Hướng đi mới cho vùng chăn nuôi ven biển

Giống vịt biển thích nghi tốt với điều kiện khí hậu nên phát triển tốt, tốc độ tăng trọng nhanh. Ảnh: NGUYỄN CHƯƠNG

Nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu ngành Chăn nuôi, Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên và Trung tâm Khuyến nông tỉnh vừa triển khai dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học tại huyện Tuy An. Mô hình này đã cho thấy những kết quả khả quan, phù hợp phát triển nhân rộng ở vùng ven biển.

Nhiều ưu điểm

Theo Trung tâm Khuyến nông tỉnh, dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học được đơn vị phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên triển khai tại xã An Thạch (huyện Tuy An) với 10 hộ dân tham gia. Các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ 50% chi phí con giống, thức ăn, thuốc thú y và kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh... Ông Huỳnh Văn Viên, cán bộ kỹ thuật phụ trách dự án (thuộc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) cho biết: Điều đặc biệt của dự án này là giống vịt nuôi trong mô hình là giống vịt biển Đại Xuyên do Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên lai tạo. Trong mô hình, chúng tôi nuôi giống vịt biển này tại 4 địa điểm có điều kiện tự nhiên khác nhau gồm vùng nước lợ ở cửa sông Kỳ Lộ, vùng nước ngọt trên sông Lò Gốm, dọc mương thủy lợi và nuôi trên cạn. Qua theo dõi, tại 4 địa điểm triển khai mô hình, giống vịt Đại Xuyên này đều thích nghi tốt.

Là một trong những hộ tham gia mô hình, gia đình ông Mai Dân Phi ở xã An Thạch sau khi nhận con giống và được hướng dẫn kỹ thuật từ cán bộ đã thực hiện đầy đủ quy trình chủng ngừa vắc xin viêm gan, dịch tả và cúm gia cầm cho đàn vịt. Dọc vùng cửa sông Kỳ Lộ, ông vây lưới để vịt bơi ăn tự do, thức ăn không cho ăn theo bữa mà theo định mức mỗi ngày cho sẵn ra máng để vịt có thể ăn bất cứ lúc nào. Sau 2 tháng nuôi, đàn vịt nhà ông không chết con nào.

Còn ông Trần Minh ở xã An Thạch cho hay: Đàn vịt biển của mô hình được tôi vây nuôi dọc sông Lò Gốm cùng với đàn vịt cỏ giống Long An của gia đình để dễ so sánh. Qua 2 tháng nuôi, tôi nhận thấy vịt biển có tỉ lệ sống gần 100%, trong khi đó vịt cỏ Long An tỉ lệ chết trong giai đoạn từ 1-10 ngày tuổi vào khoảng 25-30%. Giống vịt biển này ít nhiễm bệnh, vịt nuôi trong mô hình này từ lúc nhận giống đến khi xuất bán không bị bệnh gì. Lượng thức ăn tiêu hao của giống vịt biển tương đương, thậm chí thấp hơn khoảng 2,7kg thức ăn/kg trọng lượng vịt khi xuất bán. Cũng theo ông Minh, giống vịt biển này khi nuôi được 45 ngày, vịt đạt trọng lượng từ 2,8-3kg/con, đủ chuẩn để xuất bán, nếu xuất chuồng lúc này sẽ giảm lượng thức ăn, giảm chu kỳ sản xuất nên mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng vì gia đình tham gia nuôi theo mô hình nên phải nuôi đủ 55 ngày theo yêu cầu. Hiện nay, gia đình đang xuất bán với giá thành 80.000 đồng/con vịt biển, ngang giá với giống vịt cỏ nhưng thương lái chuộng giống vịt này hơn vì vịt to và nhiều nạc.

Ông Huỳnh Văn Viên cho hay: Đến nay, sau 2 tháng triển khai, dự án đã kết thúc, cho kết quả rất khả quan. Tỉ lệ sống đạt 98%, khả năng kháng bệnh tốt, tốc độ tăng trưởng nhanh, tỉ lệ tiêu tốn thức ăn không cao, có khả năng thích nghi rộng, có thể sống tại các vùng cửa sông, cửa biển và bãi biển, phù hợp để người dân phát triển chăn nuôi tại các vùng bãi ngang, ven biển mà xưa nay không thể nuôi vịt được. Đặc biệt khi nuôi giống vịt biển này dọc các vùng cửa sông, ven biển, chất thải của vịt sẽ trở thành thức ăn cho các loại thủy sản, không gây tác động xấu đến môi trường.

Tiếp tục nhân rộng

Theo ông Bùi Hữu Bình, Phó Chủ tịch UBND xã An Thạch, hiện nay địa phương có đàn vịt khoảng 35.000 con, mang lại sinh kế cho nhiều gia đình. Thông qua dự án Phát triển mô hình chăn nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học, cho thấy giống vịt biển Đại Xuyên này có thể thích nghi phát triển tốt ở các vùng ven biển đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân vùng ven biển của xã. Xã sẽ tích cực hỗ trợ cho người chăn nuôi trong việc huy động vốn để phát triển mô hình nuôi vịt biển này.

Còn ông Phạm Bảnh ở phường Hòa Hiệp Nam (TX Đông Hòa) cho biết: Tôi đã có thâm niên nuôi vịt khoảng 60 năm, đã nuôi qua hầu hết các giống vịt mới và cũ. Vừa qua, khi tham quan mô hình nuôi vịt biển tại huyện Tuy An, tôi nhận thấy đây là giống vịt có nhiều ưu điểm như thể trạng tốt, hình thể đẹp, mình dài nên trọng lượng sẽ cao hơn các giống chuyên thịt khác. Với tỉ lệ hao hụt và khả năng kháng bệnh tốt như vậy thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ cao hơn. Sắp tới, tôi cũng sẽ mua giống và nuôi thí điểm để có so sánh chính xác, lựa chọn phù hợp nhất cho bài toán phát triển chăn nuôi của mình.

Ông Trương Văn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho hay: Mục tiêu của dự án nhằm chuyển giao đến nông dân giống vịt mới có khả năng thích nghi ở nhiều môi trường nước, đặc biệt là nước mặn. Đồng thời đưa thêm con giống mới vào bộ giống chăn nuôi, tạo sinh kế cho các hộ dân vùng nước lợ, nước mặn và người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Cũng từ đó, giúp người dân chuyển đổi cơ cấu giống, thay đổi tập quán chăn nuôi vịt, tận dụng mùa vụ chạy đồng sang nuôi công nghiệp hoàn toàn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hoạt động chăn nuôi gây ra.

Để mô hình được nhân rộng, trong năm 2021, Trung tâm Khuyến nông tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu vịt Đại Xuyên triển khai thêm các dự án nuôi vịt biển đảm bảo an toàn sinh học này tại một số địa phương ven biển khác trong tỉnh.

THỦY TIÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/244996/huong-di-moi-cho-vung-chan-nuoi-ven-bien.html