Hướng đi bền vững từ phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái
Những năm gần đây, các xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đang tích cực chuyển đổi theo hướng sản xuất chất lượng, hàng hóa. Từ đó, nhiều mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái xuất hiện ngày càng nhiều, bước đầu đem lại tín hiệu khả quan, thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái là một loại hình du lịch dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp. Đến với mô hình này, du khách sẽ được trải nghiệm các hoạt động như tham quan trang trại nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp, thu hoạch trái cây hoặc rau củ, tìm hiểu về quá trình sản xuất nông nghiệp.
Từ thực tế cho thấy, việc thí điểm mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp sinh thái đã khai thác tiềm năng phát triển rất lớn ở các địa phương, không chỉ nâng cao thu nhập cho người nông dân mà từ các mô hình này, nhiều người trong và ngoài tỉnh đã biết đến địa phương thông qua những lần về thực tế, trải nghiệm.
Tại xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên, khu vườn trồng nho Hạ Đen, nho Sữa theo hướng hữu cơ của anh Lưu Văn Hải, thôn Ba Gò có diện tích gần 2ha với khoảng 3.500 gốc nho đang đến kỳ thu hoạch. Hiện tại, khu vườn đang trở thành điểm đến của đông đảo du khách đến thăm quan, trải nghiệm.
Anh Hải chia sẻ: “Mô hình trồng nho ở Trung Mỹ là mô hình kinh tế mới nên ngay từ năm đầu tiên vườn nho ra quả, nhiều người hiếu kỳ đã tìm đến tận vườn để tham quan, trải nghiệm. Bởi không bán vé vào cổng nên lượt khách đến ngày càng đông, trung bình mỗi vụ, vườn nho đón từ 3.000 - 4.000 lượt khách.
Việc du khách đến trải nghiệm, tham quan thực tế đã tạo sự gắn kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Người tiêu dùng khi đến vườn không chỉ thấy được quy trình sản xuất, chất lượng sản phẩm mà còn được tìm hiểu về quy trình ươm trồng, chăm sóc, thưởng thức những chùm nho chất lượng không thua kém những vùng chuyên canh truyền thống và mua nho với giá cả hợp lý.
Với giá bán từ 150-170 nghìn đồng/kg nho Hạ đen và từ 250- 400 nghìn đồng/kg nho Sữa, hiện nay lượng nho sản xuất ra đến đâu bán hết đến đấy, còn không đủ so với nhu cầu mua của khách hàng”.
Tương tự với mô hình trồng nho ở Bình Xuyên, HTX Quảng Phúc, thôn Nội, xã Yên Bình, huyện Vĩnh Tường cũng đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế nhờ kết hợp nông nghiệp với du lịch sinh thái.
Từ năm 2020, HTX đã bắt đầu nhập 300 gốc nho Hạ đen, nho sữa Hàn Quốc, nho ngón tay Mỹ về trồng thử nghiệm. Sau khi theo dõi, quan sát tỉ mỉ quá trình sinh trưởng của cây và thấy phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, HTX tiếp tục mua thêm các giống cây về trồng. Hiện tại, trên tổng diện tích 1 ha, HTX đang trồng 250 gốc nho ngón tay Mỹ, 1.800 gốc nho sữa Hàn Quốc; 1.200 gốc nho Hạ đen.
Không chỉ trồng nho, HTX còn trồng thêm nhiều loại cây nhập ngoại như bí ngô mặt trời Mỹ, dưa lê chuối Đài Loan… theo tiêu chuẩn VietGap, thu hút nhiều đoàn khách đến tham quan. Trong đó, nhiều trường mầm non đã tổ chức cho các cháu đến trải nghiệm, tìm hiểu về cây, củ, quả.
Giám đốc HTX Quảng Phúc Vũ Văn Yên cho biết: “Việc đến thăm, trải nghiệm các mô hình sản xuất nông nghiệp sẽ giúp xây dựng, củng cố niềm tin của khách hàng đối với các nhà vườn. Điều này cũng đòi hỏi người sản xuất chúng tôi phải luôn duy trì, bảo đảm chất lượng sản phẩm để tạo niềm tin và đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Ngoài ra, nền kinh tế ngày càng chuyển dịch theo hướng phát triển thương mại, dịch vụ, do đó, chuyển đổi sản xuất nông nghiệp gắn với trải nghiệm thực tế đang là hướng đi cho thấy sự phù hợp, hiệu quả”.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay đang có những mô hình sản xuất nông nghiệp được đầu tư bài bản với hướng đi mới, bước đầu mang lại hiệu quả tích cực. Ngoài vườn nho ở Trung Mỹ (Bình Xuyên), Yên Bình (Vĩnh Tường), còn có thể kể đến mô hình trồng nho ở Nhân Đạo (Sông Lô), mô hình trồng dâu tây ở thị trấn Tam Đảo (Tam Đảo), mô hình trồng sen ở thị trấn Gia Khánh (Bình Xuyên), Thượng Trưng (Vĩnh Tường), thị trấn Hợp Hòa (Tam Dương)…, ngày càng thu hút đông đảo du khách tìm đến tham quan.
Ngoài những tín hiệu tích cực, trên thực tế, mô hình nông nghiệp kết hợp với du lịch sinh thái còn những khó khăn, bất cập.
Về mô hình trồng nho ở địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Mỹ Nguyễn Văn Toàn nhận định: “Du lịch nông nghiệp không chỉ mang lại nhiều lợi ích phát triển kinh tế bền vững cho nông dân mà còn là hướng đi phù hợp với xu thế phát triển hiện đại, được chính quyền địa phương khuyến khích nhân rộng.
Tuy nhiên, hầu hết các trang trại, HTX phát triển mô hình này đều mang tính tự phát, nhỏ lẻ hộ gia đình và hiện chưa có quy chuẩn nhất định. Muốn duy trì mô hình lâu dài thì cần nguồn vốn đầu tư, xây dựng sản phẩm từ nông nghiệp phục vụ du khách”.
Thời gian tới, để mô hình phát triển bền vững, ngành chức năng và địa phương cần định hướng quy hoạch, có chính sách đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng khu vực nông thôn.
Cùng với đó, du lịch nông nghiệp phải gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, hướng đến sự phát triển bền vững, cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, du lịch.
Có như vậy mới tạo đà phát triển cho nền kinh tế nông thôn, góp phần đẩy nhanh lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và hướng tới xây dựng làng quê đáng sống tại các địa phương.