Hướng dẫn viên – 'cầu nối' du khách với điểm đến du lịchTin khácPhát huy tiềm năng về năng lượng tái tạoNghị quyết số 17: Tạo sức bật cho du lịch cộng đồng
Trong hành trình du lịch, du khách sẽ hiểu sâu sắc hơn về giá trị, sự hấp dẫn của điểm đến nếu như có hướng dẫn viên (HDV). HDV được xem là 'cầu nối' giữa du khách với điểm đến du lịch.
Phja Pò là đỉnh cao nhất của dãy Mẫu Sơn (huyện Lộc Bình) còn được gọi là Núi Cha. Trong 2 năm trở lại đây, Phja Pò là điểm leo núi dã ngoại được nhiều du khách trong nước và quốc tế tìm đến trải nghiệm. Tuy nhiên, nếu không có HDV, du khách rất khó để chinh phục và khám phá được hết vẻ đẹp của Núi Cha hùng vĩ.
Anh Đinh Văn Hồng, HDV du lịch nội địa, có kinh nghiệm dẫn các tour du lịch tại Mẫu Sơn cho biết: Trước khi bắt đầu hành trình, nhất là những tour mạo hiểm, du khách cần phải chuẩn bị những vật dụng cần thiết cũng như hiểu biết về điểm đến. Vì thế, khách thường gọi điện trước để tôi tìm hiểu thông tin về thời tiết, đường sá và kết nối, bố trí người dẫn đường, vác đồ… Tôi thường đưa khách lên một đường và về bằng một con đường khác để đảm bảo sức khỏe cho khách và giúp họ khám phá được hết vẻ đẹp của Núi Cha. Nếu tự tổ chức đi thì du khách không thạo đường và thường không lên được đến đỉnh núi.
Không chỉ những tour du lịch mạo hiểm mà với những điểm du lịch nổi tiếng, nằm ngay trung tâm thành phố Lạng Sơn, nếu không có HDV thì du khách cũng khó có thể hiểu hết những giá trị văn hóa, lịch sử và sự hấp dẫn của điểm đến.
Chị Hoàng Thị Vân Nga, du khách đến từ thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình cho biết: Bạn của tôi sinh ra và lớn lên ở thành phố Lạng Sơn nhưng khi đưa tôi đi tham quan các điểm đều rất cẩn thận đăng ký HDV tại điểm để thuyết minh. Tôi thấy điều đó thực sự cần thiết vì khi nghe giới thiệu của HDV thì cả bạn tôi và những người trong đoàn đều hiểu hơn về ý nghĩa văn hóa, lịch sử của các điểm đến.
Thực tế trên cho thấy, HDV du lịch là “cầu nối” quan trọng để kết nối du khách với điểm đến du lịch. Nhận thức được đội ngũ HDV là nhân tố quan trọng trong phát triển du lịch, công tác phát triển đội ngũ này luôn được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VHTTDL) – Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh quan tâm. Ông Hoàng Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở VHTTDL cho biết: Toàn tỉnh hiện có 107 HDV đang hoạt động hướng dẫn tại các doanh nghiệp lữ hành và các khu, điểm du lịch, trong đó có 52 HDV quốc tế, 3 HDV nội địa và 52 HDV tại điểm (hay còn gọi là thuyết minh viên). Để nâng cao chất lượng đội ngũ này, chúng tôi thường xuyên tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ; chuẩn hóa các nội dung hướng dẫn, thuyết minh cơ bản tại các khu, điểm du lịch; thường xuyên tổ chức kiểm tra nghiệp vụ, các hội thi để HDV có ý thức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc.
Được biết, trung bình hằng năm, Sở VHTTDL tổ chức 2 – 3 lớp tập huấn cho HDV. Đồng thời, triển khai thường xuyên các buổi sinh hoạt chuyên môn để đội ngũ HDV rèn luyện nâng cao kỹ năng hướng dẫn cả về nội dung, kỹ năng, tính chuyên nghiệp; cử HDV tham gia các cuộc thi… Bản thân mỗi hướng dẫn viên cũng luôn có ý thức tự nghiên cứu, học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu công việc.
Tiêu biểu, năm 2019, Sở VHTTDL tỉnh tổ chức hội thi HDV du lịch giỏi Việt Bắc thu hút 12 thí sinh đến từ 5 tỉnh tham gia, qua đây giúp HDV có điều kiện giao lưu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn. Từ năm 2020 đến nay, Sở VHTTDL đã cấp 73 thẻ HDV du lịch quốc tế, nội địa và tại điểm. Thông qua các hoạt động này, đội ngũ HDV đã từng bước chuyên nghiệp hóa.
Anh Vũ Hoàng Thái Hà, HDV Công ty Du lịch Xuất nhập khẩu Lạng Sơn: Hơn 18 năm làm HDV tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn, hội thi do Sở VHTTDL, Hiệp hội Du lịch tỉnh, Tổng cục Du lịch tổ chức. Ngoài ra tôi còn dành thời gian tự nghiên cứu để học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, kỹ năng hướng dẫn, phục vụ du khách được tốt hơn.
Cùng đó, các công ty lữ hành cũng thường xuyên quan tâm cấp phát trang thiết bị như: máy chiếu, màn chiếu, máy vi tính, tăng âm, loa đài, mic không dây, loa cầm tay… phục vụ công tác thuyết minh cho các HDV tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh. Qua đó, đã và đang góp phần nâng cao chất lượng hướng dẫn, thuyết minh tại các khu, điểm du lịch.
Được đào tạo cơ bản, đội ngũ HDV trên địa bàn ngày càng say mê công việc, chịu khó học hỏi, tiếp thu nhanh kiến thức mới và có ý thức vươn lên để khẳng định năng lực bản thân, khẳng định vai trò là “cầu nối” quan trọng kết nối du khách với điểm đến du lịch