Hướng đi mới ở Mường Bám
Trước đây, người dân xã Mường Bám (Thuận Châu) chủ yếu trồng lúa nương, ngô, sắn mang tính tự cung tự cấp; canh tác truyền thống, năng suất thấp nên thường xuyên thiếu đói mùa giáp hạt. Mường Bám nay bên cạnh màu xanh tươi tốt của những cánh rừng, đồng lúa, là những đồi cây ăn quả thu nhập cao, kinh doanh dịch vụ phát triển, ngày càng nhiều những ngôi nhà xây kiên cố mọc lên.
Đến Mường Bám điều đầu tiên nhận thấy là các hoạt động thương mại, dịch vụ ở xã vùng cao này tương đối đa dạng từ dịch vụ may mặc, vật tư nông nghiệp, điện, nước, dịch vụ vận tải... Thăm cửa hàng bán tạp hóa của anh Lò Văn Du, bản Hát với đầy đủ các mặt hàng từ nhu yếu phẩm cần thiết đến quần áo, đồ chơi trẻ em. Sinh ra, gắn bó và chứng kiến những đổi thay quê hương, anh Du phấn khởi cho biết: Từ khi được Nhà nước đầu tư hệ thống đường giao thông đi lại thuận tiện nên giao thương phát triển, không chỉ gia đình tôi mà nhiều gia đình khác trong xã cũng đã mạnh dạn đầu tư kinh doanh dịch vụ, các mặt hàng ngày càng phong phú hơn. Giờ đây, chỉ cần ra trung tâm xã là người dân có thể tìm mua được đầy đủ các mặt hàng từ thiết yếu đến máy móc nông nghiệp, thiết bị điện tử.
Những vạt nương trồng cây lương thực kém hiệu quả ở Mường Bám, đang dần nhường chỗ cho cây ăn quả mang lại thu nhập cao hơn. Những vườn xoài sau 2, 3 năm trồng đã cho thu hoạch, khích lệ người dân tiếp tục mở rộng diện tích, đầu tư thâm canh. Toàn xã đã chuyển đổi trên 200 ha cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc sang cây nhãn, xoài, tập trung ở các bản: Phèn A, Phèn B, Nà Làng A, Nà Làng B, Nà Cẩu, Nà Hát, Lào, Nà La B, Pá Ban. Ông Quàng Văn Hùng, bản Hát là một trong những người tiên phong ở xã đưa cây xoài ghép về trồng trên đồi đất dốc. Sau quá trình tìm hiểu kỹ thuật trồng và chăm sóc, năm 2017, ông Hùng đã mạnh dạn trồng 3 ha cây xoài ghép. Sau 2 năm, vườn xoài của gia đình ông Hùng đã cho thu hoạch những lứa quả đầu tiên. Chia sẻ với chúng tôi, ông Hùng cho biết: Hiệu quả kinh tế từ trồng xoài cao hơn nhiều lần so với trồng cây ngô, sắn. Mỗi năm, gia đình thu trên 200 triệu đồng từ vườn xoài và nuôi gà thả vườn với số lượng gần 1.000 con. Nhờ đó, cuộc sống của gia đình khấm khá hơn nhiều.
Xã Mường Bám tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn tập trung xây dựng một số mô hình cây ăn quả để các hộ dân đến tham quan học tập, thay đổi tập quán canh tác, từng bước ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở địa phương. Cùng với đó, chỉ đạo các đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia các phong trào thi đua lao động sản xuất giỏi, giúp nhau làm kinh tế. Tận dụng lợi thế về đất đai thuận lợi cho việc trồng cỏ và nguồn thức ăn có sẵn trong tự nhiên, nhiều hộ gia đình trong xã đã phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm với số lượng lớn. Đến nay, Mường Bám có tổng số đàn trâu, bò trên 3.500 con, đàn lợn trên 3.000 con, đàn dê gần 700 con và đàn gia cầm, thủy cầm trên 33.000 con. Nhiều hộ gia đình còn chủ động vay vốn để tiếp tục mở rộng chăn nuôi theo quy mô tập trung, kết hợp trồng cây ăn quả, cây lương thực. Toàn xã hiện có trên 220 ha cây ăn quả, gần 30 ha rau củ các loại, trên 60 ha trồng cỏ voi, trên 100 ha sắn, 40 ha mắc ca và gần 20 ha sa nhân. Nhờ đó, năm 2019 xã có 687 hộ thoát nghèo.
Nói về hướng phát triển kinh tế ở địa phương, ông Lò Tiến Văn, Chủ tịch UBND xã Mường Bám, chia sẻ: Xã Mường Bám đã xây dựng quy hoạch cây trồng theo vùng để tạo vùng nguyên liệu tập trung: Vùng 1 từ Pá Ban đến Bôm Kham gồm 12 bản, phát triển cây xoài; vùng 2 gồm 4 bản từ Pá Chóng đến Hát Pang phát triển cây nhãn; vùng 3 gồm các bản vùng cao phát triển cây cam ruột đỏ, sa nhân, sơn tra. Bên cạnh đó, tiếp tục phát triển kinh doanh dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp; tập trung đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hóa, mở rộng việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương; khuyến khích người dân chuyển những diện tích nương kém hiệu quả sang trồng cỏ để phát triển chăn nuôi đại gia súc, thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng. Xã sẽ tiếp tục vận động nhân dân phát huy tính chủ động, tinh thần đoàn kết; tranh thủ các nguồn lực đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới.
Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, đồng lòng, chung sức vượt khó đi lên của người dân, vùng đất nghèo khó xưa đã dần lùi vào quá khứ, bộ mặt nông thôn tươi sáng dần hiện hữu trên mảnh đất Mường Bám hôm nay. Phát huy hiệu quả các chương trình được đầu tư, đồng bào các dân tộc nơi đây đang từng bước thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong sản xuất để ngày càng nâng cao thu nhập và đời sống, xây dựng quê hương ngày càng phát triển.
Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/huong-di-moi-o-muong-bam-30892