Hướng đến du lịch xanh

Lâm Hà - 'vùng đất hứa' với sự ưu đãi của thiên nhiên, nơi giao thoa nền văn hóa của đồng bào các dân tộc đã từng bước đánh dấu tên tuổi của mình trên 'bản đồ' du lịch với các loại hình thu hút hàng ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến trải nghiệm mỗi năm.

Khu du lịch Chuồn Chuồn tại xã Mê Linh

Khu du lịch Chuồn Chuồn tại xã Mê Linh

“LÀNG DU LỊCH” ĐAM PAO

Đến thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn) bây giờ, hình ảnh những người phụ nữ cần mẫn bên khung dệt trước hiên nhà không còn là hiếm. Bởi du lịch đã tạo công ăn việc làm cho bà con trong những ngày nhàn rỗi, thậm chí, các em học sinh cũng có thể tranh thủ những ngày nghỉ hè để có thể phụ giúp, đồng thời duy trì và gìn giữ nghề truyền thống bao đời của các bà, các mẹ.

Được UBND tỉnh Lâm Đồng công nhận là làng nghề truyền thống dệt thổ cẩm từ năm 2012, sau ngần ấy năm gắn với du lịch cộng đồng, Đam Pao vẫn thuần túy với nét văn hóa đậm đà bản sắc của người đồng bào dân tộc Cil. Dẫu vậy, họ cũng dễ dàng đón nhận với ngôn ngữ, văn hóa, phong cách của du khách thập phương khi ghé chân.

Chiều muộn. Trước hiên nhà nhỏ, nghệ nhân Đơng Gur K'Chăng tỉ mẩn trong từng động tác, thoăn thoắt đôi tay bên khung cửi. Đã mấy chục năm trôi qua, người nghệ nhân ấy vẫn giữ vẹn nguyên một tình yêu với thổ cẩm. Thông qua những câu chữ phiên dịch của đứa cháu gái, bà K’Chăng bảo rằng, xưa kia, người Cil phát hiện ra cây bông vải mọc trong rừng rồi mang về tìm hiểu và làm nên tấm thổ cẩm. Để sản phẩm dệt có sắc màu phong phú như thế, người Cil đã tự sáng tạo ra cách nhuộm màu. Họ phải cất công đi tìm những nguyên liệu là các cây tạo màu sẵn có trong tự nhiên từ những hòn đá cuội dưới suối... Càng về sau, người Cil tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong chế biến và nhuộm màu cho sợi bông, nhờ đó bảng màu sợi dệt của đồng bào càng phong phú hơn nhờ trao đổi sợi bông với các dân tộc khác và sợi chỉ, sợi len ngoài thị trường.

Bà Kenren - một du khách người Israel chia sẻ: “Tôi rất thích du lịch ở đây. Không khí trong lành, con người thân thiện. Họ vẫn giữ được những nét độc đáo của người đồng bào ở đây. Tôi thích xem và trải nghiệm những công đoạn làm nên một tấm thổ cẩm. Không chỉ tôi mà bạn bè trong đoàn đã nói với nhau rằng họ cảm thấy khá thú vị với những trải nghiệm và để lại ấn tượng rất tốt”.

Thôn Đam Pao hiện có 487 hộ với 2.390 nhân khẩu; trong đó người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên là 212 hộ với 1.084 nhân khẩu, chiếm 45,3% dân số. Ông Nguyễn Văn Thu - Trưởng thôn Đam Pao tâm sự: “Chúng tôi chú trọng đến cảm xúc của du khách nên thường xuyên sinh hoạt, gắn bó, thống nhất với cộng đồng, đặc biệt là những người có uy tín, già làng trong thôn để họ duy trì, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống. Bà con thực hành thường xuyên để du khách có những trải nghiệm mới từ nghề truyền thống, văn hóa, nhịp sống ở địa phương”.

