Hướng đến có ít nhất 3 HTX lọt top 300 HTX lớn nhất thế giới vào năm 2045
Không ít HTX ở Việt Nam đang lớn mạnh cả về chất và lượng. Đây được coi là những 'con sếu đầu đàn' để kéo mô hình kinh tế tập thể (KTTT), HTX ở Việt Nam phát triển và trở thành những mô hình vươn tầm thế giới trong tương lai.
Báo cáo của Liên minh HTX Quốc tế công bố năm 2023 cho thấy, 300 HTX lớn nhất thế giới đang hoạt động tại 27 quốc gia. Tổng doanh thu năm 2021 của 300 HTX này là 2.409 tỷ USD.
Tăng niềm tin từ mô hình “trọng nhân”
Nếu so sánh với GDP của Việt Nam cùng thời điểm đó, tổng doanh thu của 300 HTX này cao gấp 7,2 lần (GDP của Việt Nam năm 2021 là 336,1 tỷ USD).
Một trong những mô hình HTX tiêu biểu trong 300 HTX trên là Liên hiệp HTX Nông nghiệp Nonghyup (National Agricultural Cooperative Federation - NACF) ở Hàn Quốc, khi dẫn đầu các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Với quy mô lên đến 2,1 triệu thành viên, có 27.865 người lao động và đạt doanh thu là 61,17 tỷ USD7, Nonghyup đang đứng thứ 4 trong danh sách 300 HTX khổng lồ trên thế giới.
Ở Việt Nam, nhãn hiệu sữa Cô gái Hà Lan quen thuộc với rất nhiều người, có mặt hầu như khắp 3 miền đất nước, được bày bán trong các siêu thị lớn đến các tiệm tạp hóa, từ thành thị đến vùng quê. Nhưng ít ai biết rằng đây là một trong những sản phẩm của HTX Hoàng Gia FrieslandCampina ở Hà Lan (khi HTX được 100 tuổi thì nhận được danh hiệu Hoàng Gia).
HTX Hoàng Gia FrieslandCampina xếp hạng 44 trong danh sách 300 HTX lớn trên thế giới, do 11.110 nông dân nuôi bò sữa đồng sở hữu, có 23.783 nhân viên làm việc trên 100 quốc gia và đạt doanh thu là 13,6 tỷ USD.
Nhìn vào những con số này có thể thấy, với tính chất đa dạng và hoạt động ở nhiều lĩnh vực, khu vực HTX đóng góp đáng kể vào việc đạt được các Mục tiêu Phát triển Bền vững do Liên Hợp quốc vạch ra. Những mô hình HTX tiêu biểu thế giới đang góp phần gia tăng niềm tin của mọi người về mô hình kinh doanh “trọng nhân”, lấy con người làm trọng tâm, được xây dựng trên tinh thần hợp tác, liên kết.
Tại Việt Nam, hiện chưa có HTX, Liên hiệp nào lọt vào top 300 HTX lớn trên thế giới. Tuy nhiên, nhìn từ thực tiễn có thể thấy, cũng có không ít HTX đang khẳng định được vị thế, vai trò của mình trong nền kinh tế.
Điển hình là Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) với hệ thống phân phối, bán lẻ rộng khắp cả nước. Saigon Co.op đã thực kiện ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác với các địa phương, đối tác, HTX trên cả nước. Chỉ trong năm 2023, Saigon Co.op đạt doanh thu gần 30.000 tỷ đồng.
Tại Hải Dương, HTX Xuyên Việt đã phát triển 136 ha nuôi trồng thủy sản, mỗi năm cung cấp ra thị trường gần 10 nghìn tấn cá. Song song đó, Xuyên Việt cũng đang thực hiện các công đoạn như ương dưỡng giống và nuôi trồng thủy sản, đến chế biến sâu các sản phẩm thủy sản. Hiện tại, HTX đã có hơn 10 siêu thị thực phẩm mang thương hiệu Cocofood. Doanh thu hàng năm đều trên 70 tỷ đồng.
Những mô hình lớn mạnh như Xuyên Việt, Saigon Co.op… được đánh giá sẽ là nền tảng để thúc đẩy KTTT, HTX ở Việt Nam phát triển, thậm chí trở thành những mô hình vươn tầm thế giới.
Cần coi trọng yếu tố cộng đồng
Nghị quyết số 20-NQ/TW nêu rõ, mục tiêu đến 2045, Việt Nam phấn đấu thu hút 20% dân số tham gia vào các tổ chức KTTT; có ít nhất 3 tổ chức KTTT của Việt Nam lọt vào top 300 HTX lớn nhất thế giới do Liên minh HTX quốc tế công nhận.
