Hướng đi hiệu quả của hợp tác xã

Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP). Đây là cơ hội tốt để các HTX tăng khả năng cạnh tranh...

Thu hái chè nguyên liệu ở HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê - HTX đã có sản phẩm OCOP

Thu hái chè nguyên liệu ở HTX sản xuất và chế biến chè Đá Hen, xã Đồng Lương, huyện Cẩm Khê - HTX đã có sản phẩm OCOP

(baophutho.vn)

- Thời gian qua, cùng với đẩy mạnh liên kết sản xuất, một số hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đã chủ động tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Đây là cơ hội tốt để các HTX tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm nông sản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, hoàn thiện chuỗi giá trị từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm, nâng cao thu nhập cho thành viên HTX.

Góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn
OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân. Việc triển khai chương trình OCOP đã tạo thêm động lực cho các HTX mạnh dạn đầu tư phát triển các sản phẩm có lợi thế của mình; từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn sản phẩm, đáp ứng tiêu chuẩn nhiều thị trường khác nhau gắn với việc hình thành và phát triển các hình thức sản xuất nông thôn phù hợp. Đồng thời, việc đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đã khuyến khích, tạo động lực cho các chủ thể tham gia chương trình khắc phục những tồn tại, hạn chế, tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm, thúc đẩy phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết và tiêu thụ, mang lại giá trị kinh tế cao hơn.

Trong số 28 sản phẩm tham gia đánh giá, xếp hạng OCOP cấp tỉnh năm 2020 có 18 sản phẩm của 14 HTX, tổ hợp tác đạt tiêu chuẩn OCOP; trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 14 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Sản phẩm OCOP của các HTX bước đầu ghi dấu ấn trong phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nhiều sản phẩm đặc trưng sản xuất theo phương thức truyền thống khi tham gia vào chương trình OCOP được sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chí chất lượng. Tất cả các sản phẩm sau khi công nhận được sử dụng nhãn hiệu OCOP và thứ hạng sao đạt được in, dán trên bao bì sản phẩm, tạo điều kiện để sản phẩm của HTX có chỗ đứng trên thị trường, đặc biệt là tạo niềm tin đối với người tiêu dùng.Sau khi có 2 sản phẩm là mỳ gạo loại đặc biệt và mỳ gạo sạch sinh ra từ làng được công nhận OCOP cấp tỉnh hạng 4 sao năm 2020, các sản phẩm của HTX mỳ gạo Hùng Lô, xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì đã được đông đảo người tiêu dùng biết, sử dụng; góp phần mở rộng mạng lưới tiêu thụ thông qua nhiều kênh giới thiệu, bán hàng. Từ đó thúc đẩy sản xuất của HTX, tăng cả về quy mô, chất lượng cũng như đa dạng hóa các mặt hàng, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ông Cao Đăng Duy - Giám đốc HTX mỳ gạo Hùng Lô cho biết: “Sau khi triển khai xây dựng và sản phẩm được chứng nhận chương trình OCOP, HTX đã trợ lực tích cực để người sản xuất vững tâm phát triển nghề. Sản lượng tiêu thụ, thu nhập cao hơn trước khoảng 10%. Hiện trung bình mỗi tháng HTX sản xuất, chế biến được hơn 32 tấn bún, mỳ khô các loại. Nhờ chủ động đổi mới, nâng cấp công nghệ, sản phẩm của HTX đã được công nhận nhãn hiệu tập thể, kết nối thành công đưa vào tiêu thụ tại các hệ thống siêu thị trong và ngoài tỉnh, góp phần nâng cao giá trị sản xuất, phát triển thương hiệu địa phương. Đó cũng trở thành bước đệm để năm 2021 HTX tiếp tục đăng ký 2 sản phẩm đạt OCOP là mỳ rau, củ, quả và mỳ phở”.Tham gia chương trình OCOP là cơ hội tốt để HTX khẳng định chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng thị trường, từ đó, nâng cao hiệu quả sản xuất của các HTX, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Với những nơi sở hữu sản phẩm nông nghiệp đặc sản, bản địa, nhiều HTX đã lựa chọn cho sản phẩm của mình theo hướng đi riêng, đặc thù gắn với chương trình OCOP để phát huy lợi thế về chất lượng, yếu tố sản xuất, tiêu dùng mang tính văn hóa, truyền thống. Phát triển các sản phẩm dựa trên tiềm năng, thế mạnh của địa phương là nền tảng vững chắc để xây dựng thương hiệu gắn với đặc trưng vùng miền.

