Hướng đến phát triển du lịch xanh bền vững

Năm 2023 được coi là năm đáng nhớ của du lịch Bình Thuận khi có những bứt phá với những dấu ấn tăng trưởng ngoạn mục. Đặc biệt, sau những chuỗi hoạt động thành công khi đăng cai Năm Du lịch quốc gia đã tạo hiệu ứng tích cực, thu hút sự quan tâm của các tầng lớp xã hội, huy động sức mạnh cộng đồng trong việc thúc đẩy du lịch phục hồi nhanh và phát triển bền vững, nâng cao quyết tâm phát triển du lịch xanh - bền vững - thân thiện với môi trường của tỉnh.

Điểm đến hấp dẫn

Hình ảnh những dòng xe nối đuôi nhau đổ về trung tâm thành phố Phan Thiết, các tuyến đường trọng điểm Hàm Tiến - Mũi Né hay khu vực Tiến Thành, Tân Thành… vào dịp cuối tuần cũng như giữa tuần dần trở nên quen thuộc đối với người dân địa phương. Điều đó cho thấy Bình Thuận đang trở thành điểm đến hấp dẫn với những người thích “xê dịch”, khám phá và muốn được nghỉ ngơi sau những ngày dài làm việc căng thẳng. Mà cũng đúng thôi khi vùng đất này được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu nắng ấm quanh năm, vừa có biển, có núi. Sự cộng hưởng từ nỗ lực trong nhiều năm của ngành du lịch tỉnh nhà, trong đó phải kể đến những cố gắng trong quảng bá, xúc tiến du lịch và xây dựng hình ảnh điểm đến. Đặc biệt từ cuối tháng 4/2023, cao tốc đoạn Dầu Giây - Phan Thiết chính thức thông xe và sau đó là cao tốc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đưa vào sử dụng rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển, tạo thuận lợi cho du khách đến nghỉ dưỡng. Hơn nữa, Năm Du lịch quốc gia 2023 “Bình Thuận - Hội tụ xanh” được địa phương đăng cai nên có rất nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn, đặc sắc, diễn ra liên tục, xuyên suốt. Có thể kể đến như giải Billiards & Snooker vô địch quốc gia, giải vô địch các Câu lạc bộ lân sư rồng quốc gia, triển lãm “Di sản văn hóa biển, đảo Việt Nam”, Tuần lễ văn hóa đường phố, Festival Nhiếp ảnh quốc tế Việt Nam...

Tuần lễ văn hóa hấp dẫn người dân và du khách

Ông Bùi Thế Nhân – Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết: Năm 2023, Bình Thuận đón hơn 8,5 triệu lượt du khách, với tổng doanh thu du lịch đạt trên 23.000 tỷ đồng (tăng gần gấp đôi so năm 2022), là 1 trong 9 tỉnh, thành phố có doanh thu du lịch cao nhất cả nước. Kết quả này góp phần thúc đẩy chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác, tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị riêng có các di tích lịch sử, văn hóa, tài nguyên thiên nhiên. Đây sẽ là “cú hích” để du lịch Bình Thuận trở thành điểm sáng trong phát triển du lịch miền Trung và cả nước trong thời gian tới, góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè khắp muôn nơi.

Vui chơi tại công viên nước ở Tiến Thành

Nhiều giải pháp đồng bộ thúc đẩy du lịch

Ông Bùi Thế Nhân nhận định: Dự báo trong thời gian tới, bên cạnh một số những thuận lợi, tình hình trong nước và thế giới còn diễn biến rất phức tạp, khó lường, tác động không nhỏ tới ngành du lịch nói riêng. Để phát huy, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của du lịch Bình Thuận, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp và đây cũng là kinh nghiệm thực tiễn của ngành du lịch tỉnh nhà. Trong đó, kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược, có thương hiệu, uy tín, năng lực, kinh nghiệm để đầu tư các dự án quy mô lớn, các dự án tổ hợp du lịch, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp xanh - sạch - đẹp gắn với dịch vụ vui chơi, giải trí, thương mại, dịch vụ du lịch. Song song, chú trọng đảm bảo an ninh, an toàn phục vụ khách; duy trì hình ảnh du lịch Bình Thuận là điểm đến an toàn, thân thiện.

Ẩm thực đường phố

Để giữ vững đà tăng trưởng, tỉnh cũng đẩy mạnh hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ở trong và ngoài nước, chú trọng khai thác tốt thị trường mục tiêu gắn với phát triển thị trường mới. Đặc biệt áp dụng công nghệ số vào quảng bá du lịch theo xu hướng hiện nay. Đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong những năm đến.

Lễ hội Katê của dân tộc Chăm Bình Thuận.

Ngoài ra, tập trung nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông kết nối, thúc đẩy liên kết các vùng trọng điểm phát triển du lịch, các tỉnh, thành trọng điểm trong khu vực như nâng cấp quốc lộ 28B, đẩy nhanh tiến độ xây dựng sân bay Phan Thiết. Chủ động, tích cực tìm kiếm và huy động nhiều nguồn vốn để đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Tập trung khai thác tối đa và phát huy tiềm năng thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh, bởi ngoài biển và lợi thế nghỉ dưỡng biển, Bình Thuận còn có thế mạnh về sông, hồ, rừng, thác.

Bình Thuận hướng đến phát triển đa dạng về loại hình, sản phẩm du lịch; phát triển mở rộng địa bàn du lịch trên cơ sở khai thác tốt tài nguyên du lịch lợi thế của từng địa phương trong tỉnh. Hướng dẫn các cơ sở lưu trú, lữ hành, đơn vị kinh doanh dịch vụ thực hiện tái đầu tư đổi mới trang thiết bị, nhân lực đúng tiêu chuẩn, đảm bảo chất lượng phục vụ. Đồng thời tiếp tục trùng tu, tôn tạo các di tích văn hóa - lịch sử, danh lam thắng cảnh gắn với đầu tư hạ tầng cơ bản để trở thành các điểm du lịch. Khuyến khích phát triển ngành nghề sản xuất sản phẩm thủ công mỹ nghệ, quà tặng mang đặc trưng riêng. Cũng như tiếp tục tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, thực hiện chính sách tốt nhất, nhằm khuyến khích đầu tư vào các địa bàn trọng điểm, sản phẩm đặc thù và nâng tầm tổ chức các sự kiện, lễ hội thường niên của tỉnh… Tất cả hướng đến phát triển du lịch xanh, bền vững, từng bước đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/huong-den-phat-trien-du-lich-xanh-ben-vung-115987.html