Hướng đến nền nông nghiệp bền vững
Năm 2022, ngành nông nghiệp Hà Nội đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng từ 2,5 - 3%. Định hướng phát triển của thành phố là tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao, an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững. Trong đó, ưu tiên các mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông sản sạch, nông nghiệp hữu cơ, sản phẩm OCOP.
Đẩy mạnh sản xuất hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao
Theo thông tin từ Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới (NTM) Hà Nội, đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có 5.044ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... cùng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15 - 20% so với phương thức sản xuất truyền thống, góp phần giảm nhân công lao động và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Thực tế, các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thiết bị thông minh đã xuất hiện ở hầu hết các quận, huyện, chủ yếu trong khâu quản lý, điều khiển môi trường nuôi trồng. Điển hình là HTX Rau quả sạch Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) đã lắp đặt hệ thống trạm quan trắc thời tiết thông minh iMetos 3.3 A-G, làm căn cứ để nông dân xây dựng kế hoạch chăm sóc, bảo vệ rau, quả. Ngoài ra, HTX đầu tư lắp đặt 10 camera tại đồng ruộng, kết nối với máy tính, điện thoại thông minh giúp Ban Giám đốc dễ dàng quản lý vùng sản xuất theo quy trình. Mỗi ngày, HTX thu hoạch gần 2 tấn rau quả sạch mà không lo ảnh hưởng bởi thời tiết.
Nhiều địa phương trên địa bàn thành phố cũng đưa vào ứng dụng hệ thống quản lý chất lượng, bảo đảm nông sản an toàn (PGS), đem lại hiệu quả thiết thực. Tại huyện Thạch Thất, người dân đã áp dụng mô hình PGS trên 200ha diện tích đất canh tác rau an toàn. Theo Trưởng Phòng Kinh tế huyện Hoàng Chí Lượng, các hộ sản xuất rau theo mô hình PGS đều có thu nhập từ hơn 300 triệu đồng đến hơn 440 triệu đồng/ha/năm. Sản phẩm khi được đưa ra thị trường bảo đảm các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Quan trọng nhất là giúp bà con nông dân nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao tính tự giác và trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng nông sản, hướng đến mục tiêu sản xuất nông nghiệp bền vững.
Cùng với đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, thời gian qua, Hà Nội đang tích cực triển khai các mô hình sản xuất hữu cơ và ban hành 10 quy trình kỹ thuật về sản xuất rau hữu cơ cho một số loại rau chính, trên nguyên tắc không sử dụng chất hóa học tổng hợp, tuyệt đối không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thuốc kích thích sinh trưởng, các vật liệu biến đổi gene… Có thể kể đến một số mô hình tiêu biểu như: Trang trại Hoa Viên (Thạch Thất), HTX lúa gạo xã Đồng Phú (Chương Mỹ), HTX rau cần Khai Thái (Phú Xuyên)…
Theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, Hà Nội là thị trường có sức tiêu thụ nông sản rất lớn. Bên cạnh đó, người tiêu dùng ngày càng có nhu cầu cao đối với các sản phẩm nông sản hữu cơ, có chứng nhận bảo đảm an toàn thực phẩm. Do đó, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, phát triển các mô hình sản xuất hữu cơ là hướng phát triển bền vững ngành nông nghiệp đang thực hiện nhằm tạo sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng cũng như góp phần bảo vệ môi trường.
Mở rộng các vùng sản xuất tập trung
Cũng theo Phó Chánh Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình NTM Hà Nội Nguyễn Văn Chí, để thực hiện tốt định hướng xây dựng nền nông nghiệp phát triển bền vững, năm 2022, Hà Nội đặt mục tiêu tiếp tục mở rộng các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh tập trung, quy mô lớn. Đây cũng là điều kiện tiên quyết để các địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, áp dụng các phương pháp hữu cơ vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng nông sản. Theo thống kê của Sở NN - PTNT, đến nay, trên địa bàn thành phố đã hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: vùng sản xuất lúa chất lượng cao cho thu nhập tăng 25 - 30% so với sản xuất lúa truyền thống; vùng sản xuất rau an toàn đạt từ 400 triệu đồng đến 1,2 tỷ đồng/ha/năm...
Mặc dù đã xây dựng được nhiều vùng sản xuất tập trung với hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp ở một số địa phương vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh. Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết: thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục đầu tư cho các vùng nông nghiệp hàng hóa đã hình thành theo hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, nghiên cứu cơ chế, chính sách phát triển, mở rộng các vùng chuyên canh tập trung, vùng nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Đồng thời, Sở NN - PTNT Hà Nội sẽ phối hợp với các ngành chức năng và địa phương tiếp tục rà soát, đánh giá để bổ sung, hoàn thiện các quy hoạch liên quan đến sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đẩy nhanh việc ứng dụng công nghệ vào sản xuất.
Nhằm thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững trong giai đoạn tới, Giám đốc Sở NN - PTNT Hà Nội cũng đề nghị các bộ, ngành tham mưu Quốc hội, Chính phủ sửa đổi Luật Đất đai để có quy định cụ thể về tích tụ, tập trung ruộng đất; có các cơ chế, chính sách thông thoáng trao quyền chủ động cao hơn cho người dân được giao đất, thuê đất tạo điều kiện cho phát triển sản xuất hàng hóa chuyên canh quy mô lớn.
_____
Trang thông tin có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới thành phố Hà Nội