Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Vài năm trở lại đây, nông dân đã bắt đầu thay đổi dần nếp nghĩ, cách làm, sử dụng thuốc bảo vệ sinh học hoặc các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường, vừa bảo vệ sức khỏe, bảo vệ môi trường, đồng thời là tiền đề quan trọng để phát triển nền nông nghiệp bền vững.
Giảm dần thuốc bảo vệ thực vật hóa học
Khi nước bắt đầu ngập chân ruộng cũng là lúc trong sân nhà ông Chu Văn Tín ở thôn 2, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng chất đầy bao lớn, bao nhỏ các loại phân sinh học - số phân được gia đình ông chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ông Tín kể, vài năm trở lại đây, những nông dân như ông ở xã vùng sâu này đã quen với việc sản xuất lúa sạch, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) hóa học. Thay vào đó là những chế phẩm sinh học gia đình tự chế để diệt trừ sâu bọ hoặc các loại phân sinh học. “Mình trồng lúa trước hết là cho gia đình ăn, sau đó mới mang bán ra thị trường. Lúa sạch bây giờ giá cũng cao hơn hẳn” - ông Tín nói. Dưới chân ông, đàn vịt mập mạp gần 20 con quẩn quanh. Gia đình ông lại có thêm khoản thu nhập kha khá trước khi mùa vụ mới bắt đầu.
Nông dân xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng chuẩn bị vào mùa vụ mới
Không chỉ hạn chế sử dụng thuốc BVTV hóa học, người dân còn ý thức thu gom, xử lý chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Trên khắp các cánh đồng ở xã Đăng Hà, hình ảnh vỏ chai thuốc BVTV màu xanh đã không còn xuất hiện. Mùi thơm của lúa mới phảng phất trong không khí. Ông Đinh Quang Hiệp ở thôn 2, xã Đăng Hà cho biết: Dùng thuốc BVTV vừa ảnh hưởng sức khỏe vừa tác động xấu đến môi trường. Tôi chỉ dùng để xịt cỏ nhưng bất đắc dĩ lắm mới phải dùng. Mỗi lần sử dụng hết, tôi đều súc rửa chai, vỏ thuốc sạch sẽ, thu gom lại sau đó mang đi chôn.
Ông Bàn Văn Lưu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăng Hà cho rằng: Dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng khi được chính quyền xã tuyên truyền về ứng dụng mô hình sản xuất nông nghiệp sạch trên cánh đồng, người trồng lúa ở xã đều nhiệt tình hưởng ứng làm theo. Bởi bản thân họ đã dần ý thức được những tác hại do lạm dụng phân bón hóa học, thuốc BVTV. Bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sức khỏe bản thân, bảo vệ nguồn nước, thổ nhưỡng cho sản xuất nông nghiệp.
Sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp, đặc biệt là các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như điều, tiêu, cao su. Các hợp tác xã điều bước đầu đã sản xuất theo tiêu chuẩn Organic, tiến hành song song giảm lượng thuốc hóa học kết hợp với bón phân hữu cơ để cải tạo đất.
Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Năm 2020, Bình Phước đặt mục tiêu giá trị sản xuất nông nghiệp tăng 1,3 lần và tăng lên 1,5 lần vào năm 2025, tăng chất lượng sản phẩm nông nghiệp sạch được chứng nhận an toàn, chứng nhận VietGAP; khai thác sản phẩm từ các vùng, đưa giá trị sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chiếm 20% trong năm 2020 và 30% trong năm 2025 trên tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến nay, Bình Phước đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong nhiều lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nghiên cứu thử nghiệm nhiều mô hình trồng trọt như mô hình dưa lưới, lan giả hạc. Hiện toàn tỉnh có 68/107 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp áp dụng công nghệ cao; 54 cơ sở được chứng nhận VietGAP, trong đó 14 cơ sở trong lĩnh vực trồng trọt và 40 cơ sở trong lĩnh vực chăn nuôi.
Hướng đến nông nghiệp sạch
Thuốc BVTV hóa học có vai trò quan trọng không thể phủ nhận trong sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, việc lạm dụng hóa chất lại là vấn đề bức xúc và thật sự đáng lo ngại. Theo số liệu của Cục Bảo vệ thực vật thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nước ta có khoảng 40% nông dân sử dụng thuốc BVTV không tuân thủ nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng nồng độ, liều lượng, đúng lúc và đúng cách). Rất nhiều người dân khi được hỏi pha thuốc như thế nào đều trả lời rằng họ pha thuốc theo cảm tính, cảm thấy đủ dùng là được. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ngộ độc cấp tính, mãn tính và nhiều căn bệnh hiểm nghèo do tiếp xúc với môi trường hoặc ăn phải thực phẩm có chứa dư lượng thuốc BVTV.
Trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về sản phẩm nông sản an toàn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu tăng số lượng thuốc bảo vệ sinh học đăng ký lên 30%, tăng số lượng thuốc BVTV sinh học sử dụng lên 20%. Cùng với đó, tăng mô hình sản xuất, diện tích sử dụng thuốc BVTV sinh học lên từ 3-5% và tăng 15% số lượng doanh nghiệp đổi mới công nghệ sản xuất thuốc BVTV sinh học hiện nay. Đây là mục tiêu nhằm hướng đến phát triển nền nông nghiệp hữu cơ bền vững trong dài hạn để tạo ra các sản phẩm nông sản chất lượng cao có giá trị, an toàn đối với sức khỏe con người và bảo vệ môi trường. Đồng thời, để đáp ứng đồng bộ các tiêu chuẩn cho việc xuất khẩu các mặt hàng sản phẩm nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… khi Hiệp định Thương mại tự do đã được thực thi.
Thu Thảo
Xem thêm: Tài nguyên và Môi trường
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/huong-den-nen-nong-nghiep-xanh-4949