Hướng đi mới cho phát triển nông nghiệp
Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành, phát triển các mô hình kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp. Sự hình thành và phát triển của kinh tế trang trại góp phần giúp người nông dân phát huy được lợi thế của sản phẩm nông nghiệp, qua đó nâng cao giá trị của sản phẩm và tạo được sức cạnh tranh trong cơ chế thị trường.
Những mô hình trang trại điển hình
Rời quê Tiền Giang chọn vùng đất xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc lập nghiệp từ năm 2010, với kinh nghiệm trồng cây ăn trái có múi lâu năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng tại vùng đất của huyện Xuyên Mộc phù hợp với các loại cây này nên ông Trương Văn Doanh (ấp Phú Thiện, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc) đã mạnh dạn đầu tư mô hình trồng xen canh bưởi da xanh, cam sành, quýt đường trên diện tích gần 30ha của gia đình.
Ông Trương Văn Doanh cho biết, khác với các loại cây trồng khác, cây có múi như cam, quýt, bưởi thường cho năng suất rất cao, trung bình mỗi năm, trang trại cây ăn trái của ông cho sản lượng từ 250-300 tấn. Với giá bán các loại trái cây dao động 25.000-35.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông thu lãi gần 1,5 tỷ đồng/năm. Thấy việc canh tác hiệu quả, từ năm 2013, gia đình ông Doanh thuê thêm 20 ha đất để mở rộng diện tích trồng trọt, hiện vườn cây mở rộng thêm của gia đình ông đang trong giai đoạn làm trái để bán dịp Tết.
Bắt đầu khởi nghiệp từ nghề nuôi vịt đẻ trứng, 17 năm gắn bó với nghề, đến nay ông Nguyễn Văn Tuấn, ấp Nhân Đức, xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc đã có nguồn thu nhập cao và ổn định từ nghề này. Ông Tuấn cho hay, trước khi nuôi vịt đẻ trứng, cách đây gần 20 năm, ông chủ yếu làm nghề đi biển, cuộc sống khá vất vả do phải phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu thụ trứng vịt lớn, nhưng nguồn cung hạn chế, từ số vốn dành dụm, vợ chồng ông bàn nhau mua hơn 1ha đất tại địa phương để xây dựng mô hình kinh tế nuôi vịt siêu trứng có chuồng nuôi nhốt và ao, với số lượng ban đầu gần 2.000 con.
Theo ông Tuấn, 2.000 con vịt thời điểm đó với ông là cả một gia tài, trong khi đó ông Tuấn lại là hộ đầu tiên nuôi vịt đẻ trứng ở địa phương, nên khó khăn là điều khó tránh khỏi. Thiếu vốn, thiếu kỹ thuật, nhưng nhờ bản tính cần cù, ông Tuấn đã tự mình học hỏi kinh nghiệm từ sách vở, bạn bè. Do đó, dù bận tới đâu, ông cũng không bỏ lỡ một buổi tập huấn chăn nuôi nào do chính quyền địa phương tổ chức.
Hiện trang trại của gia đình ông Tuấn có gần 12.000 con vịt, trung bình mỗi ngày anh thu về gần 9.000 quả trứng. Với giá bán trừng từ 18 – 21.000 đồng/chục, sau khi trừ các chi phí, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 1 tỷ đồng. Không chỉ làm giàu hiệu quả, ông còn tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/tháng/người.
Còn ông Đỗ Văn Tam, xã Bình Ba, huyện Châu Đức thì bắt đầu khởi nghiệp từ 1,7 ha đất có được nhờ vay mượn của anh em, bạn bè mua để trồng cà phê từ năm 1990, đến nay, quy mô canh tác của gia đình ông Tam đã phát triển lên hơn 3,7ha với việc trồng tiêu, cao su, ca cao đan xen nuôi gà, dê.
Ông Tam cho biết, những năm đầu khởi nghiệp, giá cà phê ổn định, với diện tích trồng 1,7 ha, mỗi năm ông thu được 50-60 triệu đồng. Tuy nhiên dần về sau, giá cà phê giảm thu nhập bấp bênh, đến năm 2000, ông Tam mạnh dạn chặt bỏ cà phê chuyển sang canh tác mô hình trồng cao su, ca cao kết hợp với nuôi gà thịt với quy mô trung bình mỗi lứa nuôi khoảng trên 10.000 con.
