Hướng đến quy mô lớn và an toàn trong chăn nuôi
Hình thành các trang trại có quy mô lớn, các khu chăn nuôi tập trung phù hợp với từng địa phương; phát triển mạnh theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học và bền vững là vấn đề đặt ra trong phát triển chăn nuôi ở giai đoạn mới.
Liên kết để phát triển
Tính đến cuối tháng 10/2024, toàn tỉnh có tổng đàn lợn đạt khoảng trên 155.000 con, tăng 1,1% so với cùng kỳ năm 2023; đàn trâu 15.242 con, giảm 2,1%; đàn bò 29.080 con, tăng 2,8%; đàn gia cầm hơn 5 triệu con, tăng 1,23%... Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 406 cơ sở chăn nuôi đạt quy mô trang trại, đạt từ 10 đơn vị vật nuôi trở lên. Cụ thể, có 14 trang trại chăn nuôi lợn, gà quy mô lớn, 75 trang trại quy mô vừa và 317 trang trại quy mô nhỏ.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, đặc biệt đối với những trang trại lớn, vấn đề đặt ra là tạo được các mối liên kết từ khâu cung ứng giống, thức ăn, đến bao tiêu sản phẩm, bước đầu hình thành chuỗi giá trị. Thừa Thiên Huế hiện có khoảng 30 cơ sở chăn nuôi công nghệ cao duy trì liên doanh liên kết với các doanh nghiệp (DN), tiêu biểu, như: Công ty CP chăn nuôi MaVin, Công ty CP 3F Việt chi nhánh Huế, Công ty TNHH MTV Nông nghiệp Organic Quế Lâm, Công ty CP Liên doanh VLXD Bảo Nguyên, Công ty TNHH CP Lam Điền, Công ty TNHH Hoàng Vân, Công ty CP Greenfeed, Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam...
Trại chăn nuôi Công ty TNHH Hoàng Vân ở Phú Lộc (liên doanh liên kết Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam) chăn nuôi lợn nái ngoại bố mẹ với quy mô 2.500 con, hàng năm sản xuất và cung ứng cho các trại chăn nuôi khoảng trên 50.000 lợn con thương phẩm, doanh thu khoảng 110 tỷ đồng/năm. Hay như trại chăn nuôi lợn thịt của Công ty CP đầu tư AGRY, ở Phong Hiền (Phong Điền) với quy mô 12.000 lợn thịt/năm, cung ứng ra thị trường 1.200 tấn thịt/năm, doanh thu khoảng 66 tỷ đồng/năm... Theo ông Nguyễn Văn Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, vấn đề hàng đầu trong các mối liên kết là việc đảm bảo cung ứng giống. Nguồn giống chất lượng, an toàn được xác định là một trong những yếu tố quan trọng, quyết định thành công trong quá trình chăn nuôi.
Nhờ sự đầu tư đúng hướng vào lĩnh vực chăn nuôi trong thời gian qua nên hiệu quả mang lại thấy rõ. Đó là việc hình thành các trang trại chăn nuôi quy mô vừa và lớn. Theo đó, sản phẩm từ chăn nuôi cũng phát triển theo hướng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường. Nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư chăn nuôi lợn, gà, vịt... liên kết với các công ty theo hình thức chuỗi liên kết nên đảm bảo đầu ra ổn định.
Ông Phan Ngọc Thắng, Giám sát tư vấn kỹ thuật thương mại Công ty CP Chăn nuôi Greenfeed, phụ trách vùng Thừa Thiên Huế cho biết, hiện đơn vị đang liên kết chuỗi giá trị trong chăn nuôi lợn, gà, vịt từ khâu cung ứng con giống, thức ăn, thú y, kỹ thuật, đến tiêu thụ sản phẩm cho hơn 15 trang trại có quy mô lớn và vừa ở Thừa Thiên Huế. Trong đó, lợn thịt khoảng 4.000 con/năm, vịt khoảng 500.000 con/năm và gà thịt khoảng 110.000 con/năm… Tổng doanh thu ước khoảng hơn 130 tỷ đồng/năm. Trọng lượng các loại thịt hơi xuất chuồng hiện nay cao hơn so với trước, do đơn vị áp dụng lai tạo các giống mới cho năng suất và sản lượng cao.
Hướng đến sự an toàn
Cùng với phát triển theo hướng công nghiệp và trang trại có quy mô, việc áp dụng công nghệ cao, tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học trong chăn nuôi là vấn đề được ngành nông nghiệp ưu tiên. Năm 2024, toàn tỉnh có 44 cơ sở chăn nuôi theo hướng hữu cơ, sử dụng đệm lót sinh học và có liên kết với DN; 1 trang trại chăn nuôi lợn hữu cơ tại tổ hợp chăn nuôi 4F ở xã Phong Thu (Phong Điền), cung cấp hơn 300 con lợn nái và 6.000 lợn con thương phẩm cho các hộ chăn nuôi liên kết với công ty.
Ông Nguyễn Văn Hưng cho rằng, mô hình chăn nuôi theo hướng VietGAP được khuyến khích phát triển mang lại hiệu quả kinh tế cao và có sức lan tỏa lớn trong cộng đồng. Thông qua các lớp tập huấn, hoạt động truyền thông linh hoạt, người chăn nuôi được trang bị kiến thức cơ bản để quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn, nước uống cho vật nuôi hay sử dụng thuốc thú y đúng liều lượng; đồng thời chú trọng phun hóa chất tiêu độc khử trùng và vệ sinh xung quanh khu vực chuồng nuôi, bảo đảm luôn sạch sẽ và thoáng mát.
An toàn dịch bệnh là điểm đáng ghi nhận trong phát triển chăn nuôi hiện nay ở Thừa Thiên Huế. Năm 2023, toàn tỉnh tổ chức tiêm phòng vắc-xin tụ huyết trùng trâu, bò đạt 83% tổng đàn, vắc-xin tam liên lợn đạt 88%, vắc-xin và kháng thể E. Coli đạt 52%, vắc-xin cúm gia cầm đạt 94%, vắc-xin lở mồm long móng đàn bò đạt 100%, vắc-xin lở mồm long móng lợn và viêm da nổi cục đạt 65%. Công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường được triển khai kịp thời, tăng cường thực hiện tại các ổ dịch, hố chôn gia súc, đã thực hiện tiêu độc khử trùng hơn 2,5 triệu m2 với 7.000 lít hóa chất tại các nơi có nguy cơ cao xảy ra các loại dịch bệnh.
Việc tăng cường biện pháp phòng ngừa, kịp thời phát hiện, khống chế và chủ động xử lý của ngành thú ý tỉnh đã góp phần hạn chế không để dịch bệnh lây lan. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay, trong điều kiện dịch tả lợn châu Phi, dịch viêm da nổi cục, dịch cúm gia cầm, dịch lở mồm long móng... phổ biến ở nhiều địa phương trong cả nước, thì Thừa Thiên Huế chưa xảy ra các loại dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Theo ông Nguyễn Văn Hưng, toàn tỉnh đang triển khai ứng dụng mô hình chăn nuôi bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến và an toàn sinh học, chăn nuôi hữu cơ theo điều kiện cụ thể của địa phương; đồng thời, phát triển chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao tại các trang trại, DN lớn theo mô hình khép kín từ chuồng trại, con giống, thức ăn và phòng, chống dịch bệnh hiệu quả...