Tiếp tục đồng hành cùng HTX trong chương trình OCOPTham gia chương trình OCOP, các HTX, tổ hợp tác đã được các cấp, ngành hỗ trợ trong việc quảng bá, giới thiệu thương hiệu, sản phẩm, đặc biệt là tìm kiếm các kênh phân phối, kết nối, mở rộng việc tiêu thụ sản phẩm. Sở Công thương đã hỗ trợ, kết nối với các siêu thị bán các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đặc sản trên địa bàn tỉnh; phối hợp với Sở NN&PTNT, các sở, ngành tổ chức hội nghị kết nối giao thương cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong và ngoài tỉnh. Xây dựng 1 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản vùng miền, liên kết với các hoạt động tour, tuyến du lịch, lễ hội…Để góp phần thuận lợi trong việc kết nối các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông lâm sản của tỉnh, thời gian qua, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin triển khai xây dựng các giải pháp thương mại điện tử; phối hợp với các sở, ngành hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử giaothuong.net.vn và sàn giao dịch thương mại điện tử voso.vn để quảng bá, kinh doanh sản phẩm, dịch vụ…

Ngày 30/3/2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 1207/KH-UBND về việc triển khai thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” năm 2021. Theo đó, phấn đấu hết năm 2021, lũy kế có ít nhất 78 sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên. Khuyến khích, phát triển (doanh nghiệp, HTX, làng nghề, hộ/cơ sở sản xuất kinh doanh) tham gia chương trình OCOP. Để đạt được mục tiêu này, trước mắt, các sở, ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thành, thị cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chương trình; tiếp tục tổ chức rà soát, đánh giá các sản phẩm đặc trưng để tham gia chương trình OCOP; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác có đủ năng lực về vốn, kinh nghiệm để phát triển sản phẩm đặc trưng, có lợi thế được ổn định, lâu dài. Cùng với đó, các địa phương cần tập trung hỗ trợ nguồn lực, đề xuất các giải pháp để phát triển hạ tầng, vốn, khoa học công nghệ cho các tổ chức kinh tế nói chung và HTX tham gia OCOP; tạo điều kiện hỗ trợ các HTX tham gia quảng bá, tiếp thị giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm OCOP tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh, thông qua hoạt động thương mại điện tử, các điểm giới thiệu sản phẩm, liên kết với các tua tuyến du lịch, lễ hội trên địa bàn tỉnh... Bà Vũ Thị Minh Tâm - Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: “Để tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX, tổ hợp tác tham gia chương trình OCOP, Liên minh HTX tỉnh đã hỗ trợ tư vấn xây dựng hồ sơ, phát triển sản phẩm OCOP cho các HTX. Cụ thể, chúng tôi đã tư vấn, hỗ trợ các HTX đổi mới quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng; cải tiến mẫu mã bao bì sản phẩm. Trong năm 2020, Liên minh HTX đã hỗ trợ xây dựng bao bì cho 16 sản phẩm HTX như: Rau sắn muối chua của HTX Liên Gia Trang (Thụy Liễu, Cẩm Khê), mật ong (Tinh Nhuệ, Thanh Sơn), tương làng Bợ (Thạch Đồng, Thanh Thủy)… nhiều sản phẩm đã được công nhận OCOP 3, 4 sao và là bước đệm để tiếp tục xây dựng đạt chuẩn OCOP trong năm 2021. Liên minh HTX sẽ tiếp tục tập trung nguồn lực từ ngân sách Nhà nước và xã hội, tạo điều kiện để các HTX tham gia chương trình OCOP. Tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ nhằm thay đổi nhận thức của các HTX và nhân dân để học tích cực tham gia; khuyến khích xây dựng, phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, địa phương, trong đó chú trọng bao bì, mẫu mã, hướng đến loại hình hàng hóa là quà tặng, quà biếu với chất lượng, hình thức đóng gói đẹp mắt, đảm bảo…”. Cùng với các chính sách hỗ trợ, bản thân các HTX, tổ hợp tác cần chủ động tiếp cận những chính sách hỗ trợ cũng như phát huy nội lực, liên kết để phát triển sản xuất đồng bộ, quảng bá và xây dựng thành thương hiệu; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, trong đó nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc... đảm bảo theo quy định.

Huy Công

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202106/huong-di-hieu-qua-cua-hop-tac-xa-177502