Làng nghề dệt thổ cẩm Đam Pao mỗi năm sản xuất trên 5.000 sản phẩm, đón trên 2.000 khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan. Để kích cầu du lịch, thôn tích cực tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại các sự kiện lớn do tỉnh Lâm Đồng và huyện Lâm Hà tổ chức... Ông Lê Tàu - Bí thư Đảng ủy xã Đạ Đờn cho hay: “Du lịch cộng đồng tại khu vực đồng bào DTTS luôn có sức hấp dẫn đối với du khách. Thông qua việc gắn khai thác các giá trị văn hóa đặc trưng vùng DTTS sẽ góp phần phát huy di sản văn hóa dân tộc, tạo nguồn lực phát triển kinh tế và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Ở đó, mỗi người sẽ có cách làm khác nhau, nhưng họ đều có chung một niềm đam mê gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Và bà con Đam Pao, họ phát triển du lịch một phần là để phát triển kinh tế, phần còn lại họ cùng có chung giấc mơ để hiện thức hóa giấc mơ thúc đẩy, phát triển du lịch từ chính những bản sắc văn hóa ấy”.

Nghệ nhân Đơng Gur K'Chăng sử dụng sợi tơ làm từ bông mọc trong rừng

Nghệ nhân Đơng Gur K'Chăng sử dụng sợi tơ làm từ bông mọc trong rừng

THIẾT LẬP “BẢN ĐỒ” DU LỊCH

Tọa lạc trên độ cao trung bình 1.000 m so với mặt biển, Lâm Hà có địa hình chia cắt tạo nên nhiều thắng cảnh thiên nhiên, hệ sinh thái phong phú, đa dạng như thác Voi, hệ thống thủy lợi Đạ Đờn, hồ thủy điện Đồng Nai 2, Đồng Nai 3, thác Mưa Bay - Phú Sơn... Bên cạnh đó, là địa phương giáp TP Đà Lạt, gần sân bay Liên Khương và hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp. Ngoài ra, địa phương có tài nguyên du lịch văn hóa đa dạng về văn hóa bản địa và văn hóa các vùng, miền, các dân tộc, đồng thời, trong những năm gần đây, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện phát triển là điều kiện thuận lợi để kích cầu phát triển du lịch. Hiện, huyện Lâm Hà đã và đang phát triển được một số loại hình du lịch như tham quan các danh lam, thắng cảnh, du lịch sinh thái; du lịch thể thao mạo hiểm; du lịch canh nông; du lịch làng nghề... trong đó du lịch canh nông là loại hình có tiềm năng, thế mạnh du lịch của huyện.

Theo bà Chế Phương Nam - Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Hà: “Trong những năm qua, huyện Lâm Hà đã đầu tư và phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Đặc biệt là xây dựng các đặc trưng văn hóa của mỗi vùng, miền mang đậm dấu ấn văn hóa Việt. Qua đó, tăng cường đầu tư kết nối và phát huy vai trò của cộng đồng và văn hóa cộng đồng trong phát triển du lịch văn hóa. Với những lợi thế tự nhiên sẵn có, Lâm Hà đang nổi bật một số tour, tuyến, loại hình và điểm du lịch đã được hình thành, đầu tư, phát triển như tuyến du lịch Đà Lạt - Tà Nung - Nam Ban; làng dân tộc và dệt thổ cẩm thôn Đam Pao (xã Đạ Đờn); du lịch tham quan trải nghiệm chế biến cà phê, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng…, lượng khách du lịch hàng năm tăng với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt trên 20%, doanh thu ngành Du lịch chiếm 2,1% giá trị ngành dịch vụ”.

Ông Đinh Đức Chí - Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà cho biết, trong những năm qua, huyện đã xây dựng nghị quyết, chương trình hành động nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và xác định rõ các nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ thường xuyên trong Nghị quyết số 18 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch chất lượng cao đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm tổ chức triển khai thực hiện để khai thác và phát huy có hiệu quả các sản phẩm du lịch phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Sau khi ban hành đã tạo sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân để du lịch thực sự trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế của địa phương. Từ đó từng bước đưa Lâm Hà trở thành điểm đến hấp dẫn, kết nối du lịch với các địa phương trong tỉnh, nhất là với TP Đà Lạt.

“Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch của địa phương. Đồng thời chú trọng phát huy vai trò cộng đồng dân cư trong việc tham gia các loại hình du lịch, trong đó địa phương tập trung phát triển du lịch theo hướng bền vững đi đôi với việc bảo tồn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa các vùng, miền các dân tộc, kết hợp với việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, cảnh quan và môi trường, qua đó xây dựng hình ảnh con người Lâm Hà với đặc trưng: “Văn minh - Thanh lịch”, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà nhấn mạnh.

THÂN THU HIỀN

Nguồn Lâm Đồng: https://baolamdong.vn/du-lich/202501/huong-den-du-lich-xanh-81a1f30/