Hướng đến trở thành trung tâm thể thao khu vực Tây Bắc
Những năm qua, thể thao Lào Cai đã có bước phát triển mạnh mẽ, ghi dấu ấn đậm nét trên bản đồ thể thao Việt Nam. Đây là thành quả phản ánh những nỗ lực, quyết tâm của các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh trong việc nâng cao chất lượng xây dựng phong trào luyện tập thể thao.
Quan tâm đầu tư cơ sở vật chất
Cách đây vài năm, ít ai nghĩ xã vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Dền Sáng (huyện Bát Xát) lại sở hữu Trung tâm văn hóa thể thao khang trang, hiện đại, với diện tích hàng trăm m2.
Dẫn chúng tôi đi thăm nhà văn hóa thể thao mới khánh thành, ông Lý Láo San, Chủ tịch UBND xã Dền Sáng cho biết: Từ ngày được đầu tư xây dựng Trung tâm văn hóa thể thao, người dân Dền Sáng rất phấn khởi. Ngoài việc tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ của địa phương, nhà văn hóa thể thao còn là nơi người dân luyện tập thể dục, thể thao.
Thường thì những lô đất rộng hàng nghìn m2, nằm ở vị trí trung tâm xã, ven các tuyến đường trục chính, có giá trị kinh tế cao sẽ sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ. Thế nhưng, nhiều năm qua, xã Vĩnh Yên (huyện Bảo Yên) lại dành riêng một khu “đất vàng” ven Quốc lộ 279 làm sân vận động, làm nơi cho người dân rèn luyện thể thao…
Nói đến sự quan tâm đầu tư của Lào Cai trong phát triển thể dục, thể thao không thể không nhắc đến khu liên hợp văn hóa, thể thao tỉnh. Năm 2012, Nhà thi đấu đa năng tỉnh với 3.000 chỗ ngồi ở phường Bắc Lệnh (thành phố Lào Cai) đạt tiêu chuẩn quốc gia đi vào hoạt động, trở thành địa điểm tổ chức các giải đấu thể thao quy mô lớn. Tiếp đó, tháng 8/2016, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh nhận bàn giao các công trình phục vụ huấn luyện và thi đấu thể dục - thể thao, gồm trụ sở làm việc, nhà tập luyện, ký túc xá cho vận động viên, nhà công vụ, 4 sân quần vợt với quy mô và tiêu chuẩn tổ chức các giải toàn quốc và quốc tế. Đặc biệt, sân vận động tỉnh với tổng kinh phí đầu tư hơn 200 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 1 là 146 tỷ đồng, được đưa vào sử dụng. Các dự án này nằm trong tổng thể khu liên hợp văn hóa, thể thao với quy mô 75 ha gồm 3 chức năng chính là văn hóa, thể dục - thể thao và đào tạo. Sau hơn chục năm đưa vào sử dụng, vừa qua, Nhà thi đấu đa năng tỉnh tiếp tục được đầu tư hơn 30 tỷ đồng nâng cấp, sửa chữa phục vụ luyện tập, thi đấu các giải thể thao lớn của tỉnh và toàn quốc.
Văn Bàn là địa phương có phong trào luyện tập thể dục, thể thao phát triển. Tại các kỳ đại hội thể dục, thể thao tỉnh Lào Cai hoặc hội thi thể thao các dân tộc thiểu số tỉnh, những vận động viên đến từ Văn Bàn luôn giành được thành tích cao. Để có được kết quả trên, những năm qua, huyện Văn Bàn luôn quan tâm đến phát triển thể thao phong trào ngay từ các thôn, bản. Việc luyện tập, thi đấu thể dục, thể thao đã lan tỏa sâu rộng từ vùng thấp đến vùng cao và được xã hội hóa rất hiệu quả. Giữa tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên xã Võ Lao tổ chức giải bóng đá nữ bằng hình thức xã hội hóa. Các thôn, bản trên địa bàn xã Võ Lao đều thành lập đội bóng tham dự, tất cả các kinh phí như tổ chức khánh tiết, mua quần, áo, giày hoặc liên hoan đều được huy động từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện.
