Mở ra cánh cửa tái hòa nhập
Hơn 10 tháng từ khi Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù được ban hành, hàng trăm cuộc đời tại Thanh Hóa đã tìm thấy ánh sáng mới.
Với 32 tỷ đồng đã được giải ngân cho 356 người, chính sách này không chỉ là nguồn "trợ lực" kinh tế mà còn mở ra cánh cửa giúp họ tái hòa nhập cộng đồng, góp phần vào sự ổn định và phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đưa chính sách đến đúng đối tượng
Thành phố Thanh Hóa là một trong những địa phương tích cực triển khai chính sách này. Gần 1,2 tỷ đồng đã đến tay 16 người, giúp họ khởi nghiệp, tạo dựng công ăn việc làm ổn định.
Xưởng sản xuất đá của anh Trương Đình Ph. ở phường An Hưng là một ví dụ điển hình. Tiếng máy mài đá rền vang, gần 20 công nhân hăng say làm việc, tạo nên một bức tranh sinh động về sự hồi sinh.
Anh Ph. chia sẻ, xưởng đá được thành lập với số vốn ban đầu 700 triệu đồng, chủ yếu đầu tư vào máy móc, thiết bị. Các sản phẩm đá lát sân vườn, đá mỹ nghệ được sản xuất đều đặn, đáp ứng nhu cầu thị trường. Công việc kinh doanh ổn định giúp anh tạo việc làm cho nhiều người, mỗi người có thu nhập từ 8-9 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, anh Ph. cũng bày tỏ mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay lớn hơn để mở rộng quy mô sản xuất.
Hiệu quả kinh tế cao
Không chỉ ở thành phố, chính sách này cũng đang lan tỏa mạnh mẽ đến các vùng nông thôn. Tại huyện Hoằng Hóa, 31 người đã được vay tổng số tiền 2,7 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện, cho biết, mức vay tối đa là 100 triệu đồng với lãi suất ưu đãi 6,6%/năm, thời hạn vay 5 năm. Nguồn vốn này được đánh giá là phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh của người tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, các trường hợp vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, tuân thủ quy định của pháp luật và đạt hiệu quả kinh tế cao.
Câu chuyện của anh Nguyễn Thọ Th. ở xã Hoằng Đồng là một minh chứng rõ nét cho hiệu quả của chính sách. Sau khi vợ anh mãn hạn tù, gia đình anh được vay 100 triệu đồng để đầu tư mua cốp pha sắt, cung cấp dịch vụ đổ bê tông cho các công trình xây dựng. Công việc kinh doanh thuận lợi giúp gia đình anh có thu nhập ổn định 40 triệu đồng/tháng và tạo việc làm cho 18 lao động địa phương.
Tương tự, anh Hoàng Ngọc Ph., cũng ở xã Hoằng Đồng, đã sử dụng vốn vay để phát triển mô hình trang trại chăn nuôi lợn, gà, cá sau khi chấp hành xong án tù.
Để người chấp hành xong án phạt tù tiếp cận dễ dàng hơn với nguồn vốn vay và các cơ hội việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa thường xuyên tổ chức các hội nghị tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm. Tại đây, người dân được tư vấn về pháp luật, thủ tục vay vốn, cơ hội việc làm, đào tạo nghề… Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội đã tạo nên một mạng lưới hỗ trợ toàn diện, giúp người lầm lỗi có cơ hội làm lại cuộc đời.
Đại tá Lê Như Lập, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết, trong 3 năm qua, mỗi năm tỉnh có gần 2.000 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Mô hình hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng đã được triển khai hiệu quả tại 27/27 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, góp phần quan trọng trong việc phòng ngừa tái phạm tội.
Quyết định 22/2023/QĐ-TTg không chỉ là một chính sách kinh tế mà còn là một chính sách xã hội nhân văn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những người lầm lỗi. Nguồn vốn ưu đãi này là "điểm tựa" vững chắc, giúp họ vươn lên trong cuộc sống, trở thành công dân có ích cho xã hội, góp phần giữ vững an ninh trật tự tại địa phương.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/mo-ra-canh-cua-tai-hoa-nhap/352485.html