Hướng di chuyển mới người dân cần lưu ý khi cầu Vĩnh Tuy 2 thông xe
Kể từ thời điểm khai thác, đưa vào sử dụng cầu Vĩnh Tuy 2, hướng di chuyển từ trung tâm thành phố đi Long Biên và ngược lại sẽ có sự thay đổi.
Video cầu Vĩnh Tuy 2 trước ngày thông xe:
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội (chủ đầu tư dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2), sau lễ thông xe vào sáng 30/8 tới đây, cầu Vĩnh Tuy sẽ có thêm 4 làn đường được bổ sung, nâng số làn lên 8 làn - rộng gấp đôi hiện nay.
Bên cạnh việc mở rộng diện tích mặt đường, phương án tổ chức giao thông mới cũng sẽ được thực hiện. Theo đó, toàn bộ xe đi từ các đường dẫn phía trung tâm thành phố Hà Nội đi Long Biên sẽ đi từ cầu mới. Trong khi đó phần cầu cũ sẽ dành toàn bộ cho xe đi từ phía Long Biên sang nội thành.
Trên cầu mới, xe ô tô từ nội thành lên sẽ đi 3 làn ở giữa. Làn xe ở bên phải cầu mới sẽ là làn đường hỗn hợp, trong đó có dành cho xe máy, xe đạp... Tốc độ tối đa phương tiện ô tô được phép chạy trên cầu Vĩnh Tuy mới là 60km/h; xe máy tối đa là 40km/h.
Hiện toàn bộ mặt cầu Vĩnh Tuy 2 và đường dẫn 2 đầu cầu đã được thảm bê tông nhựa, sẵn sàng thông xe từ sáng 30/8. Vị trí các nhịp giữa vượt dòng chính sông Hồng được chọn là nơi làm lễ thông xe.
Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 được khởi công xây dựng vào ngày 9/1/2021 với tổng mức đầu tư 2.538 tỷ đồng. Cây cầu nghìn tỷ này có tổng chiều dài tuyến (bao gồm cầu và đường dẫn) khoảng 3.473m; gồm 61 nhịp (8 nhịp liên tục dầm hộp đúc hẫng cân bằng vượt dòng chủ; 44 nhịp Super T vượt bãi sông phía Bắc; 3 nhịp dầm hộp đúc hẫng cân bằng vượt đê Tả Hồng; 6 nhịp dầm hộp bản rỗng đúc trên đà giáo).
Cầu Vĩnh Tuy 2 được thiết kế với mặt cắt ngang rộng 19,3 m tương đương bốn làn xe (hai làn xe cơ giới, một làn xe buýt, một làn tổng hợp và dải đi bộ). Điểm đầu của cây cầu giao với đường Trần Quang Khải - Nguyễn Khoái - Minh Khai (quận Hai Bà Trưng), điểm cuối giao đường Long Biên - Thạch Bàn (quận Long Biên).