Hướng đến những sản phẩm dịch vụ kéo dài thời gian lưu trú từ 15/8

Các doanh nghiệp đón khách quốc tế (inbound) đang gấp rút khảo sát đưa ra các sản phẩm du lịch mới phù hợp với chính sách mới về thị thực (visa) và xuất nhập cảnh sẽ chính thức có hiệu lực từ 15/8/2023.

Theo đó, thời hạn thị thực điện tử (e-visa) sẽ được kéo dài từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; thời hạn tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực được kéo dài từ 15 ngày lên 45 ngày.

Quảng bá các tour dài ngày, du lịch nghỉ dưỡng

Dịp đầu tháng 8 này, chúng tôi gặp 2 du khách Duchesne Luc và Ivan đang dạo phố Hà Nội trước khi về Pháp. Cả hai du khách hồ hởi khoe vừa thực hiện chuyến đi du lịch trải nghiệm vòng cung Đông Tây Bắc hết 15 ngày do Công ty Mai Việt travel thực hiện. “Do lịch trình đã lên cách đây 6 tháng và vé đã mua không đổi được ngày nên chúng tôi rất là tiếc khi phải về sớm. Nếu chính sách về thị thực của các bạn thực hiện sớm hơn thì chúng tôi sẽ đi thêm một số tỉnh miền Trung. Việt Nam thật là đẹp và ẩm thực đa dạng nên sau này có dịp chúng tôi sẽ quay lại du lịch lần nữa”, ông Ivan chia sẻ.

Du khách Ivan (Pháp) chụp ảnh lưu niệm với người dân địa phương trong hành trình du lịch trải nghiệm vòng cung Đông Tây Bắc. Ảnh: NVCC

Du khách Ivan (Pháp) chụp ảnh lưu niệm với người dân địa phương trong hành trình du lịch trải nghiệm vòng cung Đông Tây Bắc. Ảnh: NVCC

Ông Dương Xuân Tráng, Giám đốc sản phẩm Mai Việt Travel, đã gửi thông tin về chính sách visa mới của Việt Nam cho các đối tác sẽ có hiệu lực từ 15/8/2023 đều nhận thông tin phản hồi tích cực. “Chúng tôi chuyên về dòng khách Pháp, Bỉ nên chính sách visa có tác động rất lớn đến cơ cấu sản phẩm du lịch. Ngay khi thông báo với các hãng đối tác tại châu Âu về chính sách visa mới, họ đã đề nghị xây dựng những tuyến du lịch trải nghiệm, sinh thái, nghỉ dưỡng kéo dài đến 30 ngày để giới thiệu cho khách hàng. Công ty cũng đã khảo sát xây dựng lại sản phẩm chuyên về nghỉ dưỡng, sinh thái và sẽ đem sang giới thiệu tại hội chợ du lịch Top Resa diễn ra từ 3-5/10/2023 tại Paris. Đây là hội chợ du lịch lớn nhất của Pháp”, ông Dương Xuân Tráng cho biết.

Vấn đề quan tâm nhất với doanh nghiệp lữ hành quốc tế hiện nay là chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam vẫn chưa đạt như trước dịch. “Với dòng sản phẩm nghỉ dưỡng, trải nghiệm sinh thái thì chất lượng dịch vụ được đặt lên hàng đâu. Tuy nhiên, sau dịch, các cơ sở dịch vụ mới đầu tư để khôi phục lại dần dần, trong đó chất lượng nhân lực vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Các tour đã thực hiện trong thời gian qua, khách phản hồi lại và đánh giá chất lượng dịch vụ chỉ ở mức tạm được. Do đó, hướng đến du lịch nghỉ dưỡng, kéo dài thời gian lưu trú đòi hỏi chất lượng dịch vụ cần nâng cấp, cải thiện hơn nữa”, ông Dương Xuân Tráng chia sẻ.

Đối với dòng khách châu Âu, kế hoạch đi du lịch thường được lên từ trước đó vài tháng, cho nên ông Dương Xuân Tráng cho rằng, chính sách này sẽ thực sự phát huy vào cuối năm nay và dòng khách đi dài ngày sẽ đông vào năm 2024.

Trong khi đó, ông Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho biết: “Chính sách thị thực mới có hiệu lực từ 15/8/2023 là tín hiệu tích cực thu hút khách quốc tế, nhất là với các thị trường xa như châu Âu, Mỹ. Do dòng khách của đơn vị tập trung vào trung và cao cấp nên đơn vị đang thiết kế các sản phẩm trải nghiệm kéo dài thời gian ở Hà Nội từ 2-3 ngày; nghỉ dưỡng trên tàu Hạ Long 4-5 ngày và đi trải nghiệm tại các vùng khác của Việt Nam. Các sản phẩm này đang được công ty gửi tới đối tác và trực tiếp giới thiệu tại các hội chợ du lịch quốc tế tại Anh, Đức và Mỹ”.

