Hướng đến xã hội lưu trữ
Năm 2011, Luật Lưu trữ được Quốc hội khóa XIII thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2012, đánh dấu bước phát triển mới về luật pháp lưu trữ. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để quản lý thống nhất công tác lưu trữ trong phạm vi toàn quốc. Đến nay, công tác lưu trữ chuyển biến tích cực, đáp ứng ngày càng tốt hơn hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành công việc của cơ quan, tổ chức; yêu cầu khai thác, sử dụng tài liệu lưu trữ của xã hội.
Theo Chi cục Văn thư - Lưu trữ (Sở Nội vụ), qua hơn 10 năm thực hiện Luật Lưu trữ, công tác lưu trữ trên địa bàn tỉnh đi vào nền nếp; nhận thức của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức các cấp, ngành về tầm quan trọng của công tác lưu trữ, tài liệu lưu trữ được nâng lên rõ rệt. Hệ thống văn bản hướng dẫn nghiệp vụ về công tác lưu trữ của tỉnh dần được hoàn thiện, tạo cơ sở cho hoạt động quản lý, hướng dẫn nghiệp vụ; đội ngũ công chức, viên chức làm lưu trữ của tỉnh từng bước được tăng cường, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, kinh phí đầu tư cho công tác lưu trữ được quan tâm hơn. Một số cơ quan, tổ chức chủ động bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm để cải tạo kho lưu trữ, mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác lưu trữ.
“Tuy nhiên, nhiều cơ quan, tổ chức chưa bố trí được kho lưu trữ (nhất là cấp xã), dẫn đến tình trạng hồ sơ, tài liệu bị hư hỏng không thể phục chế. Việc kiện toàn tổ chức bộ máy ngành lưu trữ chưa được quan tâm đúng mức; trình độ chuyên môn của công chức, viên chức ở một số cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu công tác lưu trữ trong giai đoạn mới. Hồ sơ, tài liệu tồn đọng tại cơ quan, tổ chức thuộc nguồn nộp lưu chưa được quan tâm thực hiện chỉnh lý khoa học, nên rất khó khăn cho công tác thu thập, bổ sung hồ sơ, tài liệu vào Lưu trữ lịch sử tỉnh…” - Chi cục trưởng Chi cục Văn thư - Lưu trữ Nguyễn Thanh Tân chia sẻ.
Giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực này, đơn vị khẳng định việc xây dựng, ban hành Luật Lưu trữ (sửa đổi) là hết sức cần thiết, nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ trong lĩnh vực lưu trữ, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về lưu trữ, khắc phục bất cập, hạn chế trong thực tiễn công tác lưu trữ hiện nay, góp phần thực hiện Chương trình Chuyển đổi số quốc gia và Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số.
Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang Trình Lam Sinh thông tin, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi). Dự thảo luật gồm 8 chương, 65 điều, bám sát các chính sách lớn được Quốc hội thông qua tại đề nghị xây dựng luật, kịp thời thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc hệ thống pháp luật phải thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển sản phẩm, dịch vụ mới; khắc phục bất cập, hạn chế trong quá trình thực hiện Luật Lưu trữ năm 2011. Từ đó, kỳ vọng góp phần bảo đảm tốt hơn quyền tiếp cận thông tin của công dân theo quy định của Hiến pháp; thực hiện định hướng đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động lưu trữ, xây dựng một xã hội lưu trữ, một quốc gia lưu trữ.
Một điểm mới trong dự án luật là quy định về lưu trữ tư. Tài liệu lưu trữ tư thuộc sở hữu của cá nhân, quyền sở hữu tư nhân được pháp luật bảo hộ. Qua đó, bảo đảm, phát huy tốt hơn giá trị của tài liệu lưu trữ tư; tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền sở hữu của tổ chức, cá nhân đối với tài liệu lưu trữ tư; đồng thời, bảo đảm hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước và tổ chức, cá nhân trong quản lý đối với tài liệu này.
Tuy nhiên, hoạt động dịch vụ lưu trữ là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do tài liệu lưu trữ chứa đựng nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân, trong đó có những thông tin mà việc tiếp cận có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Vì vậy, Nhà nước chỉ khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước đầu tư kinh doanh hoạt động dịch vụ lưu trữ; đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ khuyến khích tài trợ, tham gia hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị tài liệu lưu trữ.
Trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, tình trạng khẩn cấp, phòng, chống thiên tai, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của tổ chức, cá nhân theo giá thị trường. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu, bổ sung quy định để thể hiện vai trò Nhà nước trong quản lý, mua tài liệu lưu trữ tư theo hướng “khuyến khích tổ chức, cá nhân ký gửi, tặng cho, bán tài liệu lưu trữ tư cho Nhà nước” tại Điều 48 của dự thảo luật.
Luật sư Trần Ngọc Bản (Đoàn Luật sư tỉnh) khá quan tâm đến lưu trữ tư: “Tôi thống nhất việc bổ sung nội dung mới lưu trữ tư vào dự thảo luật, trên cơ sở kế thừa, phát triển quy định về tài liệu lưu trữ của cá nhân, gia đình, dòng họ trong luật hiện hành. Đây là cơ sở pháp lý để thu hút nhiều hơn sự tham gia của tổ chức, cá nhân vào lưu trữ tài liệu. Không cần đổi tên thành Luật Lưu trữ Nhà nước, vì điều này vô hình chung đang xiết luật, không để lưu trữ tư phát triển”.
Quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Lưu trữ càng khẳng định vị trí, vai trò, giá trị của tài liệu lưu trữ; tầm quan trọng của hoạt động lưu trữ, công tác lưu trữ; vai trò, thẩm quyền của Nhà nước trong lĩnh vực này. Những quy định sát thực tế sẽ góp phần nâng cao nhận thức, ý thức của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc lưu trữ; sử dụng tài liệu lưu trữ, phục vụ cho lợi ích quốc gia, lợi ích của chính cơ quan, tổ chức, cá nhân ấy.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/huong-den-xa-hoi-luu-tru-a392819.html