Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại; bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Sáng 15/1, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021. Đến dự hội nghị có các đồng chí Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh và TS Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương và toàn ngành NN&PTNT tỉnh.

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị

Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT chủ trì hội nghị

* 7 kết quả nổi bật

Ông Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu chính của ngành năm 2020. Cụ thể: Tăng trưởng GRDP toàn ngành ước đạt khoảng 4,38% so với năm 2019 (kế hoạch 5 -5,5%), tương ứng tổng sản phẩm ước đạt 25.335 tỷ đồng. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp: trồng trọt 80,54%, chăn nuôi 17,02%, dịch vụ 2,44%.

Giá trị sản xuất bình quân/ha đạt 185,6 triệu đồng, tăng 3,4% so với năm 2019. Diện tích sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đạt 60.228 ha, tăng 2.571 ha so với năm 2019, tương ứng 20,08% diện tích canh tác toàn tỉnh. Thực hiện chuyển đổi, cải tạo 16.515 ha sản xuất kém hiệu quả, trong đó 7.488 ha cà phê. Giảm được 6.069 ha đất canh tác kém hiệu quả, đưa diện tích canh tác có giá trị dưới 50 triệu đồng còn khoảng 55.831 ha, chiếm 18,6% diện tích canh tác.

Toàn tỉnh hiện có 165 chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ, tăng 20 chuỗi liên kết, có 5,2 % số hộ tham gia liên kết, sản lượng tiêu thụ qua chuỗi tăng 16% so với năm 2019. Phát triển mới 48 hợp tác xã, nâng tổng số hợp tác xã nông nghiệp toàn tỉnh đạt 312 hợp tác xã.

Thực hiện phân hạng và công nhận 15 sản phẩm, trong đó có 9 sản phẩm đạt hạng 4 sao; 5 sản phẩm đạt hạng 3 sao và 1 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Đến nay, toàn tỉnh đã có 62 sản phẩm OCOP. Hiện Sở đã trình UBND tỉnh công nhận thêm 65 sản phẩm.

Diện tích được tưới đạt 132.086 ha (chiếm 65% diện tích cần tưới), trong đó diện tích được tưới từ công trình thủy lợi đạt 57.649 ha (45.649 ha từ công trình tập trung, 12.000 ha từ công trình thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng). Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh 90%, nước sạch 27,5%.

Số vụ vi phạm Luật Bảo vệ & phát triển rừng giảm 7%; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 21%; khối lượng lâm sản thiệt hại cả năm giảm 36% so với năm 2019. Độ che phủ rừng đạt 55%.

Có thêm 9 xã đạt 19/19 tiêu chí Nông thôn mới và 2 huyện đạt chuẩn Nông thôn mới; đến hết năm 2020 toàn tỉnh có 104/111 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 5 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thành phố Đà lạt, Bảo Lộc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới.

Định hướng hoạt động năm 2021, để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành xác định “Hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, chủ động tích cực ứng phó thiên tai dịch bệnh và biến đổi khí hậu, khôi phục, bảo vệ và phát triển rừng bền vững; tiếp tục xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu”.

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Hoàng Huy Liệu –Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp và ông Nguyễn Văn Sơn - Giám đốc Sở NN&PTNT trao Huân chương Lao động hạng Ba cho ông Hoàng Huy Liệu –Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh

* Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Hiệp phát biểu chỉ đạo về phương hướng, giải pháp của ngành NN&PTNT thời gian tới: Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại giai đoạn 2021-2025; tiếp tục cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của tỉnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Thúc đẩy phát triển sản xuất hàng hóa ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, hữu cơ theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất, nâng cao năng suất lao động nông nghiệp.

Nâng cao năng lực dự báo thị trường; hướng dẫn, điều chỉnh quy mô sản xuất, cân đối cung cầu phù hợp với nhu cầu của thị trường; hướng dẫn và cấp mã số vùng trồng, nâng cao chất lượng, sản lượng các loại nông sản chính để gia tăng xuất khẩu nông sản, duy trì các thị trường truyền thống, phát triển thị trường mới.

Thực hiện chuyển giống và cơ cấu cây trồng vật nuôi, đầu tư thâm canh tăng năng suất để giảm diện tích có giá trị dưới 50 triệu đồng/ha; phát triển chuỗi liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm có quy mô lớn gắn với sản xuất đạt chứng nhận (Việt GAP, Viet GHAP, Global GAP, hữu cơ...).

Tiếp tục đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh phù hợp; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, có kế hoạch giao cho các lãnh đạo, cơ quan có kế hoạch hành động cụ thể để triển khai thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTAs) trong lĩnh vực nông nghiệp đến tận người nông dân.

Đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; ưu tiên thực hiện tiêu chí về thu nhập, phát triển sản xuất, cảnh quan, môi trường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, phát triển chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tăng thu nhập cho người dân.

