Hướng đi mới cho cây cam, quýt ở xã Vĩnh Hảo
Xã Vĩnh Hảo, huyện Bắc Quang sẽ chú trọng sản xuất sạch, tự quảng bá, tự tìm liên kết để bán sản phẩm của địa phương và tiến tới xây dựng thương hiệu riêng để tiếp cận nhanh thị trường tiêu dùng... Đó là quan điểm của tập thể lãnh đạo xã.
Lời giải từ thực tiễn
Anh Đặng Xuân Hoàn, 54 tuổi, trú tại thôn Thọ Quang, xã Vĩnh Hảo khẳng định: Đã 2 vụ cam đi qua, mỗi vụ trên 80 tấn đều bán gọn ngay trước Tết nguyên đán. Còn ít quả để lại ngay sát vườn nhà, sau Rằm tháng Giêng là khách đặt mua hết sạch. Cam làm ra trước hết phải đảm bảo 2 tiêu chuẩn là an toàn và phải ngọt. Còn bán cam cho khách hàng phải đảm bảo không dập vỏ, phải đóng bao bì cẩn thận để vận chuyển và thời gian đủ dài để tiêu dùng không bị thối. Để quả cam an toàn đòi hỏi người sản xuất phải tuân thủ tuyệt đối quy tắc sản xuất an toàn. Trong đó, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được cho phép sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Ngay trước thời gian thu hái sản phẩm phải đảm bảo đủ thời gian cách ly sử dụng thuốc theo đúng quy chuẩn của nhà sản xuất. Nguyên tắc trên hiện đã được UBND xã Vĩnh Hảo phối kết hợp với các cơ quan chức năng của huyện, tỉnh quán triệt và đưa vào quy tắc, quy ước của từng thôn bản. Tại các thôn, những gia đình trồng cam tự kiểm tra, quán triệt nhau để cùng sản xuất làm ra sản phẩm cam an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Hoàn cho biết thêm: Đã vài năm gần đây, gia đình chuyển dần sang canh tác bán hữu cơ. Có nghĩa, sử dụng 50% phân chuồng, các chế phẩm ngâm ủ vi sinh + 50% các loại phân bón vô cơ trộn với nhau để chăm bón theo chu kỳ sinh trưởng của cây, hoa, quả. Đối với thuốc bảo vệ thực vật sử dụng 100% thuốc sinh học, được chia thành nhiều giai đoạn khác nhau để trừ sâu, phòng bệnh cho cây trồng. Để sản phẩm có thêm độ ngọt tự nhiên của cam, quýt, anh Hoàn đã sử dụng thêm phân Ka li trắng để chăm bón nuôi quả. Tất cả các loại thuốc, phân bón có nguồn gốc vô cơ đều phải chăm bón xong trước tháng 9 đối với cam Sành và trước tháng 6 đối với cam Vàng và quýt ngọt để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng.
Chị Trần Thị Ao, năm nay 57 tuổi, trú tại thôn Vĩnh Chính cho biết, năm nào sản phẩm cam, bưởi da xanh của gia đình chị cũng bán trước Tết nguyên đán. Sau Tết, mưa Xuân về chỉ mỗi việc lo chăm bón để cây chắc gốc, đâm lộc, nở hoa... Bí quyết làm vườn của chị Ao là sản xuất “thuận với tự nhiên” để có 100% sản phẩm hữu cơ đưa đến tay người tiêu dùng.
Chị Ao cho biết: Đất Vĩnh Hảo rất hợp với cây cam Sành. Sản xuất thuận thiên là giải pháp dễ làm, hiệu quả nhất bởi chi phí ban đầu thấp. Chị Ao ủ chuối, ủ cỏ với đỗ tương làm phân bón cho cam, bưởi. Thời gian chuyển từ bón phân vô cơ sang bón hữu cơ phải mất ít nhất 3 vụ mới mang lại hiệu quả thiết thực. Những người nóng vội sẽ không bao giờ thành công khi chuyển đổi phương thức sản xuất. Và cũng nói thêm rằng, sản xuất bằng giải pháp truyền thống hay thuận thiên hiện nay mang lại lợi ích lâu dài cho cả người sản xuất và xã hội. Còn khi đã có sản phẩm sạch, chất lượng sản phẩm tốt thì cả xã hội đều tin dùng.
Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo Hoàng Văn Xuân đưa tôi đến đại lý vật tư của anh Nguyễn Văn Tuấn nằm ngay thôn Thọ Quang. Anh Tuấn cho biết: Mỗi năm, đại lý của anh cung cấp hàng nghìn tấn phân bón vi sinh uy tín và trên 7,5 tỷ đồng tiền thuốc bảo vệ thực vật có tính thảo dược cho bà con trồng cam. Cung cấp các vật tư, phân bón hữu cơ, vi sinh để bà con trồng cam an toàn. Trồng cam hữu cơ đã, đang là hướng chuyển mới, cách làm mới tại Vĩnh Hảo hiện nay.
Đề cập lại vấn đề thiệt hại hàng ngàn tấn cam rụng gốc, thối rữa hồi đầu năm 2020 vừa qua, anh Hoàn cho biết: Cây cam Vàng đến tháng 9 là quả chín; cây cam Sành đến tháng Chạp là chín. Cả 2 loại cam khi chín đều là lúc cây cho quả chất lượng tốt nhất, cân nặng nhất và bán được lúc này là tốt nhất. Người trồng cây lấy quả phải cân nhắc giữa sản phẩm mình làm ra và tín hiệu thị trường để tiêu thụ sản phẩm mới là người làm vườn thông thái. Bán đúng thời vụ còn giúp cây hồi phục nhanh, bền gốc, chắc cành và lắm hoa, nhiều quả. Đồng thời cũng là cách hạn chế tối đa rủi ro do thời tiết, sâu bệnh trái mùa, trái vụ gây ra. Cách làm trên hiện đang được nhiều hộ trồng cam tại xã Vĩnh Hảo thực hiện rất tốt.
Tự mở lối đi của riêng mình
Vụ thu hoạch cam, quýt sắp tới, Vĩnh Hảo ước khoảng 9.350 tấn sản phẩm. Để hỗ trợ bà con tiêu thụ sản phẩm, xã Vĩnh Hảo đã chỉ đạo và vận động người nông dân sản xuất an toàn để có sản phẩm cam, quýt an toàn tuyệt đối.
Tuy nhiên, theo Bí thư Đảng ủy xã Vĩnh Hảo, sản phẩm cam Sành, cam Vàng ở Vĩnh Hảo vẫn còn khó khăn trong tiêu thụ bởi 2 lý do: Thứ nhất, tính bảo thủ găm hàng, giữ giá của đại đa số người trồng cam. Thứ hai, công tác xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh, sản phẩm đến người tiêu dùng cả nước còn rất nhiều hạn chế. Cho nên ngay trong vụ thu hoạch cam năm nay, Vĩnh Hảo sẽ thực hiện xã hội hóa để xúc tiến quảng bá, tiêu thụ sản phẩm cam, quýt ngay trong tháng 9.2020. Công việc xúc tiến, quảng bá do UBND xã Vĩnh Hảo làm đầu mối cùng các HTX, tổ hợp tác, người trồng cam trực tiếp mời gọi, giới thiệu về cam Vĩnh Hảo đến với người tiêu dùng cả nước. Từ đó, UBND xã, các HTX, tổ hợp tác, thậm chí ngay cả hộ gia đình sẽ trở thành những đại diện trước khách hàng và chịu toàn bộ trách nhiệm trước pháp luật để quảng bá, ký kết tiêu thụ sản phẩm do chính họ làm ra.
Vĩnh Hảo cũng cương quyết loại bỏ những người, những gia đình làm ăn thiếu trung thực, gây ảnh hưởng đến sản phẩm chung. Tiến tới quyên góp xây dựng quỹ hỗ trợ phát triển cam, quýt ngay tại cơ sở do chính người dân đóng góp và làm chủ cũng như tự kiểm soát. Quỹ này sẽ hỗ trợ quảng bá, xây dựng hình ảnh, hỗ trợ thiên tai. Đồng thời xúc tiến việc xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý riêng cho các sản phẩm cam, quýt của Vĩnh Hảo trong thời gian sớm nhất.
Bài, ảnh: Nguyễn Mạnh Hùng