Hướng đến xây dựng bản đồ số cho ngành nông nghiệp

Theo Bộ trưởng Đỗ Đức Duy, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc số hóa thông tin, mà cần hướng đến xây dựng các nền tảng dữ liệu lớn, dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh.

Chiều 10/5, phát biểu bế mạc tại Hội nghị Triển khai kế hoạch thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Bộ trưởng Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Việt Nam hiện đã xuất khẩu nông sản tới hơn 200 quốc gia/vùng lãnh thổ, trở thành nước xuất khẩu nông sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới.

Trong bức tranh chung đó, khoa học công nghệ đã đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp. Việc ứng dụng khoa học đã góp phần thúc đẩy sản xuất, chế biến, kinh doanh theo hướng liên kết chuỗi giá trị, hình thành vùng sản xuất khép kín quy mô hàng hóa, hiện đại để góp phần hoàn thiện hệ thống canh tác bền vững.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành nông nghiệp cũng cho rằng, để phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia trong ngành nông nghiệp và môi trường thực sự hiệu quả, các bên sẽ cần phải sát thực tế hơn và cần phải bắt đầu từ vấn đề nhỏ.

Dẫn chứng câu chuyện về một thanh niên người Mông ở huyện Mù Cang Chải phát triển mô hình nuôi chim bồ câu lai tạo thành công, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, nếu ngay từ đầu có sự hỗ trợ về yếu tố khoa học cơ bản, thì “công trình” của thanh niên người Mông sẽ thành công sớm hơn và có lan tỏa mạnh mẽ hơn, tạo điều kiện cho các dự án khởi nghiệp phát triển bền vững.

“Chính từ những mô hình nhỏ, những vấn đề khoa học đơn giản, sẽ tạo ra những giải pháp hiệu quả cho các dự án khoa học có tính thực tiễn giúp phát triển kinh tế xã hội bền vững hơn," Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nói.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Báo Nông nghiệp và Môi trường

Khoa học công nghệ là nền tảng phát triển bền vững

Tại sự kiện, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không chỉ là động lực tăng trưởng mới, mà còn là nền tảng quan trọng để nông nghiệp và môi trường Việt Nam phát triển nhanh và bền vững.

Bộ cam kết nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp để hoàn thiện thể chế, chính sách; tạo môi trường thuận lợi cho nghiên cứu, đổi mới và ứng dụng công nghệ. Từ đó, đưa nông nghiệp và môi trường Việt Nam bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Bộ trưởng cho rằng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số không thể thành công nếu chỉ là nhiệm vụ của cơ quan quản lý Nhà nước, đây là trách nhiệm và cơ hội của toàn ngành, trong đó doanh nghiệp, hợp tác xã, hiệp hội, nhà khoa học và người dân đều đóng vai trò không thể thiếu.

“Chúng ta phải biến Nghị quyết thành hành động cụ thể. Chuyển đổi số và khoa học công nghệ không phải là xu hướng, mà là con đường tất yếu để nông nghiệp và môi trường Việt Nam phát triển nhanh, hiện đại và bền vững,” Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng đề cập đến việc tổ chức lại hệ thống đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ theo hướng tinh gọn, tự chủ và hiệu quả thực chất. Đặc biệt, việc đặt hàng nghiên cứu cần xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của doanh nghiệp và người dân, tránh tình trạng “nghiên cứu để cất ngăn kéo,” vừa mất thời gian, vừa lãng phí.

Nói thêm về chuyển đổi số trong ngành, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chia sẻ, chuyển đổi số không chỉ dừng lại ở việc số hóa thông tin, mà cần hướng đến xây dựng các nền tảng dữ liệu lớn, dữ liệu dùng chung, bản đồ số chuyên ngành và hệ thống dự báo, cảnh báo thông minh.

Đơn cử, việc kết nối dữ liệu viễn thám, thủy văn, khí hậu với dữ liệu sản xuất nông nghiệp nhằm phục vụ điều hành hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, cũng như thiệt hại.

Năm nhiệm vụ trọng tâm triển khai

Trên cơ sở tổng hợp nội dung tham luận, ý kiến và định hướng chung, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh 5 nhiệm vụ trọng tâm mà toàn ngành nông nghiệp và môi trường sẽ tập trung triển khai ngay sau hội nghị.

Thứ nhất, toàn ngành sẽ phải tập trung tháo gỡ kịp thời các điểm nghẽn về thể chế, phối hợp chặt chẽ cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, sửa đổi, đề xuất bãi bỏ những quy định không còn phù hợp; có cơ chế linh hoạt hơn trong đặt hàng nghiên cứu khoa học, chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học.

Thứ hai là tổ chức lại hệ thống nghiên cứu khoa học theo hướng tinh gọn, hiệu quả và tự chủ thực chất; xây dựng các đơn vị nghiên cứu có năng lực cạnh tranh, có đối tác xã hội hóa, có khả năng kết nối doanh nghiệp; thúc đẩy mô hình “vườn ươm đổi mới sáng tạo,” kết nối công nghệ, thành lập mạng lưới chuyên gia ngành nông nghiệp và môi trường trong và ngoài nước.

Thứ ba là phải đổi mới toàn diện quy trình đặt hàng, xét duyệt, nghiệm thu nhiệm vụ khoa học công nghệ để các nhiệm vụ nghiên cứu phải xuất phát từ thực tiễn sản xuất, từ nhu cầu của người dân và doanh nghiệp, xem xét các danh mục “đặt hàng mở” để mời gọi sự tham gia rộng rãi của các chủ thể - không phân biệt công - tư.

Thứ tư, tập trung đào tạo, phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ NN&MT sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trường đại học, viện nghiên cứu để xây dựng các chương trình đào tạo sát thực tiễn. Bộ cũng có cơ chế thu hút đội ngũ chuyên gia, trí thức giỏi để tạo nên một hệ sinh thái nhân lực sáng tạo năng động, gắn bó với ngành.

Cuối cùng là ngành phải chuyển đổi số toàn diện, nghiên cứu mô hình sàn giao dịch công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp - môi trường, nơi kết nối nhà nghiên cứu với doanh nghiệp, hợp tác xã, nhà đầu tư.

Trong khuôn khổ hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, đại diện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ký kết văn bản hợp tác phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với Liên hiệp các Hội Khoa khoa học & Kỹ thuật Việt Nam và Tổng hội Xây dựng Việt Nam.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Long - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ NN&MT) cũng ký một loạt văn bản hợp tác với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng.

Dương Anh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/huong-den-xay-dung-ban-do-so-cho-nganh-nong-nghiep-41376.html