Hướng đi mới cho dân số

22/63 tỉnh, thành phố ở Việt Nam hiện có tổng tỉ suất sinh dưới 2,03. Tức là 35% tỉnh, thành đã trở thành 'hố đen dân số' ở các mức khác nhau. Vì thế, cần có những thay đổi chính sách mạnh mẽ để phát triển bền vững về con người

Mới đây, trong báo cáo đánh giá tác động của dự án Luật Dân số đang được lấy ý kiến, Bộ Y tế đề xuất bỏ quy định mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh 1-2 con, trao quyền quyết định số con cho các cặp vợ chồng. Đây là thay đổi căn bản so với Pháp lệnh Dân số hiện hành; được kỳ vọng tránh tình trạng mức sinh xuống quá thấp, gây già hóa dân số, tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh.

Những con số đáng lo ngại

Diễn biến tổng tỉ suất sinh (TTSS) ở Việt Nam giai đoạn 1960-2010 phù hợp với chương trình kế hoạch hóa gia đình quốc gia, nhằm giảm tỉ lệ sinh ở Việt Nam. Tuy nhiên, từ năm 2016, giữ vững TTSS thay thế đã trở thành mục tiêu mới của chính sách dân số Việt Nam.

Theo đó, Nghị quyết 21-NQ/TW năm 2017 của Trung ương Đảng về công tác dân số trong tình hình mới và Chiến lược phát triển dân số đến năm 2030 của Chính phủ (năm 2019) đã xác định giải pháp căn bản để bảo đảm vững chắc TTSS thay thế ở Việt Nam (2,1). Cụ thể, các địa phương có TTSS trên TTSS thay thế phải giảm TTSS; các địa phương có TTSS dưới TTSS thay thế phải tăng được TTSS; các địa phương có TTSS bằng TTSS thay thế phải ổn định TTSS.

Thế nhưng, kết quả thực hiện nghị quyết và chiến lược nêu trên đến nay rất đáng lo ngại. Ba vùng trung du - miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ - duyên hải miền Trung có TTSS bằng hoặc trên TTSS thay thế thì lại tiếp tục tăng TTSS. Hai vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL có TTSS dưới TTSS thay thế lại tiếp tục giảm TTSS. Trong 19 tỉnh, thành phố của Đông và Tây Nam Bộ, chỉ Bình Phước có TTSS (2,29) lớn hơn TTSS thay thế; 18 tỉnh, thành phố còn lại đều có TTSS dưới TTSS thay thế. Riêng Tây Nguyên có TTSS (2,65) cao nhất cả nước năm 2009 thì giảm song vẫn còn khá cao, trên TTSS thay thế (2,36).

Bảo đảm thu nhập tối thiểu để cha mẹ nuôi được 2 con là tiền đề trong việc phát triển con người bền vững ở Việt Nam sau năm 2025 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bảo đảm thu nhập tối thiểu để cha mẹ nuôi được 2 con là tiền đề trong việc phát triển con người bền vững ở Việt Nam sau năm 2025 Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Điều này chứng tỏ mục tiêu điều chỉnh TTSS ở 5/6 vùng trên cả nước không đạt được. Nếu không có TTSS cao ở 4/6 vùng bù cho TTSS thấp ở 2/6 vùng thì đất nước ta đã không giữ được TTSS thay thế suốt 15 năm qua (2009-2023). Nếu từ nay đến năm 2030, giảm được TTSS ở 4/6 vùng theo yêu cầu của Nghị quyết 21-NQ/TW mà không nâng được TTSS của 2/6 vùng thì chắc chắn không duy trì được TTSS thay thế vào năm 2030 và các năm sau.

Hơn nữa, ngoài 18 tỉnh, thành này, gần đây thêm 4 tỉnh, thành là Khánh Hòa, Đà Nẵng, Bình Định, Bình Thuận có TTSS dưới TTSS thay thế. Như vậy, hiện cả nước có 22/63 tỉnh, thành phố có TTSS dưới 2,03 - tức là 35% tỉnh, thành của Việt Nam đã trở thành "hố đen dân số" ở các mức khác nhau.

Phải thay đổi nhận thức

Thực tế biến động TTSS ở Việt Nam hiện nay đặt ra 4 thách thức rất lớn cho tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội bền vững.

