Hướng đi chiến lược của du lịch Việt Nam
Ngày 23.4, tại TP.HCM, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam phối hợp với Tổng Công ty Viễn thông Mobifone tổ chức Tọa đàm 'Đồng hành cùng đối tác, doanh nghiệp phát triển thị trường khách du lịch đến Việt Nam'.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh
Tham dự có đại diện đến từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), Sở Du lịch TP.HCM, Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (ACV), các hãng hàng không, các doanh nghiệp lữ hành, cơ sở lưu trú, các đơn vị công nghệ, các cơ quan thông tấn báo chí…
Tọa đàm được tổ chức nhằm triển khai thỏa thuận hợp tác giữa Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và Tổng Công ty Viễn thông Mobifone về phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ du khách quốc tế đến Việt Nam
Tăng tốc chuyển đổi số để bứt phá thị trường
Năm 2025 là cột mốc quan trọng, đánh dấu sự phục hồi và bứt tốc sau đại dịch, với mục tiêu đón 22-23 triệu lượt khách quốc tế, 120-130 triệu lượt khách nội địa và tổng thu du lịch đạt 1 triệu tỉ đồng.
Phát biểu tại Tọa đàm, Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh: “Mục tiêu đã đề ra của năm 2025 cũng góp phần hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% GDP của cả nước và tăng trưởng 2 con số vào những năm tiếp theo”.
Để đạt được các mục tiêu này, ngành Du lịch cần đổi mới toàn diện từ cách tiếp cận thị trường, xúc tiến quảng bá đến ứng dụng công nghệ và số hóa trải nghiệm du lịch.
Cũng trong quý I.2025, Việt Nam đã đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,6% so với cùng kỳ 2024 và tăng đến 134% so với năm 2019, cho thấy đà phục hồi mạnh mẽ.
Những kết quả tích cực này phản ánh sự chỉ đạo quyết liệt từ Chính phủ, sự đồng hành của các địa phương và nỗ lực không ngừng của cộng đồng doanh nghiệp trong đổi mới sản phẩm, đa dạng hóa thị trường, nâng cao chất lượng dịch vụ.

Ông Nguyễn Quý Phương, lãnh đạo phòng Quan hệ quốc tế và Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) khái quát về xu hướng du lịch thế giới và tình hình du lịch Việt Nam
Hướng tới hệ sinh thái du lịch số thuận tiện, an toàn và bền vững
Tọa đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến thiết thực từ các đại biểu. Ông Nguyễn Quý Phương, lãnh đạo phòng Quan hệ quốc tế và Xúc tiến du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) chia sẻ, du lịch thế giới năm 2024 đã cơ bản phục hồi, đặc biệt tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với thiên nhiên và mang tính bền vững tiếp tục là xu hướng trong năm nay.
Việt Nam với lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, văn hóa đặc sắc đang trở thành điểm đến cạnh tranh trong khu vực.
Các thị trường ở Đông Bắc Á đang là thị trường khách chủ yếu của Du lịch Việt Nam. Với tốc độ tăng trưởng như các tháng đầu năm thì dự báo ngành du lịch Việt Nam có khả năng đạt được các mục tiêu đề ra trong năm 2025.
Tuy nhiên, ông Phương cũng nhấn mạnh: “Du khách ngày nay yêu cầu tính cá nhân hóa rất cao, từ sử dụng dịch vụ online, ứng dụng AI trong thiết kế hành trình đến trải nghiệm linh hoạt, an toàn, tiện lợi. Do đó, doanh nghiệp và điểm đến cần chủ động chuyển đổi để đáp ứng nhu cầu mới”.

Ông Phạm Hoàng Hồng Chuyên, đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an)
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), ông Phạm Hoàng Hồng Chuyên đã giới thiệu một số quy định trong công tác quản lý xuất nhập cảnh đối với du khách quốc tế đến Việt Nam.
Theo đó, từ ngày 15.8.2023, chính sách visa của Việt Nam đã thông thoáng hơn rất nhiều, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho du khách quốc tế và nhà đầu tư, thúc đẩy phát triển du lịch.
Hiện nay, công dân của tất cả các quốc gia và vùng lãnh thổ có thể xin visa điện tử (e-visa) để nhập cảnh vào Việt Nam với thời hạn tối đa là 90 ngày, có thể nhập cảnh một lần hoặc nhiều lần.
Việt Nam đang áp dụng miễn thị thực cho công dân của 29 quốc gia theo các hiệp định đơn phương và song phương.
Mới đây, theo Chương trình kích cầu phát triển du lịch trong năm 2025, Việt Nam miễn thị thực cho công dân các nước: Cộng hòa Ba Lan, Cộng hòa Séc và Liên bang Thụy Sỹ.
Đại diện Cục Quản lý xuất nhập cảnh cũng mong muốn, những chính sách cởi mở này với sự chung tay của cộng đồng những người làm du lịch, tạo thành hệ sinh thái để đảm bảo một môi trường an toàn, thân thiện cho du khách và vì sự phát triển bền vững của ngành Du lịch Việt Nam.

Đại diện Mobifone giới thiệu sản phẩm du lịch công nghệ Hi Vietnam
“Hi Vietnam” - sản phẩm công nghệ chào đón du khách quốc tế
Tại sự kiện, Mobifone giới thiệu sản phẩm du lịch công nghệ Hi Vietnam - một giải pháp tích hợp phục vụ du khách quốc tế ngay từ khi nhập cảnh.
Không chỉ đơn thuần là SIM/eSIM miễn phí, Hi Vietnam còn là nền tảng du lịch thông minh tích hợp đa tiện ích: tra cứu điểm đến, đặt dịch vụ, thanh toán quốc tế, hỗ trợ đa ngôn ngữ… giúp du khách trải nghiệm Việt Nam thuận tiện và an toàn hơn.
Đây là một bước đi thực tiễn, phù hợp với xu thế du lịch cá nhân hóa, thông minh và số hóa toàn diện.
Cục trưởng Nguyễn Trùng Khánh đánh giá cao sáng kiến này, coi đó là giải pháp mang tính đột phá giúp hiện thực hóa hệ sinh thái du lịch số hiện đại.
Ông nhấn mạnh, việc kết nối các đơn vị công nghệ, viễn thông với doanh nghiệp du lịch sẽ tạo ra những giá trị gia tăng bền vững, hỗ trợ hiệu quả cả du khách lẫn cơ quan quản lý điểm đến.
Nhân dịp này, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone giới thiệu sản phẩm du lịch Hi Vietnam - sản phẩm công nghệ dành cho du khách quốc tế ngay khi nhập cảnh vào Việt Nam.
Không chỉ cung cấp các dịch vụ tiện ích của SIM hay eSIM du lịch miễn phí, Hi Vietnam còn tích hợp nền tảng du lịch thông minh giúp du khách có thể dễ dàng tiếp cận thông tin điểm đến, đặt các dịch vụ liên quan, thanh toán quốc tế và hỗ trợ đa ngôn ngữ.
Mobifone dự kiến ra mắt chính thức Hi Vietnam vào đầu quý III năm 2025.
Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/huong-di-chien-luoc-cua-du-lich-viet-nam-129283.html