Hướng đi mới của người Cơ Tu ở Quảng Nam (Bài 3): Đổi đời cùng HTX trồng cây đẳng sâm

Phát triển các vùng trồng cây đẳng sâm ở huyện Tây Giang với vai trò lớn của HTX đang giúp cho bà con đồng bào dân tộc Cơ Tu có nguồn thu nhập ổn định và nâng cao đời sống, trở nên khá giả.

Gia đình bà Briu Thị Thịnh, người dân tộc Cơ Tu ở xã biên giới Ch’Ơm trước đây chỉ trồng cây keo, thu nhập không cao. Sau đó, được chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ, bà mạnh dạn chuyển sang trồng cây đẳng sâm - loại cây thuốc quý đang được nhiều người tiêu dùng săn đón.

Làm giàu cùng cây thuốc quý

Nhờ có HTX Nông nghiệp Ch’Ơm hỗ trợ bao tiêu sản phẩm, nên mỗi năm, gia đình bà Thịnh thu nhập ổn định từ cây đẳng sâm khoảng 150 - 200 triệu đồng.

HTX Nông nghiệp Ch’Ơm giúp bà con Cơ Tu làm giàu với cây đẳng sâm.

HTX Nông nghiệp Ch’Ơm giúp bà con Cơ Tu làm giàu với cây đẳng sâm.

"Giá trị của cây đẳng sâm là đem lại cho mình thêm kinh tế, có tiền mua gạo để ăn. Không giống như hồi xưa, không có tiền chỉ có thể lấy lúa rẫy về giã cũng mệt mỏi. Giờ có tiền thì có thể mua gạo sẵn từ đồng bằng về ăn, không giống ngày xưa quá cực khổ”, bà Thịnh nói.

Là thành viên của HTX, cách đây 3 năm, gia đình người dân tộc Cơ Tu là anh A Lăng Nha và chị Pơ Loong Nhới ở thôn A Choong (xã Ch’Ơm) được hỗ trợ cây giống đẳng sâm trồng trên diện tích 1ha.

Năm vừa rồi, anh chị thu hoạch một phần diện tích, bán được 20 triệu đồng. Vợ chồng anh cùng các con cũng tham gia việc ươm giống đẳng sâm cho HTX như một cách “học kỹ thuật” để sau này có thể có vườn cho riêng mình.

Theo anh Nha, nếu cây đẳng sâm vẫn phát triển theo đà như hiện nay thì gia đình anh có thể làm giàu từ loại cây này mà không phải đi đâu xa, mỗi năm tích góp một chút sẽ có tiền cho con cái học hành.

Hoặc như gia đình bà Alăng Thị Nhôn, 41 tuổi, người Cơ Tu ở thôn A Choong, trước đây thuộc diện hộ nghèo của thôn, nhưng sau một thời gian tham gia HTX trồng sâm, đến nay kinh tế đã ổn định, nhà cửa khang trang, con cái được đến trường đi học.

Hiện nay ở xã Ch’Ơm có rất nhiều hộ dân người Cơ Tu tham gia trồng đẳng sâm với tổng diện tích hơn 200ha, trong đó thôn A Choong chiếm gần một nửa.

Những năm trước, bà con Cơ Tu trong xã trồng đẳng sâm nhiều nhưng bị thương lái thu mua ép giá. Để hỗ trợ bà con buôn bán cây đẳng sâm, HTX nông nghiệp Ch’Ơm được thành lập nhằm khắc phục vấn đề này.

Anh A Lăng Lơ, vừa là Trưởng thôn A Choong vừa là Giám đốc HTX nông nghiệp Ch’Ơm cho biết, đây là HTX nông nghiệp nằm trong liên kết chuỗi HTX ở huyện Tây Giang.

“Vai lớn” của HTX

Tuy mới được thành lập không lâu nhưng HTX với những thành viên là đồng bào Cơ Tu đang có những tín hiệu vui cho lối làm ăn liên kết, bởi đẳng sâm được đảm bảo ổn định giá cả cũng như việc bao tiêu sâm đối với các thành viên, tránh các trường hợp được mùa thì rớt giá.

Đẳng sâm là loại cây thuốc quý đang được bà con Cơ Tu ở xã Ch’Ơm phát triển thành vùng nguyên liệu lớn.

Đẳng sâm là loại cây thuốc quý đang được bà con Cơ Tu ở xã Ch’Ơm phát triển thành vùng nguyên liệu lớn.

Tất cả đẳng sâm do các thành viên HTX trồng, thu hoạch sẽ được HTX dược liệu Đức Huy Tây Giang (ở xã A Tiêng, huyện Tây Giang) thu mua để chế biến thành phẩm là cao, mứt và rượu sâm, tạo nên thương hiệu “Đẳng sâm khu 7” đưa ra thị trường.

Tính đến nay, HTX nông nghiệp Ch’Ơm đã có hơn 20ha trồng đẳng sâm, trong đó có 18ha ở xã Ch’Ơm, còn 2ha là ở xã Ga Ri (huyện Tây Giang).

Theo chia sẻ của anh A Lăng Lơ, 1ha nương rẫy trồng lúa mỗi năm một vụ chỉ thu khoảng 2 tấn lúa, bán chừng 16 triệu đồng. Trong khi đó, với việc trồng cây đẳng sâm, 1ha cho thu hoạch khoảng 2 tấn sâm củ tươi, với giá trung bình 200 nghìn đồng/kg như hiện nay, sẽ thu về 400 triệu đồng, lợi gấp hơn 20 lần trồng lúa…

Anh A Lăng Lơ cho biết thêm, hiện cả thôn Achoong có 32 hộ dân thì 100% đều trồng sâm. Từ đó, đời sống bà con Cơ Tu khá lên dần.

Theo lãnh đạo xã Ch’Ơm, HTX nông nghiệp Ch’Ơm đã góp phần thay đổi bộ mặt của xã và thay đổi nhận thức của người dân, góp phần phát triển kinh tế vườn, từ sản vật địa phương, mở ra cơ hội giảm nghèo bền vững cho đồng bào Cơ Tu.

Những đánh giá gần đây cho thấy, việc trồng cây đẳng sâm ở xã Ch’Ơm nói riêng và ở huyện Tây Giang nói chung đang giúp cho bà con Cơ Tu có nguồn thu nhập và nâng cao đời sống, nên nhiều hộ dân phấn khởi tham gia.

Đặc biệt là khi các HTX cũng mạnh dạn cam kết thu mua các sản phẩm từ loài dược liệu này và đây là tín hiệu tốt trong việc tạo ra cuộc sống mới khấm khá hơn cho bà con Cơ Tu.

Đến nay, các hộ nông dân, HTX nông nghiệp đã đầu tư trồng cây đẳng sâm theo hướng bán thâm canh, tập trung để tạo thành vùng nguyên liệu lớn tại 2 xã Ch’Ơm và Ga Ry thuộc huyện Tây Giang. Đầu ra đã dần ổn định vì có sự liên kết với các HTX nông nghiệp và các thương lái trong và ngoài huyện.

Thanh Loan

Bài cuối: ‘Hái ra tiền’ cùng du lịch cộng đồng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//business-cooperative/huong-di-moi-cua-nguoi-co-tu-o-quang-nam-bai-3-doi-doi-cung-htx-trong-cay-dang-sam-1081106.html