“Vào thời điểm 15/8, khách đặt tour dài ngày có những khách đến từ Tây Ban Nha, Italia bởi dòng khách này thường quyết định đi du lịch vào phút chót. Trong khi đó với dòng khách Âu Mỹ đã lập kế hoạch từ trước thì tour dài ngày hưởng lợi từ chính sách visa mới sẽ đi đông vào khoảng tháng 10 và sẽ tăng trưởng ổn định dịp cuối năm 2024. Dự báo lượng khách đi tour dài ngày tăng khoảng 30%”, ông Phạm Hà nhận định.

Clip ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng chia sẻ thông tin về chính sách visa mới tác động đến hình thành sản phẩm dịch vụ mới tại địa phương:

Còn theo ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, chính sách visa mới sẽ tạo điều kiện cho luồng khách mới về gia đình, nghỉ dưỡng sẽ gia tăng trong thời gian tới. Các đơn vị dịch vụ tại Đà Nẵng cũng đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất để đón luồng cơ hội mới này.

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Việt Nam đánh giá, chính sách visa mới sẽ có tác động tới cơ cấu khách thị trường xa và nâng cao khả năng chi tiêu, ở lại dài ngày. Từ đó sẽ mang lại hiệu quả kinh tế. Do đó, không chỉ các đơn vị lữ hành mà các đơn vị dịch vụ khách cũng đang có những đầu tư về sản phẩm để đón đầu cơ hội này.

Kỳ vọng vượt kế hoạch

Theo Cục Du lịch Quốc gia (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), dữ liệu từ công cụ theo dõi xu hướng du lịch của Google cho thấy, từ đầu năm 2023 tới nay, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam liên tục tăng trong tốp đầu thế giới, từ vị trí thứ 11 lên vị trí thứ 6 hiện nay. Việt Nam là điểm đến duy nhất trong Đông Nam Á nằm ở nhóm này.

Các thị trường quan tâm nhiều nhất đến du lịch Việt Nam gồm có: Mỹ, Nhật, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Singapore, Anh, Malaysia, Đức, Pháp. Đây đều là những thị trường trọng điểm của du lịch Việt Nam.

Du khách quốc tế chụp ảnh biểu tượng Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Du khách quốc tế chụp ảnh biểu tượng Khuê Văn Các tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Những dữ liệu này cho thấy nhu cầu về du lịch Việt Nam đang phục hồi rất nhanh, ở tốc độ cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực. Nắm bắt được xu hướng thị trường, Việt Nam có cơ hội tốt để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam trong thời gian tới. Đặc biệt, chính sách kéo dài thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 90 ngày, có giá trị nhập cảnh nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 ngày lên 45 ngày. Những chính sách này sẽ chính thức có hiệu lực kể từ ngày 15/8/2023.

Sự tăng trưởng khách quốc tế cũng được thể hiện qua thống kê lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 7 đạt trên 1 triệu. Đây là tháng đầu tiên kể từ đầu năm 2023 ngành du lịch đón trên 1 triệu lượt khách quốc tế sau dịch COVID-19. Tính chung 7 tháng, tổng lượng khách quốc tế đạt gần 6,6 triệu lượt, tương đương 83% kế hoạch năm 2023.

Về động lực tăng trưởng trong tháng 7/2023, Châu Âu có mức tăng trưởng tốt nhất trong các châu lục, tăng 27% so với tháng 6/2023. Trong đó có sự đóng góp của thị trường chính như Anh (+14,5%), Pháp (+35,9%), Đức (+27,3%). Ngoài ra có Na Uy (+250,8%), Bỉ (+154%), Đan Mạch (+152%), Hà Lan (+44,6%), Tây Ban Nha (+52,9%).

Viện trưởng Phát triển Du lịch châu Á Phạm Hải Quỳnh đánh giá, trong thời gian qua, các doanh nghiệp du lịch cũng đã nỗ lực và sự nhanh nhạy tìm cách hút khách đến. Nhiều công ty lữ hành phối hợp với ngành hàng không trong nước mở ra các chương trình xúc tiến riêng, đến quảng bá tại các thị trường trọng điểm.

Theo Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), trong các tháng tới lượng khách tiếp tục tăng và có thể đạt đỉnh vào tháng 11 với khoảng 1,5 triệu lượt. Tháng 12 sẽ giảm, khoảng 1,4 triệu lượt khách vì trùng dịp Giáng sinh và năm mới của khách Tây. Tuy nhiên, đầu năm 2024, lượng khách sẽ gia tăng.

Bài, ảnh, clip: Xuân Minh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/du-lich/huong-den-nhung-san-pham-dich-vu-keo-dai-thoi-gian-luu-tru-tu-158-20230802110835977.htm