Hướng đi mới của các HTX ở Sóc Trăng giúp nâng cao đời sống người dân

Đẩy mạnh khâu tổ chức sản xuất, chủ động trong liên kết... đang là hướng đi mới giúp các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng không chỉ giải quyết bài toán đầu ra trước mắt, tránh được chuyện 'được mùa - mất giá' mà còn nâng cao đời sống của người dân ở địa phương này.

Anh Nguyễn Văn Thống, thành viên HTX Nông nghiệp Vinh Lợi (Huyện Thanh Trị), nhìn nhận: “Tham gia HTX, được liên kết sản xuất, đảm bảo đầu ra nên chúng tôi rất yên tâm trong sản xuất. Rõ ràng, liên kết sản xuất tốt hơn tự sản xuất, thu nhập ổn định hơn trước, giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững”.

Từ phát huy vai trò hợp tác xã

Sóc Trăng là một tỉnh nông nghiệp với gần 68% dân số sống ở khu vực nông thôn, do đó kinh tế nông nghiệp vẫn chiếm vị trí hết sức quan trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 222 HTX với tổng số 34.464 thành viên. Hàng năm, phát triển mới từ 15 - 20 HTX, luôn đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Người dân đã thấy được hiệu quả của việc làm ăn hợp tác tốt hơn nhiều so với làm ăn cá thể, nhỏ lẻ. Vì vậy, ngày càng có nhiều HTX được thành lập trên tinh thần tự nguyện, dân chủ, hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ nông sản ngày càng hiệu quả.

Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Vinh Lợi chia sẻ thông tin quá trình xây dựng mô hình lúa hữu cơ tại HTX.

Lãnh đạo HTX Nông nghiệp Vinh Lợi chia sẻ thông tin quá trình xây dựng mô hình lúa hữu cơ tại HTX.

Dù mới được thành lập cuối năm 2021, với 22 thành viên ban đầu, nhưng ngay từ đầu vụ, HTX Nông nghiệp Vinh Lợi đã tổ chức cho các hộ thành viên xuống giống đồng loạt 50ha giống lúa thơm đặc sản ST25. Đồng thời, HTX làm đầu mối liên kết với Công ty Hongtan Food, thu mua 100% sản lượng và giá cao hơn thị trường. Công ty Hongtan Food cam kết sẽ mua lúa với giá cao hơn bình thường nếu sản phẩm được chứng nhận sản xuất hữu cơ và bao tiêu đầu ra ổn định cho thành viên HTX.

Ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX Vinh Lợi cho biết: “Ngoài định hướng cho bà con sản xuất lúa an toàn và lúa hữu cơ, HTX còn tranh thủ các chương trình, dự án hỗ trợ các thành viên kinh phí, kỹ thuật canh tác để tạo ra sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Từ đó, nâng cao giá trị hạt gạo, tăng thu nhập cho thành viên”.

Tại nhiều địa phương trong tỉnh, HTX đang trở thành loại hình phổ biến, phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế trong tổ chức sản xuất, kinh doanh của hộ gia đình, cá nhân, nhất là lĩnh vực nông nghiệp, lao động trẻ có chuyên môn khởi nghiệp bằng mô hình HTX đạt hiệu quả cao.

Thực tế, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp ở tỉnh Sóc Trăng đang chủ động chuyển đổi mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ. Hướng đi này đã giúp cho các HTX nâng chất lượng, giá trị sản phẩm trên thị trường nông sản. Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Tân, ấp Tân Lợi, xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị, Lý Thanh Cường cho biết: “Việc áp dụng những biện pháp kỹ thuật tiên tiến, quy trình sản xuất hiện đại khi tham gia vào HTX sẽ giúp cho các thành viên được lợi nhuận cao hơn và sản phẩm chất lượng, dễ tiêu thụ hơn”.

Đến xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng: Nhờ tích cực triển khai công tác kết nối giữa doanh nghiệp, với các HTX, tổ hợp tác và nông dân, việc tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng liên kết ngày càng nhiều. Bên cạnh đó, việc hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với liên kết tiêu thụ ngày càng được chú trọng, diện tích liên kết tiêu thụ trên cây lúa ngày càng tăng. Điều này tạo động lực rất lớn cho nông dân và các HTX chủ động, tích cực đẩy mạnh sản xuất, tạo bước tiến, hướng đi mới cho quá trình sản xuất, kinh doanh của các HTX.

Tuy nhiên, dù cho các HTX trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng có phát triển cả về số lượng, chất lượng nhưng cũng còn gặp nhiều khó khăn, chưa được như kỳ vọng.

“Mặc dù đã có nhiều hoạt động thúc đẩy liên kết, xúc tiến thương mại đã thực hiện, nhưng hiệu quả cũng chưa được như mong đợi. Hiện nay, một phần cũng do năng lực của các HTX, Tổ hợp tác còn hạn chế, chưa tìm được tiếng nói chung trong chia sẻ rủi ro và lợi ích giữa doanh nghiệp và các tổ chức liên kết với nhau”, ông Huỳnh Ngọc Nhã chia sẻ.

Để phát triển kinh tế hợp tác trong nông nghiệp ngày càng vững mạnh, bền vững, đại diện Liên Minh HTX tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong thời gian tới, đơn vị sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bản chất, cơ chế hoạt động của HTX kiểu mới, vai trò và lợi ích của kinh tế hợp tác, HTX.

Phối hợp địa phương xây dựng mô hình HTX hoạt động hiệu quả, sản xuất theo tiêu chuẩn, chất lượng theo yêu cầu thị trường, truy xuất được nguồn gốc, liên kết tạo ra chuỗi giá trị sản phẩm của HTX, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm.

Bên cạnh đó, hỗ trợ cho các HTX mở rộng sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện cho các HTX tiếp cận các chính sách hỗ trợ để HTX, tổ hợp tác có điều kiện nâng cao các hoạt động. Đồng thời, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các viện, trường mở các lớp đào tạo lãnh đạo HTX tiếp cận tri thức mới về nông nghiệp thông minh, nông nghiệp tuần hoàn, kiến thức cơ bản về kinh tế thị trường cùng các kỹ năng truyền thông, bán hàng, tiếp cận công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Thúc đẩy sự liên kết giữa các HTX trong cùng lĩnh vực, chất lượng, gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu, để thực hiện tốt các khâu trong chuỗi liên kết, gắn với cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới….

Hoàng Hà

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/huong-di-moi-cua-cac-htx-o-soc-trang-giup-nang-cao-doi-song-nguoi-dan-1091946.html