Hướng dẫn xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường
Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) vừa có văn bản hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục cấp THCS, THPT từ năm học 2024 - 2025. Trao đổi với phóng viên Báo Khánh Hòa, ông Lê Đình Thuần - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết:
- Căn cứ kế hoạch thời gian năm học do UBND tỉnh quyết định và hướng dẫn nhiệm vụ giáo dục trung học hàng năm của Sở GD-ĐT, tình hình thực tế và điều kiện đảm bảo thực hiện chương trình của nhà trường, hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn, hoạt động giáo dục bắt buộc, nội dung giáo dục địa phương bảo đảm tổng số tiết/năm học quy định trong chương trình. Chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học; các trường chủ động bố trí thời gian thực hiện bảo đảm tính khoa học, sư phạm, không gây áp lực đối với học sinh (HS), không bắt buộc phải dạy môn học ở tất cả các tuần, không bắt buộc phải chia đều số tiết/tuần để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, nhân viên. Các trường lưu ý cần thực hiện việc phân công giáo viên, xây dựng kế hoạch và tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp theo đúng hướng dẫn của Sở GD-ĐT tại Công văn số 3147 ngày 25-10-2023 quy định về các nội dung này.
- Các trường THPT đang tổ chức cho HS chuẩn bị vào lớp 10 chọn tổ hợp môn và chỉ đưa ra một số tổ hợp nhất định chứ không có đầy đủ tất cả các tổ hợp theo mong muốn của từng HS. Vậy chỉ đạo của sở đối với vấn đề này như thế nào, thưa ông?
- Đối với các môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn ở cấp THPT, sở yêu cầu nhà trường xây dựng một số tổ hợp gồm 4 môn học từ nhóm môn học lựa chọn trong chương trình và xây dựng một số tổ hợp 3 cụm chuyên đề của 3 môn học trong chương trình phù hợp với khả năng tổ chức của trường. Đồng thời, xây dựng phương án tổ chức cho HS đăng ký lựa chọn và tổ chức thực hiện để vừa đáp ứng nhu cầu của HS, vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên (bảo đảm định mức giờ dạy theo quy định của giáo viên trong nhà trường), cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
- Những năm gần đây, ở nhiều trường THCS và THPT, giáo viên đều yêu cầu HS trang bị điện thoại di động để phục vụ việc học. Điều này có đúng không, thưa ông?
- Việc trang bị điện thoại di động để phục vụ học tập là không bắt buộc đối với HS. Việc cho phép HS sử dụng điện thoại di động trong lớp để hỗ trợ việc học do giáo viên trực tiếp giảng dạy môn học quyết định; được giáo viên hướng dẫn cụ thể trong các hoạt động đã được thiết kế trong kế hoạch bài dạy sao cho không yêu cầu tất cả HS phải có điện thoại để sử dụng và bảo đảm yêu cầu phù hợp với nội dung học tập. Giáo viên cần thông báo cụ thể, yêu cầu HS chỉ được sử dụng điện thoại như là một thiết bị hỗ trợ việc học, lưu ý những điều HS không được làm khi sử dụng điện thoại trên lớp, trong giờ học.
- Thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, Bộ GD-ĐT đã thay đổi quy định về đánh giá HS trung học. Vậy sở chỉ đạo như thế nào để các trường thực hiện đánh giá đúng và công bằng giữa các HS?
- Thông tư số 22/2021 của Bộ GD-ĐT quy định về đánh giá HS THCS và HS THPT có nhiều thay đổi trong đánh giá HS THCS, THPT đã được áp dụng từ năm học 2021 - 2022, song song với lộ trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chẳng hạn như: Kết quả học tập của HS từng kỳ và cả năm học được đánh giá theo 4 mức gồm: Tốt, khá, đạt, chưa đạt; khen thưởng cuối năm học chỉ có danh hiệu “HS xuất sắc” (đối với HS có kết quả rèn luyện, học tập ở mức tốt, có ít nhất 6 môn học đạt 9 điểm trở lên), “HS giỏi” (dành cho HS có kết quả học tập, rèn luyện ở mức tốt và có 6 môn đạt 8 điểm trở lên, các môn còn lại trên 6,5 điểm), khen HS có thành tích đột xuất trong rèn luyện và học tập, thành tích đặc biệt… Sở GD-ĐT yêu cầu các trường thực hiện việc kiểm tra, đánh giá thường xuyên thông qua nhiều hình thức khác nhau, như: Hỏi đáp, viết, thực hành, thí nghiệm, thuyết trình, sản phẩm học tập. Đối với mỗi hình thức, khi đánh giá bằng điểm số phải thông báo trước cho HS về các tiêu chí đánh giá và định hướng cho HS tự học; chú trọng đánh giá bằng nhận xét quá trình và kết quả thực hiện của HS. Đối với bài kiểm tra định kỳ, các tổ chuyên môn xây dựng ma trận, đặc tả đề kiểm tra, đánh giá định kỳ của các môn ở từng khối lớp với ngân hàng câu hỏi tự luận và câu hỏi trắc nghiệm khách quan theo 4 mức độ yêu cầu: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao. Đối với bài thực hành, dự án học tập, phải nêu rõ các tiêu chí cụ thể để đánh giá. Khi tổng hợp nhận xét, đánh giá cuối học kỳ và cả năm học, khuyến khích giáo viên hướng dẫn và giao cho HS viết tự nhận xét về ưu điểm, hạn chế, sự tiến bộ của bản thân trong học tập, rèn luyện đối với từng môn học cuối mỗi học kỳ; căn cứ vào kết quả đánh giá thường xuyên và định kỳ, giáo viên tổng hợp đưa ra nhận xét, đánh giá để HS hoàn thiện, chỉnh sửa và gửi cho cha mẹ HS. Đối với các môn học đánh giá bằng nhận xét, giáo viên tổng hợp nhận xét cuối mỗi học kỳ và cả năm học được thông báo cho từng HS và ghi vào học bạ.
- Trên cơ sở thực tiễn việc triển khai kế hoạch giáo dục ở các trường những năm qua, Sở GD-ĐT có lưu ý gì với các trường?
- Các trường cần tiếp tục đổi mới công tác quản lý; giảm hồ sơ, sổ sách; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; tạo môi trường làm việc sáng tạo cho giáo viên. Các phòng GD-ĐT cần tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch giáo dục nhà trường của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý. Sở GD-ĐT cũng sẽ tiến hành thanh tra, kiểm tra để kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
- Xin cảm ơn ông!