Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 2)
Những kết quả đạt được khi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần có sự chung tay tháo gỡ của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị và người nông dân... Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
TIN LIÊN QUAN
Hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ hiện đại (kỳ 1)
(Tiếp theo kỳ trước)
Những kết quả đạt được khi thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện vẫn còn những hạn chế, khó khăn, thách thức cần có sự chung tay tháo gỡ của các cấp, ngành, các cơ quan, đơn vị và người nông dân để quá trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp bảo đảm hiệu quả, bền vững.
Bài 2: Nhận diện những hạn chế, yếu kém
Theo đánh giá của Sở NN và PTNT, mặc dù kinh tế nông nghiệp của tỉnh thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực song tốc độ tăng trưởng kinh tế nông nghiệp chưa tương xứng với tiềm năng, sản xuất nông nghiệp nhìn chung quy mô nhỏ, phân tán, chủ yếu vẫn là kinh tế hộ. Tỷ lệ cơ giới hóa còn thấp, mới tập trung ở khâu làm đất và thu hoạch; chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh, thiếu bền vững. Chất lượng, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông sản chưa cao; công nghiệp chế biến, dịch vụ ở nông thôn phát triển chưa đồng đều; giá trị xuất khẩu thấp. Các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn chưa da dạng.
Dồn điền đổi thửa (DĐĐT) đất nông nghiệp ở một số xã chưa gắn với chỉnh trang đồng ruộng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Phần lớn các doanh nghiệp nông nghiệp mới làm tốt khâu cung ứng giống, vật tư cho nông dân, chưa có nhiều doanh nghiệp thực hiện các liên kết với nông dân để tổ chức thành chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ nông sản. Cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn, nhất là cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp, thủy sản tuy được đầu tư, nâng cấp song chưa đáp ứng tốt yêu cầu sản xuất hàng hóa, yêu cầu CNH-HĐH nông nghiệp, nông thôn. Tiến độ, kết quả triển khai các nội dung xây dựng NTM và tái cơ cấu ngành Nông nghiệp ở một số địa phương còn chậm và chưa đồng đều; chưa thu hút được nhiều dự án phát triển công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn. Việc huy động các nguồn lực xây dựng NTM chưa đáp ứng yêu cầu. Về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, cụ thể: việc làm, thu nhập, đời sống của một bộ phận dân cư nông thôn còn khó khăn. Tình trạng phân hóa giàu nghèo, ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội trong nông thôn có chiều hướng gia tăng. Thu nhập ở nông thôn tuy có tăng nhưng vẫn còn ở mức thấp, khoảng cách chênh lệnh thu nhập giữa khu vực nông thôn - thành thị còn cao. Môi trường đầu tư tuy đã được cải thiện nhưng chưa thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Ở một số địa phương còn tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, quản lý các công trình đê điều, thủy lợi. Tình trạng khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp vẫn còn xảy ra.
Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trên có nhiều yếu tố: tác động của tình trạng biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến phức tạp, dị thường; dịch bệnh, tình trạng suy thoái kinh tế, biến động thị trường làm cho sản xuất và các chuỗi cung ứng đứt gãy, giá các loại vật tư nông nghiệp tăng mạnh… khiến đời sống nông dân gặp không ít khó khăn, việc đóng góp xây dựng NTM và tái đầu tư cho phát triển sản xuất bị hạn chế. Cơ sở hạ tầng nông thôn chưa thực sự hấp dẫn nhà đầu tư. Vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa kịp thời và còn thấp so với yêu cầu. Cơ chế, chính sách của Nhà nước chưa đồng bộ và đủ mạnh để tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn. Hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương có lúc chưa kịp thời, có nội dung chưa phù hợp với thực tế. Luật Đất đai 2013 và một số văn bản hướng dẫn thi hành Luật chưa khuyến khích tích tụ, tập trung ruộng đất. Nhiều chủ trương, chính sách của Nhà nước tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn còn bất cập, khó triển khai, áp dụng trong thực tế; thiếu nguồn lực tài chính, thiếu nhân lực để triển khai thực hiện. Thực tế cho thấy, tập trung đất đai được xem là điều kiện tiên quyết để thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn, là nền tảng để phát triển nông nghiệp bền vững. Tuy nhiên, sau nhiều năm thực hiện, toàn tỉnh mới chỉ tích tụ được khoảng 20 nghìn ha, chiếm gần 23% tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp hàng năm của tỉnh. Kết quả tích tụ ruộng đất “khiêm tốn” hiện đang là rào cản lớn trong phát triển nông nghiệp của tỉnh ta. Bên cạnh đó, quá trình chuyển đổi tại các địa phương cho thấy, các huyện, thành phố mới chỉ quan tâm vào việc khảo sát, lựa chọn những cây trồng phù hợp với điều kiện, trình độ canh tác, bảo đảm hiệu quả kinh tế để đưa vào chuyển đổi, chứ chưa thực sự chú trọng việc thu hút doanh nghiệp vào liên kết và bao tiêu sản phẩm để người sản xuất yên tâm về đầu ra ổn định. Vì vậy, với việc chuyển đổi được hơn 2.244ha đất lúa kém hiệu quả kinh tế sang các loại cây trồng hiệu quả cao như: lạc, cà chua, bí xanh, ớt… trong thời gian qua, nhưng chỉ có khoảng 20% diện tích chuyển đổi nói trên được doanh nghiệp liên kết, bao tiêu sản phẩm, điều này cũng đồng nghĩa với sự thiếu bền vững trong công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Đây chính là “điểm nghẽn” lớn nhất trong thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh ta hiện nay. Thiếu sự gắn kết giữa sản xuất với thu hoạch, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nên hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp chưa cao. Theo đánh giá của các chuyên gia, tỉnh ta có nhiều tiềm năng phát triển cả về lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản, thế nhưng toàn tỉnh mới có trên 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, trong số đó, đa số doanh nghiệp lại chỉ có quy mô sản xuất vừa và nhỏ, nên việc đầu tư sản xuất còn hạn chế.
Cùng với những nguyên nhân khách quan, nhận thức về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn và về phát triển sản xuất hàng hóa, xây dựng NTM theo hướng CNH-HĐH vẫn còn bất cập. Công tác tuyên truyền về Nghị quyết 26/NQ-TW Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM và Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của tỉnh ở một số địa phương chưa thực sự sâu rộng, hiệu quả. Theo đồng chí Nguyễn Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT: Về cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư của tỉnh cho nông nghiệp, nông thôn còn hạn chế do tỉnh chưa cân đối được ngân sách. Trong khi đó việc chỉ đạo lồng ghép, sử dụng các nguồn vốn chương trình mục tiêu và các nguồn lực khác cho nông nghiệp, nông thôn chưa được quan tâm đúng mức. Cấp ủy Đảng, chính quyền một số địa phương có thời điểm còn lúng túng, bị động, còn ít giải pháp quyết liệt, hiệu quả trong chỉ đạo xây dựng NTM, DĐĐT, khai thác các tiềm năng, lợi thế, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, vẫn còn tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh. Hoạt động của một số đoàn thể ở cơ sở chưa gắn với các nhiệm vụ chính trị. Sự phối hợp giữa một số sở, ngành của tỉnh, giữa tỉnh và huyện trong một số công việc chưa thường xuyên, thiếu sự chủ động, chặt chẽ.
Nhìn thẳng những hạn chế, yếu kém và phân tích, đánh giá cụ thể nguyên nhân khách quan, chủ quan để đề ra những biện pháp căn cơ để giải quyết một cách thấu đáo nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp mạnh mẽ, hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
(Còn nữa)
Bài và ảnh: Văn Đại