Tổ chức phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh ở cây trồng, vật nuôi có hiệu quả để ổn định sản xuất; tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp chủ động ứng phó với nguy cơ hạn hán, đảm bảo nước tưới cho sản xuất và nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm 2021. Chủ động phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai; thích ứng với biến đổi khí hậu, nhất là ngập lụt, sạt lở bờ sông; rà soát, đánh giá, kịp thời đầu tư nâng cấp, sữa chữa những hư hỏng các công trình cấp công trình nước sinh hoạt nông thôn tập trung; công trình thủy lợi để vận hành có hiệu quả; đảm bảo các chỉ số đầu ra.

Quản lý chặt chẽ chất lượng vật tư nông nghiệp (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, thủy sản,…); quản lý, giám sát sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, chất lượng và truy xuất nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.

Lãnh đạo UBND huyện Di Linh phát biểu thảo luận, đề xuất, kiến nghị tại hội nghị

Lãnh đạo UBND huyện Di Linh phát biểu thảo luận, đề xuất, kiến nghị tại hội nghị

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; quan tâm hơn nữa công tác đào tạo cán bộ chuyên môn tại cơ sở và người nông dân; cán bộ ngành nông nghiệp phải sâu sát hơn với thực tiễn và người nông dân; phương pháp tiếp cận nông dân phù hợp với tình hình phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 trong nông nghiệp. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực nông nghiệp, tiếp tục cải thiện, nâng cao vị trí xếp hạng qua các năm tiếp theo.

Tiếp tục thực hiện quyết liệt sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh về tăng cường thực hiện công tác QLBVR trên địa bàn tỉnh. Cụ thể: Lãnh đạo Sở, lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm, lãnh đạo UBND cấp huyện, cấp xã phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, đi đầu trong công tác tham mưu, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện công tác QLBVR. Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”. Tiếp tục thực hiện các biện pháp, giải pháp để giảm (từ 10 -15% so với cùng kỳ) số vụ vi phạm và thiệt hại đến tài nguyên rừng; tập trung thực hiện công tác trồng rừng, khôi phục rừng trên địa bàn. Kiên quyết xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có vi phạm, sai phạm trong công tác QLBVR, siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công tác QLBVR; kịp thời chỉ đạo huy động tổng hợp các lực lượng chức năng để kiểm tra, ngăn chặn, điều tra, xử lý vi phạm theo quy định. Tiếp tục cập nhật theo dõi diễn biến tài nguyên rừng trên địa bàn theo quy định. Trước mắt, chỉ đạo lực lượng tập trung tuần tra, kiểm tra phát hiện xử lý ngay tình trạng cháy rừng, phá rừng, khai thác, vận chuyển lâm sản trái pháp luật; kiểm tra, xử lý tình trạng buôn bán, sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã ngay trong dịp trước, trong và sau tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Về kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp hướng toàn diện, bền vững hiện đại giai đoạn 2021-2025, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị toàn ngành cần tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, hình thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phát huy tối đa lợi thế cạnh tranh của tiều vùng, của tỉnh; giảm diện tích dưới 50 triệu đồng/ha/năm; nâng cao giá trị, hiệu quả sản xuất sản xuất. Phát triển liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm đi vào thực chất để tăng quy mô nông sản tiêu thụ qua chuỗi liên kết bền vững. Ngành NN&PTNT phối hợp với ngành Công Thương và ngành để có giải pháp cụ thể tăng sản lượng và giá trị xuất khẩu nông sản của tỉnh.

Thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng; triển khai có hiệu quả đề án “Tăng cường quản lý, ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm rừng và đất lâm nghiệp, khôi phục và phát triển rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030”; chú nâng cao sinh kế cho người dân sống gần rừng. Đánh giá chính xác, đúng thực tế hiện trạng cơ cấu lại ngành nông nghiệp năm 2020 theo Bộ Tiêu chí giám sát đánh giá cơ cấu lại ngành nông nghiệp đến năm 2020 của Bộ NN&PTNT, làm cơ sở để theo dõi, giám sát, đánh giá hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp trong giai đoạn 2021 -2025.

*Nhân dịp này, nhằm biểu dương khen thưởng và nhân rộng các điển hình tiên tiến của Ngành NN&PTNT Lâm Đồng, Sở đã tổ chức lễ trao Huân chương Lao động hạng Ba của Chủ tịch Nước cho ông Hoàng Huy Liệu –Nguyên Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh. Đồng thời, trao tặng Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 6 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước, góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2016 -2020 và 2 tập thể, cá nhân xuất sắc trong phong trào thi đua “Nâng cao chất lượng công tác Văn phòng giai đoạn 2016 -2020”.

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho các điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của ngành

Lãnh đạo tỉnh trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho các điển hình xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của ngành

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 2 cá nhân xuất sắc trong công tác Văn phòng

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh trao Bằng khen của Bộ NN&PTNT cho 2 cá nhân xuất sắc trong công tác Văn phòng

AN NHIÊN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202101/huong-den-nen-nong-nghiep-hien-dai-bao-ve-va-phat-trien-rung-ben-vung-tiep-tuc-xay-dung-nong-thon-moi-kieu-mau-3039490/