh sách cử tri (từ 7 - 19h). Trong trường hợp vì lý do công tác mà cử tri không thể về bỏ phiếu tại nơi đã có tên trong danh sách cử tri thì cần chủ động xin giấy chứng nhận của UBND cấp xã nơi mình đăng ký và có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri nơi đến công tác và tham gia bầu ĐBQH, đại biểu HĐND cấp tỉnh tại nơi đến công tác theo quy định tại Điều 34 của Luật Bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND.

2. Về việc xác định số phiếu phát ra

Theo mẫu 34/HĐBC quy định tại Nghị quyết số 41/HĐBCQG của HĐBCQG thì khi kiểm kê việc sử dụng phiếu bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND, tổ bầu cử phải thống kê cụ thể số phiếu nhận về, số phiếu phát ra, số phiếu cử tri đổi do gạch hỏng và số phiếu còn lại không sử dụng đến. Theo đó, tổng số phiếu phát ra cộng với số phiếu cử tri đổi do gạch hỏng và số phiếu còn lại không sử dụng đến phải bằng số phiếu mà tổ bầu cử đã nhận về. Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác và thống nhất khi so sánh tỷ lệ phần trăm (%) số phiếu thu vào với số phiếu phát ra tại các mẫu biên bản xác định kết quả bầu cử thì cách tính số phiếu phát ra sẽ không bao gồm số phiếu cử tri đổi do gạch hỏng.

3. Việc xác định cử tri đã tham gia bỏ phiếu

Theo quy định tại điều 80 của Luật Bầu cử ĐBQH và HĐND các cấp, trường hợp đơn vị bầu cử có số cử tri đi bỏ phiếu chưa đạt quá một nửa tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri thì sẽ phải xem xét, quyết định việc bầu cử lại ở đơn vị bầu cử đó. Do đó, tổ bầu cử có trách nhiệm phân công thành viên theo dõi, kiểm soát chặt chẽ danh sách các cử tri đã tham gia bỏ phiếu. Cụ thể là khi cử tri đến bỏ phiếu, thành viên tổ bầu cử phải kiểm tra thẻ cử tri, đối chiếu với danh sách cử tri, đánh dấu theo dõi số lượng cử tri đi bỏ phiếu vào danh sách cử tri và phát phiếu bầu đã được đóng dấu của tổ bầu cử cho cử tri. Sau khi kết thúc việc bỏ phiếu, tổ bầu cử thống kê số cử tri đã được đánh dấu trong danh sách cử tri để xác định tổng số người đã tham gia bỏ phiếu đối với từng loại bầu cử và tỷ lệ phần trăm cử tri đã tham gia bỏ phiếu so với tổng số cử tri của khu vực bỏ phiếu đó. Nếu tỷ lệ này đạt trên 50% tổng số cử tri ghi trong danh sách cử tri của khu vực bỏ phiếu thì mới chuyển sang bước tiếp theo (niêm phong phiếu bầu chưa sử dụng, phiếu bầu gạch hỏng , kiểm phiếu...).

Lưu ý, số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu đối với mỗi cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND ở từng cấp là khác nhau bởi có cử tri chỉ được bầu ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh, có cử tri được bầu ĐBQH và đại biểu HĐND ở cả 3 cấp. Số lượng cử tri đã tham gia bỏ phiếu phải bằng hoặc hơn tổng số phiếu thu vào (vì có trường hợp cử tri đã nhận phiếu nhưng không bỏ vào hòm phiếu).

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/300/151386/huong-dan-viec-lap-danh-sach-cu-tri-khi-di-bo-phieu-noi-khac,-xac-dinh-so-phieu-phat-ra-va-so-cu-tri-da-bo-phieu.htm