Hướng đi mới cho phát triển kinh tế

Hiện nay, nuôi ong mật chiếm vị trí khá quan trọng trong phát triển kinh tế nông nghiệp của tỉnh, góp phần nâng cao thu nhập, tạo công ăn việc làm cho nhiều lứa tuổi. Với mục tiêu nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập cho người nông dân, dự án khuyến nông Trung ương 'Xây dựng mô hình nuôi ong mật gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm' do Bộ Nông nghiệp & PTNT hỗ trợ đã được thực hiện tại tỉnh Phú Thọ. Dự án triển khai từ năm 2024 đến 2026 nhằm giúp người dân nâng cao trình độ kỹ thuật nuôi ong mật, tạo nguồn thu nhập ổn định, bền vững, cải thiện đời sống.

Cấp ong giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình.

Cấp ong giống và vật tư cho các hộ tham gia mô hình.

Năm 2024, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ xây dựng mô hình tại xã Gia Điền và xã Ấm Hạ, huyện Hạ Hòa. Tham gia mô hình có 7 hộ, trong đó xã Gia Điền 3 hộ, quy mô 150 đàn, xã Ấm Hạ 4 hộ, quy mô 200 đàn. Mới đây, Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ tổ chức cấp phát hỗ trợ 350 đàn ong mật giống (giống ong nội Apis cerena) 3 cầu chuẩn/đàn, đảm bảo chất lượng, an toàn về dịch bệnh. Ngoài ra, mô hình còn được hỗ trợ một số vật tư nuôi ong như thùng ong, phấn hoa, đường trắng, tầng chân, máng cho ong ăn, thùng quay mật, bộ dụng cụ nhân đàn... Các loại vật tư đều đảm bảo chất lượng, phù hợp, giúp các hộ dân chăm sóc, nuôi dưỡng đàn ong hiệu quả.

Mô hình tạo cơ hội cho người dân được tiếp cận với kỹ thuật mới về nghề nuôi ong mật, kiểm soát được dịch bệnh trên đàn ong, tuyên truyền giúp người dân trên địa bàn chấp hành và áp dụng các biện pháp để chăn nuôi an toàn, giải quyết được tình trạng thiếu mật ong chất lượng cao hiện nay, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ong mật cho nhiều sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao như mật ong, phấn hoa, sữa ong chúa, keo ong, sáp ong... Các sản phẩm này được sử dụng làm thực phẩm, là thành phần không thể thiếu của nhiều loại thực phẩm, đồ uống, bài thuốc cổ truyền, là nguyên liệu của nhiều sản phẩm mỹ phẩm cao cấp và nhiều sản phẩm của các ngành công nghiệp khác. Ngoài ra, ong mật còn là tác nhân thụ phấn hiệu quả cho các loại cây trồng, cây rừng, góp phần bảo vệ đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, đặc biệt là đối với các loại cây trồng cho hạt. Qua mô hình này, nghề nuôi ong mật sẽ ngày càng phát triển, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, mở ra hướng đi mới, đầy triển vọng cho phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định, góp phần vào sự phát triển bền vững của nông nghiệp địa phương.

Trần Văn Quyết

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/huong-di-moi-cho-phat-trien-kinh-te-218378.htm