Hướng đến sự thuyết phục và nhân văn
Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT (Thông tư 32) của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học đang tạo sự quan tâm của dư luận. Phạm vi áp dụng của thông tư chủ yếu trong trường học, nhằm điều chỉnh mối quan hệ giữa thầy và trò, nhà trường với học sinh, nhưng rõ ràng có tác động không nhỏ đối với xã hội.
Ảnh minh họa.
Theo quy định tại Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT đang áp dụng, thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như phê bình trước lớp, trước trường, cảnh cáo ghi học bạ, thậm chí buộc thôi học có thời hạn. Quy định dù khắt khe nhưng tạo ra sự răn đe, ngăn chặn. Mặt trái của nó là một số trường học và giáo viên lạm dụng quy định dẫn đến xử lý kỷ luật học sinh quá mức, làm mất cơ hội học tập và sửa sai của học sinh.
Thông tư 32 có hiệu lực từ ngày 1-11-2020 nhằm khắc phục những hạn chế trong mối quan hệ thầy trò, điều chỉnh cách quản lý, xử lý vi phạm trong trường học, hướng tới nền giáo dục thuyết phục và nhân văn hơn, những hình thức xử lý kỷ luật mạnh sẽ không còn được thực hiện.
Để tăng cường sự thân thiện, nhân văn trong trường học đòi hỏi phải nâng cao hơn trách nhiệm của người thầy.
Theo Thông tư 32, một trong những trách nhiệm của giáo viên là phải gương mẫu, thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách, bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh.
Giáo viên không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh. Không gian lận trong kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Không bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén, xuyên tạc nội dung dạy học. Không ép buộc học sinh học thêm để thu tiền hoặc lợi dụng việc tài trợ, ủng hộ cho giáo dục để ép buộc đóng góp tiền hoặc hiện vật.
Thông tư cũng quy định về những thay đổi trong xử lý vi phạm kỷ luật của học sinh, theo đó học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức như nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm, cao hơn là khiển trách, thông báo với phụ huynh để phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
Phải thừa nhận trong nhiều năm qua hình thức buộc thôi học đã có sức răn đe đáng kể, siết chặt kỷ luật học đường. Nhiều học sinh, kể cả học sinh cá biệt vì sợ bị đuổi học mà đã có chuyển biến tích cực trong học tập và rèn luyện. Bỏ hình thức đuổi học đối với học sinh, đòi hỏi nhà trường phải đẩy mạnh giáo dục riêng đối với học sinh, nhất là học sinh cá biệt.
Đây là biện pháp khó, đòi hỏi đầu tư nhiều công sức, cần phối hợp đồng bộ giữa nhà trường - gia đình - xã hội. Trong đó giáo viên phải hiểu rõ và sâu sắc đời sống, tâm tư, tình cảm, tính nết của học sinh.
Để thực hiện hiệu quả nội dung này đòi hỏi giáo viên phải có phương pháp, kỹ năng phù hợp, sự hiểu biết thấu đáo về đối tượng giáo dục, mới có thể thành công. Trong đó đòi hỏi những người trực tiếp phải điều chỉnh lề lối, tác phong để nêu gương cho học sinh.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/giao-duc/huong-den-su-thuyet-phuc-va-nhan-van/124742.htm