Hướng đi đúng để bảo tồn nghề truyền thống

Làng nghề truyền thống của Việt Nam có lịch sử phát triển lâu đời, là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đa dạng, mang tính cộng đồng cao. Theo xu thế hiện nay, du lịch làng nghề đang dần trở thành hoạt động du lịch văn hóa đặc trưng, hấp dẫn du khách. Du lịch làng nghề mang lại hiệu quả kép vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của làng nghề, vừa mang lại lợi ích kinh tế - xã hội.

Du khách khám phá sản phẩm của làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Du khách khám phá sản phẩm của làng gốm Thanh Hà, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam. Ảnh: Bích Nguyên

Hiệu quả kép

Phát triển du lịch làng nghề đã được Đảng và Nhà nước xác định là một hướng đi mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế nông thôn, bảo tồn làng nghề và nghề truyền thống. Trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 147/TTg-QĐ ngày 22-1-2020 đã xác định: “Chú trọng phát triển du lịch văn hóa, gắn phát triển du lịch với bảo tồn, phát huy giá trị di sản và bản sắc văn hóa dân tộc”.

Trên cơ sở định hướng đó, phát triển du lịch làng nghề đã được nhiều địa phương khai thác. Trong đó, thành phố Hà Nội đã công nhận 309 làng nghề, nghề truyền thống. Hà Nội đã xây dựng 17 dự án phát triển làng nghề truyền thống, di tích văn hóa gắn với du lịch. Còn tỉnh Hà Giang đã có 40 làng nghề được công nhận, trong đó có 5 làng nghề được bảo tồn; phát triển sản phẩm của 11 làng nghề gắn với du lịch. Để bảo tồn và phát triển làng nghề, tỉnh Hà Giang đã ban hành chính sách phát triển du lịch tại các làng văn hóa du lịch cộng đồng, làng nghề. Trong khi đó, toàn tỉnh Quảng Nam có 45 làng nghề. Sản phẩm nghề, làng nghề Quảng Nam trong quá khứ đã tạo dựng tên tuổi với nhiều sản phẩm độc đáo, mang bản sắc riêng của vùng đất này được người dân cả nước và thế giới biết đến như: Dệt lụa Mã Châu, dâu tằm Đông Yên - Thi Lai, gốm sứ Thanh Hà, đúc đồng Phước Kiều, mộc Vân Hà, mộc Kim Bồng, lồng đèn Hội An. Công tác phát triển làng nghề gắn với du lịch được tỉnh Quảng Nam rất chú trọng và khai thác triệt để thông qua việc ban hành các đề án, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển du lịch làng nghề, làng nghề truyền thống... Nhờ đó, một số làng nghề đã hồi sinh và phát triển rất tốt.

Thực tế, điểm du lịch làng nghề đã góp phần đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng tuyến, điểm du lịch, trở thành điểm vệ tinh giảm bớt sự quá tải của các trung tâm du lịch, kéo dài thời gian lưu trú và nâng chi tiêu của khách du lịch tại các địa phương, tạo được nguồn thu để các làng nghề duy trì hoạt động. Ví dụ điển hình thành công nhất là làng nghề truyền thống gốm sứ Bát Tràng. Nhờ tận dụng tốt các ưu thế của một làng nghề hàng trăm tuổi, cộng với sự đổi mới, sáng tạo, nhanh nhạy nắm bắt thị hiếu của du khách và người tiêu dùng, làng gốm Bát Tràng đã trở thành điểm du lịch hấp dẫn, thu hút rất đông khách nội địa và khách nước ngoài.

Cùng với làng gốm Bát Tràng, nhiều làng nghề khác đã dần định vị được vị thế của mình trong bản đồ du lịch Việt Nam, trở thành điểm đến cố định của các tour du lịch phục vụ du khách trong và ngoài nước. Có thể kể đến làng lụa Vạn Phúc (Hà Nội), làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh), làng gốm Thanh Hà, làng mộc Kim Bồng, rau Trà Quế (Quảng Nam), làng nghề sơn mài, gốm sứ Bình Dương; làng trồng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp).

Điểm dễ nhận thấy nhất là nhờ phát triển dịch vụ du lịch, nghề truyền thống của các làng nghề kể trên được bảo tồn nguyên vẹn và có bước phát triển hơn với những ý tưởng sáng tạo độc, lạ mang hơi thở cuộc sống đương đại, đáp ứng thị hiếu của du khách. Không chỉ vậy, sản phẩm của các làng nghề còn được xuất khẩu, tiêu dùng rộng rãi mang lại nguồn thu ổn định cho người dân và địa phương.

Cần sự đầu tư bài bản

Làng nghề truyền thống có tiềm năng rất lớn để phát triển du lịch nhưng hiện chưa phát huy hết hiệu quả do vẫn còn có những “điểm trừ” và nút nghẽn. Trước tiên, làng nghề truyền thống ở Việt Nam có lịch sử phát triển mang tính cộng đồng cao, do người dân làm chủ thể. Việc xây dựng, thực thi quy hoạch và thu hút đầu tư phát triển làng nghề thành điểm du lịch đồng bộ, chuyên nghiệp khó khăn hơn so với phát triển điểm du lịch độc lập, do một đơn vị triển khai. Bên cạnh đó, hoạt động du lịch tại làng nghề truyền thống phần lớn đan xen với hoạt động sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của cộng đồng dân cư nên việc tổ chức không gian, quản lý chất lượng dịch vụ khó khăn hơn.

Ông Tạ Văn Tường, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội nhận định, phát triển làng nghề không thể tách rời với phát triển du lịch. Đây là mối quan hệ tương hỗ giúp tăng nguồn thu cho người dân, vừa bảo tồn được nghề. Vì thế, cần nâng cấp cơ sở hạ tầng làng nghề gắn với du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các làng nghề chủ yếu đáp ứng nhu cầu tham quan trong thời gian ngắn, chưa có nhiều dịch vụ trải nghiệm, năng lực phục vụ còn chưa chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, việc khai thác đội ngũ nghệ nhân tại các làng nghề phục vụ cho phát triển du lịch chưa hiệu quả, phần lớn người thợ mới chỉ để ý đến kỹ thuật sản xuất theo truyền thống, thiếu kỹ năng trình diễn phục vụ khách du lịch.

Phát triển du lịch làng nghề là hướng đi phù hợp và đã được nhiều quốc gia ưu tiên đầu tư. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng của du lịch làng nghề, đảm bảo phát triển bền vững, các địa phương cần thực hiện có hiệu quả việc lồng ghép quy hoạch phát triển du lịch làng nghề gắn với phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn. Bên cạnh đó, cần có đề án phát triển chi tiết, bố trí diện tích đất cho xây dựng bãi đỗ xe, khu dịch vụ, khu vệ sinh công cộng, khu trưng bày và bán hàng lưu niệm... đảm bảo tính đồng bộ của điểm đến.

Ngoài ra, các địa phương cần có chính sách phát triển đội ngũ nghệ nhân, phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch tại các làng nghề truyền thống, hỗ trợ công tác bảo tồn, phục dựng một số hoạt động truyền thống, tinh hoa của làng nghề. Các làng nghề cần phải xây dựng sản phẩm đa dạng, mang tính đặc trưng của địa phương và đáp ứng được nhu cầu của du khách. Đồng thời, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm cho sản phẩm làng nghề.

Bích Nguyên

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/huong-di-dung-de-bao-ton-nghe-truyen-thong-post435410.html