Được biết, đa phần các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh có quỹ đất để luyện tập văn hóa, văn nghệ, thể thao. Nhiều thôn, bản, tổ dân phố đã thành lập được những câu lạc bộ thể dục, thể thao hoạt động liên tục, hiệu quả. Các môn thể thao người dân thường xuyên luyện tập như bóng chuyền hơi, bóng đá, cầu lông, bóng bàn, đẩy gậy, kéo co… Ông Nông Quang Đức, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục, thể thao tỉnh cho biết: Những năm gần đây, phong trào luyện tập và thi đấu thể dục, thể thao của người dân trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh. Qua các hoạt động thể dục, thể thao giúp người dân nâng cao sức khỏe, tham gia tích cực và hiệu quả vào lao động, sản xuất và học tập.
Hướng đến “tốp đầu” khu vực Tây Bắc
Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao tỉnh đang đào tạo, bồi dưỡng 200 vận động viên, trong đó có 25 vận động viên cấp tỉnh, 75 vận động viên trẻ cấp tỉnh và 100 vận động viên năng khiếu. Từ đầu năm đến nay, các vận động viên đã tham gia 28 giải thể thao toàn quốc và khu vực, giành được 45 Huy chương Vàng, 38 Huy chương Bạc và 60 Huy chương Đồng. Số vận động viên tập huấn đội tuyển trẻ và đội tuyển quốc gia là 11 (môn cử tạ 4 vận động viên, wushu 2 vận động viên, boxing 1 vận động viên, điền kinh 1 vận động viên, pencak silat 2 vận động viên, taekwondo 1 vận động viên). Nhiều vận động viên của Lào Cai đã thi đấu thành công trong màu áo đội tuyển quốc gia, như Lừu Thị Duyên, Hoàng Thị Duyên… Giữa tháng 8 vừa qua, tại Giải Vô địch xe đạp đường trường và địa hình trẻ quốc gia 2023 tổ chức tại tỉnh An Giang, các vận động viên Lào Cai đã giành 16 Huy chương Vàng và lần đầu tiên đứng ở vị trí thứ Nhất.
Thời gian tới, trên địa bàn tỉnh Lào Cai sẽ có 2 khu vực phục vụ hoạt động thể dục, thể thao quy mô lớn, mang tầm cơ quốc gia, là Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Sa Pa và khu đô thị mới, làng thể thao Olympic Tây Bắc - thành phố Lào Cai. Đặc biệt, Dự án Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Sa Pa có tổng kinh phí đầu tư 253 tỷ đồng, nguồn kinh phí đã được bố trí trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Ông Đặng Thanh Tùng, Trưởng Phòng Quản lý thể dục, thể thao, Sở Văn hóa - Thể thao cho biết: Dự án Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Sa Pa được xây dựng khang trang, hiện đại. Khi đi vào hoạt động, trung tâm này sẽ là môi trường tốt để các vận động viên luyện tập. Các vận động viên năng khiếu của Lào Cai cũng sẽ có nhiều hơn cơ hội được luyện tập trong môi trường thể thao hiện đại, chuyên nghiệp, đồng thời được cọ sát, thi đấu với các vận động viên quốc gia nhiều hơn để nâng cao trình độ chuyên môn.
Thể thao Lào Cai đã bước sang trang mới, tiếp tục khẳng định vị trí top đầu khu vực. Đây là minh chứng rõ nhất cho việc hưởng ứng và lan tỏa sâu rộng Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” tới các cấp, các ngành, các địa phương và đồng bào các dân tộc Lào Cai. Thời gian để Lào Cai trở thành trung tâm thể thao khu vực Tây Bắc không còn xa…