Hướng đi cho nông nghiệp sạch
Trên địa bàn TP Hà Nội có nhiều mô hình sản xuất hữu cơ, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó, phải kể đến mô hình trồng nấm theo công nghệ cao. Mô hình này đã tạo việc làm góp phần tăng thu nhập, từng bước thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp...
Một mô hình hiệu quả
Thị trường tiêu thụ nấm trong nước ngày càng tăng cao. Nhu cầu ăn nấm ngày càng tăng do nhiều người đã hiểu được giá trị dinh dưỡng và làm thuốc của nấm. Nắm bắt được thị hiếu này, Cty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là DN đầu tiên ở Hà Nội đầu tư trồng nấm bằng công nghệ cao.
Nhà máy chính thức được xây dựng vào tháng 4-2016 với tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2 áp dụng công nghệ của Nhật Bản, chi phí đầu tư máy móc, cơ sở vật chất lên đến gần 50 tỷ đồng. Các nguyên liệu đầu vào như cám gạo, cám mạch, lõi ngô, bã mía, bã củ cải, đậu tương, ngô nghiền... được phối trộn, thanh trùng rồi cấy giống bằng máy móc đảm bảo độ đồng đều và sự chính xác cao.
Bà Dương Thị Thu Huệ, GĐ Cty TNHH Xuất nhập khẩu Kinoko Thanh Cao, cho biết: Nhà máy sử dụng công nghệ, quy trình sản xuất, đóng gói 100% của Nhật Bản, trên tổng diện tích 3ha, diện tích nuôi trồng nấm 3.000m2, công suất sản xuất giai đoạn 1 là 1,5 tấn nấm kim châm/ngày, đến cuối năm 2017 đạt 3 tấn nấm kim châm/ngày, vốn đầu tư 3 triệu USD. Sản phẩm hiện được Cty TNHH Thực phẩm lý tưởng Việt Nam phân phối độc quyền tại nhiều siêu thị ở miền Bắc và một DN khác phụ trách khu vực phía Nam.
Với việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, UBND TP Hà Nội thông qua Sở KH&CN hỗ trợ thêm 2,95 tỷ đồng cùng kỹ thuật sản xuất để hỗ trợ DN phát triển. Theo bà Dương Thị Thu Huệ, dự án trên có được những kết quả tích cực là nhờ sự tham gia tích cực của 3 “nhà”: Nhà nông - Nhà doanh nghiệp - Nhà nước. Thành công của đơn vị đã mở ra hướng đi mới cho ngành công nghiệp trồng nấm của Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung.
Kêu gọi đầu tư với số vốn khoảng 6.700 tỷ đồng
Theo Sở NN&PTNT Hà Nội, thời gian qua, mặc dù trên địa bàn TP đã hình thành nhiều mô hình nông nghiệp CNC mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, song việc ứng dụng CNC trong sản xuất nông nghiệp của TP vẫn ở quy mô nhỏ lẻ. Toàn TP mới có duy nhất 1 mô hình nông nghiệp CNC được Bộ NN&PTNT công nhận (mô hình trồng nấm kim châm hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại huyện Mỹ Đức). Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC, Sở NN&PTNT Hà Nội đã tổng hợp danh mục 11 dự án kêu gọi đầu tư trong giai đoạn 2019 - 2025 với số vốn khoảng 6.700 tỷ đồng, tại các huyện: Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng...
Về những khó khăn trong việc thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC, GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ cho biết, DN muốn đầu tư vào nông nghiệp CNC phải thực hiện giải phóng mặt bằng như các dự án đô thị, giao thông khác hoặc thuê đất của nhiều hộ riêng lẻ. Trong khi đó, chi phí giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng ban đầu cho các dự án này tại Hà Nội cao hơn rất nhiều so với các tỉnh, thành lân cận. Chưa kể, ở nhiều địa phương, nông dân bỏ ruộng hoang nhưng cũng không tạo điều kiện cho DN, HTX thuê lại đất để thực hiện các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC.
Thu hút đầu tư vào nông nghiệp CNC đang vướng phải không ít rào cản như: Hạ tầng giao thông, thủy lợi, hệ thống xử lý môi trường, khu sản xuất nông nghiệp thiếu đồng bộ, nguồn nhân lực thiếu và yếu. Đáng nói, để được hỗ trợ lãi suất khi vay vốn, các dự án nông nghiệp ứng dụng CNC phải đáp ứng đồng thời 2 tiêu chí là được cấp có thẩm quyền phê duyệt và chưa được hưởng hỗ trợ từ các chính sách khác trong khi tài sản được thế chấp vẫn giới hạn là quyền sử dụng đất, không tính đến tài sản gắn liền với đất.
GĐ Sở NN&PTNT Hà Nội - Chu Phú Mỹ cho rằng, các chính sách về vốn đầu tư cần được kết hợp, lồng ghép với chương trình, mục tiêu của Chính phủ, Bộ KH&CN, Bộ NN&PTNT, TP Hà Nội để tạo nguồn lực đủ mạnh cho phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC theo hướng liên kết Nhà nước - Nhà khoa học - DN - Nông dân. Đồng thời, tạo cơ chế huy động nguồn lực tư nhân theo hình thức công - tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng. Bên cạnh đó, TP cần hỗ trợ kinh phí để xây dựng mô hình điểm làm nơi thực hành, tham quan để nâng cao hiệu quả quá trình đào tạo, tập huấn, từ đó nâng cao trình độ cho đội ngũ lao động trực tiếp sản xuất.
Hiện, Sở NN&PTNT đã kiến nghị TP điều chỉnh các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy hoạt động quảng bá, xây dựng thương hiệu nông sản ứng dụng CNC; thí điểm một số loại hình chợ để các sản phẩm nông nghiệp CNC tiếp cận với đông đảo người tiêu dùng.
(Trang thông tin có sự phối hợp của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội)
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/huong-di-cho-nong-nghiep-sach-202972.html