Thứ nhất, nguy cơ không đạt được mục tiêu bảo đảm vững chắc TTSS thay thế từ nay đến năm 2030. Năm 2021, TTSS là khoảng 2,1, năm 2022 giảm còn 2,01 (theo Tổng cục Thống kê năm 2023). Hiện GDP/người của Việt Nam khoảng 4.200 USD, tức Việt Nam sắp chuyển từ nước thu nhập trung bình thấp sang nước thu nhập trung bình cao.

Theo thống kê thế giới, đây chính là giai đoạn TTSS chuyển từ trên TTSS thay thế thành dưới TTSS thay thế. Có thể dự báo trong giai đoạn khoảng 2025-2027, TTSS của Việt Nam sẽ giảm xuống dưới 2 và tiếp tục giảm sau đó, nếu các chính sách về lao động, gia đình, phát triển đô thị không thay đổi.

Thứ hai, diễn biến bất thường của TTSS ở ĐBSCL cần được nghiên cứu và khắc phục nhanh chóng. Xu hướng cả nước và thế giới là TTSS ở vùng đô thị thấp hơn nông thôn nhưng tại Tây Nam Bộ, vùng cơ bản là nông thôn lại có TTSS = 1,61 (2022), thấp hơn TTSS của các đô thị cả nước (1,64). Với TTSS thấp xa TTSS thay thế, nếu phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ mới thì rất có thể sẽ thiếu lao động.

Thứ ba, quá trình đô thị hóa không định hướng phát triển gia đình và phát triển con người bền vững là nguyên nhân chính của việc TTSS giảm dưới TTSS thay thế. Tại Việt Nam, năm 1989 có 19,4% dân số sống ở đô thị, năm 2022 là 41%. Mục tiêu phát triển đô thị của Việt Nam là năm 2025 có 45% và 2030 có ít nhất 50% dân số sống ở các đô thị.

Nếu không thay đổi mạnh mẽ chính sách của nhà nước, điều kiện làm việc của người lao động, quy hoạch đô thị để gìn giữ và phát triển gia đình, thì TTSS của Việt Nam sẽ xuống dưới TTSS thay thế một cách chắc chắn (dưới 2) trong giai đoạn 2025-2027.

Thứ tư, theo dự báo thô về dân số dài hạn của Việt Nam, TTSS sẽ giảm dần từ 2,08 năm 2020 xuống 1,5 vào năm 2100. Nếu TTSS tiếp tục giảm từ 1,5 xuống 1,25 thì dân số Việt Nam năm 2500 ước khoảng 3,6 triệu người, năm 2700 còn khoảng 0,5 triệu người và năm 3000 khoảng 32.186 người!

An ninh con người - bảo đảm nguồn lực quan trọng nhất là con người Việt Nam về số lượng và chất lượng cho đất nước phát triển - phải dựa trên việc phát triển bền vững con người Việt Nam. Mất an ninh con người là vấn đề bên trong của đất nước, phải được nhận thức sớm, phòng ngừa kịp thời, hiệu quả từ xa.

Với một đất nước, tổng tỉ suất sinh thấp dưới tổng tỉ suất sinh thay thế kéo dài và duy trì ở mức thấp nhiều năm sẽ dẫn đến thiếu lao động nghiêm trọng, làm suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế và nhiều hệ lụy khác.

Giải pháp

Cần xây dựng Chiến lược phát triển con người Việt Nam bền vững giai đoạn 2025-2045 với 5 quan điểm cơ bản sau đây:

Phát triển bền vững con người Việt Nam là nền tảng quan trọng hàng đầu để phát triển bền vững đất nước.

Để phương thức tăng trưởng kinh tế không dẫn tới suy thoái lao động và dân số, cần có sự thống nhất cao giữa Chính phủ với các doanh nghiệp và toàn xã hội về vai trò không thể thay thế của gia đình và các điều kiện cần thiết để gia đình hạnh phúc, bảo đảm vững chắc TTSS thay thế.

Các chính sách của Chính phủ để phòng ngừa suy thoái lao động, suy thoái dân số phải được ban hành từ sớm, từ xa và đủ mạnh.

Một gia đình 2 người đi làm phải có thu nhập tối thiểu đủ nuôi được 4 người thì lúc đó họ mới có thể nuôi được 2 con.

Cần làm rõ và khẳng định: kết hôn và sinh con là quyền tự do cá nhân. Người Việt Nam yêu nước có trách nhiệm đóng góp cho đất nước phát triển bền vững.

(Còn tiếp)

GS-TS Nguyễn Thiện Nhân (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP HCM, Đại biểu Quốc hội khóa XV)

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/huong-di-moi-cho-dan-so-196240714204455494.htm