Hướng đến nền nông nghiệp Xanh
Phát triển nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao (CNC), nông nghiệp sạch đang là hướng đi được nhiều địa phương triển khai, thực hiện và đạt được những kết quả tích cực bước đầu. Hiệu quả từ những mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC không chỉ tạo ra những sản phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn góp phần đưa Thanh Hóa tiến gần hơn đến mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp xanh.
Mô hình trồng lúa nếp hạt cau của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng tại huyện Hà Trung.
Những mô hình nông nghiệp công nghệ cao
Mô hình trồng dưa Kim Hoàng hậu trong nhà màng với diện tích 2,608ha của HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa) liên kết với Công ty CP Mía đường Lam Sơn đầu tư xây dựng, là một trong những mô hình nông nghiệp CNC tiêu biểu của huyện Thiệu Hóa. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX cho biết: "Trồng dưa trong nhà màng là hướng đi mới của địa phương. Để hỗ trợ bà con nông dân, HTX đã phối hợp với Công ty CP Mía đường Lam Sơn bao tiêu sản phẩm, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Thực tế trồng dưa Kim Hoàng hậu từ năm 2019 đến nay, cứ 1.000m2 trồng dưa, lợi nhuận khoảng 70 triệu đồng/vụ. Với 3 vụ trồng dưa trong năm và 1 vụ đông sản xuất phụ, người trồng dưa thu về 280 triệu đồng. Số tiền này, cộng với chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chỉ sau 2 năm, người dân sẽ thu hồi vốn đầu tư.
Ông Lê Văn Dung, Tiểu khu 5, thị trấn Thiệu Hóa có 2.000m2 dưa Kim Hoàng hậu trồng trong nhà màng đang phát triển rất tốt. Ông cho biết: “Mô hình trồng dưa kim hoàng hậu trồng theo công nghệ Israel và tuân thủ quy trình kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, làm đất, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hệ thống nhà màng trồng dưa lưới có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa nắng, ngăn côn trùng xâm nhập, đồng thời chủ động chế độ dinh dưỡng nên cây sinh trưởng và phát triển tốt. Đặc biệt trồng dưa trong nhà màng không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) mà chỉ sử dụng phân hữu cơ sinh học nên đảm bảo an toàn, giảm chi phí sản xuất. Hiện, 2.000m2 dưa trong nhà màng cho thu nhập mỗi năm (sau khi trừ chi phí) 300 triệu đồng”.
Mô hình trồng lúa nếp hạt cau và nếp cái hoa vàng của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, xã Hà Long (Hà Trung) được trồng, chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGap. Giám đốc Công ty, ông Nguyễn Hữu Lựu cho biết: “Công ty hợp đồng với bà con 2 xã Hà Lĩnh và Hà Long trồng lúa nếp hạt cau và nếp cái hoa vàng với tổng diện tích trên 200ha. Sản phẩm của bà con sau thu hoạch được công ty thu mua và trả tiền ngay tại ruộng với giá 70.000 – 75.000 đồng/kg". Theo ông Lựu, để cho ra những sản phẩm gạo sạch đến tay người tiêu dùng, ngoài hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, cán bộ kỹ thuật của công ty còn vận động bà con hạn chế dùng phân, thuốc hóa học thay vào đó là dùng phân hữu cơ và thuốc vi sinh. Đặc biệt, công ty khuyến cáo bà con không nên phun thuốc diệt cỏ mà nên làm cỏ lúa bằng phương pháp thủ công truyền thống. Nếu không tuân thủ quy trình, hướng dẫn, sản phẩm sau khi kiểm nghiệm còn tồn dư hóa chất, hộ dân đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm.
Nhờ tăng cường kiểm tra, giám sát và khuyến cáo người dân, chất lượng cả 2 loại gạo nếp cái hoa vàng và nếp hạt cau của 2 địa phương đều đảm bảo chất lượng sạch, thơm ngon và dẻo. Gạo nếp hạt cau Tiên Sơn Hà Lĩnh của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng đã được công nhận sản phẩm đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh năm 2020.
Không chỉ mô hình trồng dưa trong nhà màng của HTX Dịch vụ thương mại Thiệu Hưng, hay mô hình trồng nếp hạt cau, nếp cái hoa vàng của Công ty TNHH Thương mại Lựu Sướng, hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 100 doanh nghiệp, HTX, hộ cá thể đầu tư phát triển nông nghiệp CNC với quy mô từ 1.000m2 trở lên. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC đạt khoảng 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh. Các mô hình trồng trọt ứng dụng CNC đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường. Chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 500 - 700 triệu đồng/ha/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận đạt hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có gần 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định và có không ít sản phẩm đã được xuất khẩu.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh
Không chỉ tạo ra năng suất, giá trị sản phẩm, những mô hình nông nghiệp CNC đang hướng đến việc sử dụng phân hữu cơ, thuốc vi sinh trong quá trình sản xuất. Ông Nguyễn Văn Dương, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng cho biết thêm: “Tuy chưa đạt 100% sử dụng phân hữu cơ và thuốc vi sinh trong quá trình sản xuất, nhưng quan trọng bà con đã nhận thức được mối nguy hại của việc lạm dụng phân hóa học cũng như thuốc BVTV đối với sức khỏe, môi trường, nên đã hạn chế đến mức thấp nhất, chỉ sử dụng trong trường hợp bất khả kháng và tuân thủ nghiêm quy trình bảo đảm không vượt quá tiêu chuẩn cho phép”.
Thực tế hiện nay, việc lạm dụng thuốc BVTV và phân hóa học trong quá trình sản xuất còn xảy ra khá phổ biến trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, để Thanh Hóa sớm trở thành tỉnh có nền nông nghiệp xanh, theo ông Vũ Quang Trung, Chi cục Phó chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Giải pháp trước mắt là tập trung đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo để người dân, doanh nghiệp nhận thức được hậu quả của việc lạm dụng thuốc BVTV và phân hữu cơ đối với sức khỏe, môi trường sống. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình sản xuất của bà con. Về lâu dài cần tập trung đẩy mạnh ứng dụng nông nghiệp CNC và sản xuất hữu cơ, tạo ra sản phẩm chất lượng phục vụ nội địa”. Hiện tại ngành nông nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn như: Sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ; chưa có sản phẩm đặc trưng, việc giới thiệu, quảng bá và cạnh tranh trên thị trường chưa được chú trọng. Một số cây trồng có hiệu quả kinh tế thấp, kéo dài thời gian nhưng chưa có biện pháp, giải pháp hữu hiệu để giải quyết. Công tác tích tụ, tập trung đất đai còn chậm; thu hút doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến còn hạn chế...
Do đó, để bắt kịp xu hướng phát triển của cả nước và vươn tầm khu vực, ngành nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tích cực khai thác hiệu quả cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, nhất là hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu các hàng nông sản chủ lực. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm thông qua các hội chợ triển lãm nông nghiệp lớn trong tỉnh, trong nước. Đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu của các địa phương theo chuỗi liên kết; kết nối các doanh nghiệp nông nghiệp trong và ngoài nước thông qua các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Bên cạnh đó, tập trung thực hiện các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững...