Hướng dẫn xử lý trường hợp đóng trùng BHXH

Bà Thu Thủy (Hà Nội) làm việc tại công ty A từ tháng 6/2014. Ngày 14/8/2014, bà nghỉ việc không lương. Ngày 19/8/2014, bà làm việc tại công ty B và đến năm 2020 thì nghỉ việc. Sau khi nghỉ việc tại công ty B bà Thủy mới biết công ty A vẫn đóng tiếp BHXH cho bà các tháng 9, 10/2014.

Cả hai công ty đều không giảm trừ thời gian đóng trùng BHXH của bà Thủy nên sổ BHXH của bà không có giá trị. Bà Thủy hỏi, giờ bà phải làm thế nào để giải quyết?

Về vấn đề này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam trả lời như sau:

Căn cứ quy định tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 21; Khoản 1, Điều 98 Luật BHXH số 58/2014/QH13, đơn vị sử dụng lao động có trách nhiệm đóng BHXH theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại Khoản 1, Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ BHXH; phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật; người sử dụng lao động phải thông báo với cơ quan BHXH khi có thay đổi thông tin tham gia BHXH.

Vì vậy, trường hợp bà nghỉ việc (không làm việc, không hưởng tiền lương) từ ngày 14/8/2014, nhưng công ty (cũ) vẫn đóng BHXH đối với bà từ tháng 9/2014 đến tháng 10/2014 là không đúng quy định của pháp luật.

Đề nghị bà liên hệ và yêu cầu công ty (cũ) lập hồ sơ gửi cơ quan BHXH để truy giảm và xác nhận thời gian tham gia BHXH, BHTN đối với bà theo đúng quy định.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/huong-dan-xu-ly-truong-hop-dong-trung-bhxh-102220825150128286.htm