Để làm được điều này, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, cho rằng các nhà quản lý cần xem xét để có kế hoạch phù hợp. Cụ thể là nên đầu tư, hỗ trợ để KTTT, HTX phát triển về số lượng hay chất lượng.
“Theo tôi, việc nâng chất mô hình HTX quan trọng hơn, bởi nếu cứ tập trung vào số lượng thì khó có thể tập trung nâng cao chất lượng HTX. Khi chất lượng HTX tăng thì sẽ giúp đưa đóng góp của khu vực KTTT, HTX vào GDP cả nước tăng”, TS Võ Trí Thành cho biết.
Đặc biệt, để có những HTX nổi bật về chất lượng, hướng đến mục tiêu ít nhất 3 tổ chức KTTT của Việt Nam lọt vào top 300 HTX lớn nhất thế giới, cần phải xác định HTX chính là nhân tố hữu cơ của nông thôn mới và phải nâng cao được năng lực cho HTX. Muốn vậy, người lãnh đạo HTX cũng phải được lựa chọn là người giỏi nhất mới có thể thúc đẩy mô hình này phát triển.
Kinh nghiệm ở Israel cho thấy, ở mỗi làng, xã, thị trấn đều thực hiện lựa chọn những người giỏi nhất tại địa phương làm người lãnh đạo HTX, từ đó giúp các HTX ở đất nước này không ngừng phát triển, đặc biệt là thích ứng với sự phát triển của khoa học công nghệ. Và thực tế những HTX đang phát triển ở Việt Nam như Xuyên Việt, Sunfood Đà Lạt, Thanh Bình… cũng đã chứng minh được điều này bởi có những “người lái thuyền” tài ba, năng động.
TS Võ Kim Sa, Phó hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn 2, cho biết HTX được hình thành trên nền tảng “đối nhân”, chịu trách nhiệm hữu hạn trên phạm vi vốn góp và vận hành trên cơ sở bình đẳng công bằng, tương thân tương ái, “không để ai bị bỏ lại phía sau” vì một thế giới tốt đẹp hơn.
HTX thành công không phải chỉ cần có doanh thu lớn, nộp thuế nhiều, có lợi nhuận cao. Những chỉ số này rất quan trọng nhưng chưa phải là thước đo toàn diện cho thành công của HTX. Chính vì vậy, để có những HTX lớn mạnh, vươn tầm thế giới, việc nâng cao năng lực cho HTX cần chú trọng khía cạnh đặc biệt này.
Ngay như các HTX lọt top 300 HTX lớn mạnh nhất thế giới hiện nay đều chú trọng, quan tâm đến yếu tố xã hội, tính phát triển bền vững. Cụ thể tại HTX Hoàng Gia FrieslandCampina ở Hà Lan đã luôn hướng đến “Một hành tinh xanh”. HTX điều chỉnh một số hoạt động để giảm thiểu khí phát thải nhà kính tại các nông trại nuôi bò sữa, trong quá trình bảo quản và chế biến sữa, trong hoạt động lưu thông và phân phối sữa và cả trong việc tái chế, tái sử dụng bao bì, hộp đựng sữa.
Đây là những điển hình để Việt Nam tham khảo trong việc xây dựng tầm nhìn, chiến lược phát triển, phương thức tổ chức quản lý kinh doanh trong khi vẫn giữ vững bản chất của HTX.
Đồng tình với quan điểm này, PGS. TS. Bùi Thị Nga, Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng không chỉ mô hình HTX nông nghiệp ở Nhật Bản hay mô hình Kibbutz và Moshav ở Israel chú trọng thực hiện các hoạt động an sinh xã hội trong khu vực nông thôn của mình như các dịch vụ bảo hiểm, phúc lợi xã hội, phúc lợi hưu trí…, mà hầu như tất cả các HTX thành công trên thế giới đều hướng tới việc thực hiện các hoạt động dịch vụ này.
Đây có thể là chất keo kết gắn cộng đồng cư dân nông thôn với nhau trong các hoạt động kinh tế của khu vực nông thôn, làng xã. Nhiều khi những hoạt động cộng đồng lại là phương tiện hữu hiệu, là con đường ngắn nhất dẫn đến các thành công về mặt kinh tế của các HTX ở địa phương. Các hoạt động này có thể dẫn đến những thành công khó ngờ tới mà các HTX lọt top lớn mạnh nhất trên thế giới đã làm được trong thời gian qua.