Từ khi thực hiện mô hình canh tác kết hợp giữa chăn nuôi và trồng trọt, thu nhập của gia đình ông tăng lên khoảng 300-400 triệu/năm. Sản xuất có lãi, ông Tam đầu tư mua thêm gần 2ha đất để mở rộng chuồng trại nuôi thêm gà, dê và trồng tiêu. Đến nay, quy mô trang trại của ông đã phát triển với 2ha diện tích trồng tiêu; 1,7ha canh tác cao su, ca cao; nuôi 50.000 con gà và 240 con dê/năm. Thu nhập từ sản xuất của ông Tam hiện đạt hơn 2 tỷ đồng mỗi năm.
Với việc canh tác nông nghiệp theo mô hình vườn-ao-chuồng kết hợp, mỗi năm trang trại của ông Đào Văn Trọng (ấp 4, xã Bưng Riềng, huyện Xuyên Mộc) cho thu nhập từ 350-400 triệu đồng.
Ông Trọng chia sẻ, trước đây, trên diện tích hơn 1 ha, ông Trọng trồng các loại cây ngắn ngày như mì, bắp… nhưng không cho hiệu quả kinh tế cao, thu nhập thất thường, nguồn thu gia đình không ổn định. Từ năm 2010, ông Trọng mạnh dạn phát triển kinh tế trang trại chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ban đầu ông nuôi gà với quy mô 2.000 con, sau đó ông đầu tư nuôi vịt cũng với quy mô 2.000 con. Nhận thấy nguồn phân, nước thải từ nuôi gà, vịt rất tốt để nuôi cá nên năm 2011, ông Trọng đã đầu tư khoảng 3 tỷ đồng mua thêm đất đào 7 ao để nuôi cá và ba ba, cùng với trồng 400 gốc dừa xiêm dọc theo bờ ao.
“Việc kết hợp mô hình vườn ao chuồng giúp tôi có thể tiết kiệm chi phí trong chăn nuôi. Bên cạnh đó, canh tác nhiều mô hình trên cùng một diện tích giúp cho người chăn nuôi có thể bảo đảm nguồn thu nhập. Nếu loại cây trồng, con vật nuôi trong đợt này bị thua lỗ thì có loại khác thay thế, việc canh tác hạn chế thua lỗ”, ông Trọng cho biết.
Tạo điều kiện thuận lợi phát triển các trang trại
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, việc phát triển kinh tế trang trại thời gian qua trên địa bàn tinh đã góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn; đẩy mạnh việc khai thác, đưa vào sản xuất thêm diện tích đất trống, tăng thêm hàng hóa nông sản, tiềm năng và lợi thế của đất đai được khai thác tốt. Từ đó, dẫn đến huy động có hiệu quả nguồn vốn trong cộng đồng dân cư để đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp nâng cao thu nhập cho người dân.
Về mặt kinh tế-xã hội, kinh tế trang trại đã tạo thêm thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, góp phần xóa đói giảm nghèo. Hiện tổng số lao động làm việc thường xuyên tại các trang trại là trên 1.400 người. Ngoài ra, các trang trại còn là nơi cung cấp con giống có chất lượng cho các hộ dân trồng trọt, chăn nuôi với quy mô nhỏ trong địa phương, góp phần giải quyết việc làm tăng thu nhập cho chủ trang trại và người dân trong vùng.
Những năm qua, nhằm giúp cho các trang trại có điều kiện thuận lợi hoạt động các cấp chính quyền trên địa bàn tỉnh đã có những chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương nội đồng phục vụ cho ngành nông nghiệp phát triển nói chung và kinh tế trang trại nói riêng.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng thường xuyên tổ chức, chuyển giao khoa học kỹ thuật, khuyến cáo các chủ trang trại sử dụng các loại giống mới có năng suất cao, chất lượng ổn định đưa vào sản xuất. Đồng thời tiến hành xây dựng một số mô hình trình diễn kết hợp với các buổi hội thảo để các chủ trang trại trao đổi học tập, áp dụng vào sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, các ngành chức năng phải tăng cường thông tin, tuyên truyền, vận động bà con nông dân trong chuyển đổi phát triển những trang trại nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từ những mô hình hiệu quả, phù hợp thực tiễn của doanh nghiệp, người nông dân tìm hiểu, biết được để có những thay đổi trong nhận thức chấp nhận hướng chuyển đổi phương thức sản xuất.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn tỉnh có 302 trang trại đang hoạt động. Trong đó, có các loại hình trang trại chăn nuôi, trang trại trồng trọt, trang trại nuôi trồng thủy sản và trang trại tổng hợp phân bổ trên các huyện, thành phố của tỉnh.